Không phải lời tố cáo nào nhằm vào tình trạng tham nhũng, hối lộ trong hàng ngũ FIFA cũng được đưa ra ánh sáng. Nhưng các thành viên FIFA lại có một “triết lý” khác, có thể nói theo chiều hướng ngược lại: không phải khi nào họ cũng... thoát tội.
Bin Hammam muốn hạ bệ Chủ tịch FIFA Blatter nên đã bị thanh trừng - Ảnh: AFP
|
Vấn đề chẳng phải là mức độ nặng nhẹ của cáo buộc ra sao, mà là cáo buộc nhằm vào ai, liên quan đến "tội" gì. Để hiểu rõ hơn, hãy bắt đầu từ vụ Bin Hammam đưa hối lộ. Đây là "trọng án" lớn nhất trong lịch sử hơn 100 năm của FIFA, vậy mà nó lại ngã ngũ rất nhanh.
Phong bì đựng 40.000 USD
Ngày 10.5.2011, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá (LĐBĐ) châu Á (AFC) Mohammed Bin Hammam đến Port-of-Spain (Trinidad) gặp các thành viên của Hiệp hội Bóng đá vùng Caribbe (CFU) để vận động bầu cử. Bin Hammam sẽ tranh cử Chủ tịch FIFA nhiệm kỳ 2011 - 2015 với Chủ tịch đương nhiệm Sepp Blatter.
Hôm ấy, Chủ tịch LĐBĐ Bahamas Anton Sealey bận việc, không dự. Phó chủ tịch LĐBĐ Bahamas Fred Lunn đi thay. Ông được Bin Hammam trao một phong bì màu nâu, bên ngoài ghi chữ "Bahamas". Khi về, Lunn mở phong bì và thấy bên trong là 40.000 USD, gồm 4 cọc tiền mệnh giá 100 USD. Ông chụp ảnh, sau đó gửi lại tất cả cho Sealey. Sau đó Sealey đưa phong bì đựng tiền và báo cáo sự việc cho Chuck Blazer - Tổng thư ký CONCACAF (LĐBĐ Bắc - Trung Mỹ và vùng Caribbe). Cảm thấy đã xong trách nhiệm, Fred Lunn đưa hình ảnh phong bì và tiền cho báo chí, thế là thông tin bùng nổ.
Trong khi Chuck Blazer, với sự trợ giúp của cựu Giám đốc FBI Louis Freeh, còn chưa điều tra được gì thì cuộc điều tra của FIFA đã kết thúc rốt ráo. Bin Hammam - không chỉ là Chủ tịch AFC mà còn ngồi ghế thành viên Ban Chấp hành FIFA suốt 15 năm - bị cấm hoạt động vĩnh viễn trong thế giới bóng đá. Chủ tịch CFU kiêm Chủ tịch CONCACAF, Phó chủ tịch FIFA Jack Warner lập tức từ chức. Hơn chục quan chức khác của CFU bị "treo giò" với thời hạn khác nhau... Sau này, dù Bin Hammam có chống án, thậm chí kiện ngược ra Tòa án Thể thao quốc tế (CAS) thì ông cũng chỉ được thay đổi “tội danh” - từ “đưa hối lộ” chuyển sang “vi phạm đạo đức” - chứ không thoát khỏi án treo giò vĩnh viễn.
Tặng cả tranh Picasso
Chủ tịch UEFA Michel Platini cũng được tặng quà nhiều hơn thế. Trong cuộc đua giành quyền đăng cai World Cup 2018, tờ Sunday Times tiết lộ phái đoàn Nga đã tặng tranh Picasso cho Platini và thành viên Ban Chấp hành FIFA Michel D'Hooghe. Trong khi Platini phủ nhận thì D'Hooghe lại thừa nhận. Trong một câu chuyện khác, Platini ban đầu cũng phủ nhận, nhưng khi Giám đốc điều hành FA Greg Dyke và Phó chủ tịch FIFA Jim Boyce đồng loạt trả lại những chiếc đồng hồ trị giá 16.000 bảng cho LĐBĐ Brazil, thì Platini lại nói ông sẽ không trả vì “nhận quà là điều bình thường”.
Nhận tranh Picasso như một món quà bình thường, sau đó bỏ phiếu cho người tặng quà cũng là điều bình thường? Vẫn giữ quà trong khi đồng nghiệp đều trả lại và xin lỗi công luận vì việc nhận quà vi phạm nguyên tắc khách quan hoàn toàn, cũng là điều bình thường? Trong khoảng thời gian 2011 - 2013, ít nhất cũng đến phân nửa số thành viên trong Ban Chấp hành FIFA bị cáo buộc nhận hối lộ trong các sự kiện liên quan đến hai kỳ World Cup Nga 2018 và Qatar 2022. Rốt cuộc, đa số “chìm xuồng”.
Vụ nào có liên quan đến Chủ tịch FIFA Sepp Blatter thì nhân vật chính hoàn toàn yên tâm. Thậm chí yên tâm kể cả khi FIFA tỏ rõ quyết tâm làm sáng tỏ mọi việc. Quá trình chọn nước chủ nhà World Cup 2018 và 2022 lộ liễu đến mức những người trong cuộc tố giác gần như đồng loạt, trên khắp thế giới. Ủy ban Đạo đức của FIFA phải điều tra, với kết quả là một bản báo cáo dày cộp, tường tận, gồm rất nhiều "chuyện động trời". Chúng ta chỉ biết đến đấy. Vì sao? Chính người đứng đầu ban điều tra là luật sư người Mỹ Michael Garcia từ chức và tuyên bố nguyên nhân: “FIFA đã cắt hết những nội dung quan trọng khi công bố kết quả điều tra”!
Ngược lại, Bin Hammam thoát tội thế nào được khi trò đưa hối lộ của ông ta là nhằm mục đích... hạ bệ Blatter. Chẳng còn “tội” nào nặng hơn, giống như tội “khi quân” trong các chế độ phong kiến thời xưa.
Chẳng phải ngẫu nhiên khi mà hàng loạt nhà tài trợ lớn đồng loạt chấm dứt quan hệ với FIFA. Castrol, Continental Tyres, Johnson & Johnson tuyên bố sẽ không gia hạn hợp đồng với FIFA. Trước đó là Sony và Emirates. Adidas và Visa thì tỏ rõ sự quan ngại, thường xuyên kêu gọi FIFA tự chấn chỉnh nếu không muốn hình ảnh của tổ chức này xuống cấp ở phạm vi toàn cầu.
Bình luận (0)