Vệ tinh NASA phát hiện Trái đất cạn dần nguồn nước ngầm

19/06/2015 15:36 GMT+7

(TNO) Nguồn nước ngầm trên thế giới đã bắt đầu sụt giảm với tốc độ đáng báo động, có thể khiến cho hàng triệu người dân trên thế giới không còn đủ lượng nước dùng trong tương lai, một nghiên cứu mới của NASA cho hay.

(TNO) Nguồn nước ngầm trên thế giới đã bắt đầu sụt giảm với tốc độ đáng báo động, có thể khiến cho hàng triệu người dân trên thế giới không còn đủ lượng nước dùng trong tương lai, một nghiên cứu mới của NASA cho hay.

Nguồn nước của thế giới đang dần cạn kiệt - Ảnh: Reuters

Một nghiên cứu hợp tác giữa các nhà khoa học thuộc NASA và Trường đại học California (Mỹ) đã tuyên bố lượng nước dự trữ của thế giới đang thiếu hụt nghiêm trọng, Reuters đưa tin ngày 17.6. Nguyên nhân chính là do nhu cầu sử dụng nước ngày càng cao của con người. Các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng dân số thế giới đang tiêu thụ nguồn nước ngầm quá nhanh đến nỗi không nhận thức được khi nào nó sẽ cạn kiệt.

Các nhà khoa học đã sử dụng hệ thống vệ tinh của NASA mang tên GRACE, vốn được dùng để đo trọng lực và khí hậu Trái đất, từ năm 2003 đến 2013, để có được những con số chính xác về lượng nước ngầm trên thế giới cũng như cho thấy cái nhìn rõ nét nhất về mạch nước ngầm Trái đất hiện nay.

"Đây thật sự là cơ hội để chúng tôi thấy được sự thay đổi lớn trong lượng nước ngầm qua từng năm", Gordon Grant, một nhà thủy văn học của đại học bang Oregon và cũng là thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.

Nghiên cứu cũng cho thấy khoảng một phần ba các lưu vực nước ngầm lớn nhất của Trái đất đang suy giảm rất nhanh chóng mà không có khả năng tái tạo nguồn nước.

Được biết, tầng ngậm nước cung cấp đến 35% lượng nước cho con người trên toàn thế giới và là nguồn nước ngọt chính cho khoảng 2 tỉ người. Bên cạnh đó, nạn hạn hán cũng là nguyên nhân làm tăng thêm nhu cầu sử dụng nước.

"Như mọi người có thể thấy ở California hiện nay, chúng ta phải phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nước ngầm trong thời gian hạn hán", Famiglietti, giáo sư của Đại học California, cho biết.

Các khu vực sử dụng triệt để tầng ngậm nước thường nằm ở khu tương đối nghèo và đông dân cư, chẳng hạn như ở phía tây bắc Ấn Độ, Pakistan và Bắc Phi, nơi hầu như không có nguồn nước ngầm nào thay thế. Ả Rập là nước sử dụng nguồn từ tầng ngậm nước nhiều nhất, cung cấp nước cho hơn 60 triệu dân, tiếp theo đó là Ấn Độ, Pakistan, Libya và Nigeria.

Tình trạng nóng lên của toàn cầu càng khiến cho những nước thuộc khu vực gần xích đạo sử dụng nước nhiều hơn. Hầu hết lượng nước ngầm được con người sử dụng sẽ không thể quay trở lại vào tầng ngậm nước, lượng này thường bốc hơi hoặc xả ra sông cùng với các chất thải đã được xử lý và cuối cùng chảy ra biển.

Các nhà khoa học cũng nhấn mạnh rằng các hoạt động công nghiệp cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tầng ngậm nước, dẫn đến lượng nước bị suy giảm nhanh chóng. Alexandra Richey, nhà khoa học dẫn đầu dự án nghiên cứu, cho biết nhóm của ông đang cố gắng cảnh báo đến cộng đồng thế giới và kêu gọi hành động bảo vệ tài nguyên nước cho tương lai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.