Sáng 30.3, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu kinh tế và Chính sách, Đại học Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu vai trò của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đối với ngành lúa gạo và đề xuất giải pháp cải tổ.
Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và xuất khẩu gạo.
Mặc dù được ban tổ chức mời, nhưng đại diện của VFA đã không có mặt tại hội thảo để lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp cùng ngành.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, Trường đại học Kinh tế - ĐHQGHN, cho biết thị phần gạo Việt trên thế giới đã giảm sút. Nếu năm 2012, gạo Việt chiếm 20 % thị phần, thì đến năm 2017 chỉ còn 12 % thị phần. Điều này cũng phù hợp khi Việt Nam đã có sự điều chỉnh, thay đổi trong cơ cấu xuất khẩu. Gạo không còn được ưu tiên, chú trọng như trước nữa.
Cũng theo TS Nguyễn Đức Thành, Việt Nam chú trọng thúc đẩy xuất khẩu gạo chất lượng cao, để thực hiện mục tiêu này, VFA phải quay lại xây dựng chuỗi khép kín sản xuất, chế biến, đến xuất khẩu. Trên thực tế, VFA chưa thể làm được điều này, các doanh nghiệp thành viên vẫn phải chủ động làm. Điều này khiến các sản phẩm gạo Việt xuất khẩu khó cạnh tranh với Thái Lan và thua kém cả nước xuất khẩu gạo non trẻ như Campuchia.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Trần Dương, Công ty cổ phần đầu tư - nghiên cứu và xuất khẩu gạo thơm ITA - RICE, băn khoăn không biết vai trò của VFA ở đâu, khi bao năm Việt Nam tự hào xuất gạo nhiều nhất thế giới, nhưng lại vắng bóng các thương hiệu gạo Việt ở thị trường nước ngoài.
Bên cạnh đó, theo ông Dương, nhiều đơn hàng xuất khẩu gạo bị đối tác trả về do không đạt tiêu chuẩn chất lượng. VFA liệu có tìm hiểu hay giám sát xem số gạo này đi đâu, sử dụng làm gì, hay quay lại bán ở thị trường trong nước, để người tiêu dùng trong nước phải tiêu thụ gạo kém chất lượng?
"Khi bán ra thị trường, gạo không sạch, không đạt chuẩn chất lượng đều bị đánh đồng với gạo sạch thì rất khó cho những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gạo sạch", ông Dương bày tỏ.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, chính hoạt động của VFA hiện nay đang làm méo mó thị trường gạo Việt Nam, cả về giá cả và chất lượng. Ngoài ra, trong chính sách thu mua tạm trữ thóc gạo thì đây thực chất là hình thức trợ cấp, nhưng VFA và các doanh nghiệp nhà nước được hưởng lợi nhiều nhất, trong khi mục tiêu của chính sách này là hướng đến nông dân trồng lúa.
VFA bản chất là hiệp hội của các doanh nghiệp xuất khẩu, không có trách nhiệm về lợi ích của nông dân trồng lúa nên không có động thái ghi nhận và đề xuất các biện pháp chấn chỉnh sự chệch hướng trên. VFA cũng không chủ động hợp tác với đại diện cho các tác nhân khác trong chuỗi giá trị cũng như hội nông dân, để tổ chức thông tin, tăng cường lan tỏa về xã hội trong các quyết sách có lợi cho toàn ngành, như Quyết định 62 của Thủ tướng về khuyến khích liên kết, tiêu thụ nông sản theo hợp đồng, xây dựng cánh đồng lớn.
Bình luận (0)