Vẽ tranh 'độc lạ': Cư sĩ vẽ tranh bằng chữ

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
13/09/2023 07:27 GMT+7

Không qua trường lớp chính quy, nhưng với niềm đam mê thư họa, hàng chục năm nay, ông Lê Đàn (71 tuổi, trú P.5, TP.Đông Hà, Quảng Trị) đã tạo nên rất nhiều bức tranh "không giống ai": tranh bằng chữ.

THỢ SỬA XE CÓ TÂM HỒN "TREO NGƯỢC"

Lần đầu tiên người viết gặp ông Lê Đàn đã cách đây 6 năm. Đó là một ngày chớm xuân, tiết trời se, trong ngôi nhà mặt tiền đường Chu Mạnh Trinh (TP.Đông Hà) ông Đàn vận chiếc áo khoác rộng thùng thình nhưng không che được dáng vóc gầy guộc. Dạo đó, ông đang mê thư họa về các con giáp, dùng các chữ cái tên năm âm lịch để họa sao cho ra dáng hình của con vật năm đó. Ví dụ, năm Đinh Mão thì ông họa chữ "Đinh" và chữ "Mão" ra hình con mèo, năm Bính Thân thì ông họa chữ "Bính" và chữ "Thân" ra hình con khỉ...

Vẽ tranh 'độc lạ': Cư sĩ vẽ tranh bằng chữ - Ảnh 1.

Ông Lê Đàn đã có nhiều năm theo đuổi nghệ thuật thư họa

BẢO KHÁNH

Những ngày cuối tháng 8.2023, tôi gặp lại ông. Ông vẫn gầy ốm như xưa, chỉ khác về sở thích: không mê thư họa con giáp nữa mà mê thư họa chân dung.

"Tôi vốn chỉ là gã thợ sửa xe quán cóc ven đường. Trước giải phóng cũng có đi học Đại học Văn khoa nhưng đứt gánh giữa đường. Tôi có chút ít tài lẻ, đàn hát thơ ca vẽ vời… cái gì cũng biết một tí, dù chẳng cái nào ra cái nào. Nên tâm hồn tôi rất bay bổng, lãng mạn mà nhiều người trêu là… treo ngược cành cây", ông Đàn phác thảo hóm hỉnh về cuộc đời mình.

Ông bảo, dù theo đuổi nhiều năm nghệ thuật thư họa nhưng vẫn biết rằng "món" này thường không được những họa sĩ đào tạo bài bản chấp nhận. Nhưng với ông, nghệ thuật này biểu hiện sự sáng tạo của người Việt khi nghĩ ra cách sắp đặt những con chữ thành chân dung con người, hình ảnh con vật… độc đáo. "Người sáng lập là cố họa sĩ Chính Văn. Những năm trước 2000, họa sĩ Chính Văn viết thư pháp là chính, những bức thư pháp của ông thỉnh thoảng đăng trên bìa tuần báo Giác Ngộ TP.HCM. Sau đó, có xuất hiện một vài bức thư họa chữ "cha mẹ" có hình cha và mẹ. Ông chưa hề thư họa chân dung. Sau này, họa sĩ Lê Vũ ở TP.Nha Trang (Khánh Hòa) mới nghĩ ra thư họa chân dung, dùng chính các chữ cái trong tên họ để sắp đặt ra mặt người sao cho thật giống. Họa sĩ Lê Vũ đã thư họa 60 bức gồm những vị danh nhân, lãnh tụ và những người nổi tiếng trong nước cũng như ngoài nước", ông Đàn thông tin.

Là người đi sau, ít có tên tuổi, nhưng ông Đàn cũng có những cái mới của riêng mình. Trong khi họa sĩ Lê Vũ chỉ thư họa những người nổi tiếng đã qua đời thì ông "vẽ" cho người còn sống. Ông họa mà không cần điều kiện gì cả, có khi chỉ để biếu. "Vẽ tranh truyền thần cho giống người đã khó rồi. Đây lại sắp các chữ cái ra bức chân dung mà phải giống người thật là cả một quá trình suy nghĩ, tính toán", ông nói.

Từ năm 2011, từ gợi ý của nhà báo Trần Đăng Mậu (nguyên Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị), ông Đàn lao vào cuộc chơi "sắp chữ" ra tranh con giáp. Với ông, đó là những món quà mà ông dành tặng mọi người trong dịp tết đến xuân về. Hay gần đây nhất, ông họa hàng trăm cô gái bằng tên các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Vẽ tranh 'độc lạ': Cư sĩ vẽ tranh bằng chữ - Ảnh 2.

Thư họa con giáp xuân Tân Mão của ông Lê Đàn

THANH LỘC CHỤP LẠI

TƯƠNG LAI NÀO CHO THƯ HỌA ?

Là người theo đạo Phật, ông sống khiêm nhường như một cư sĩ. "Anh không cần đề cao tôi, thậm chí quên tôi luôn cũng được, nhưng tôi mong bài báo nói cho độc giả hiểu cái độc đáo của nghệ thuật thư họa, nhất là thư họa chân dung là gì? Đó là thứ mà người Việt nghĩ ra, tuy đã "có tuổi" hơn 20 năm rồi nhưng chưa thấy phát triển. Tại sao? Phải làm sao để lan tỏa và kích thích cho nhiều người trẻ tự học và trải nghiệm thư họa? Chỉ cần vậy thôi", ông Đàn gửi gắm.

Cũng theo người đàn ông này, dù chưa nhiều nhưng cũng có vài vị khách thực sự thích thú với cách sáng tạo nghệ thuật của ông, cũng như đánh giá đúng công sức ông bỏ ra. "Có một cô ở TP.HCM tên là Pema Phương được tôi vẽ tặng tranh đã tự trả cho tôi mấy triệu đồng dù tôi không ra giá. Nếu nhiều người thích thư họa chân dung như cô này thì tôi cũng kiếm đủ tiền tiêu, khỏi lo phải già cậy con", ông Đàn nói vui.

Cũng có người mê thư họa của ông Đàn nhưng lại hỏi những câu khiến ông khó trả lời. "Nghệ thuật độc đáo mà sao "gác tranh" của anh vắng khách thế, hèn gì trông anh như một hàn sĩ? Họ thắc mắc vậy đó, và khổ nỗi tôi lại thấy họ… nói đúng", ông tâm sự. (còn tiếp) 

Lần đầu trải nghiệm thư họa chân dung

"Tại sao bác không thư họa cháu nhỉ?", người viết dọ hỏi và ông Đàn gật đầu ngay, hẹn hôm sau có tác phẩm. Đúng hẹn, ông đã thư họa xong cái tên "Nguyễn Phúc", với chữ "Nguyễn" là khu vực mắt, mũi, miệng, cằm, còn chữ "Phúc" nằm ở mái tóc và tai. Ông nhắn gửi: "Phúc là một cái tên đẹp. Cậu làm nhà báo, đừng làm tổn thương ai là được".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.