Như một chu kỳ "tới hẹn lại lên", ngành điện tiếp tục đề xuất tăng giá ngay trong những ngày đầu tiên của năm 2014.
Nhìn lại những năm qua, giải pháp của ngành điện chỉ xoay quanh chuyện tăng giá và vay vốn. Lỗ đương nhiên tăng giá, lãi cũng tăng giá. Tăng giá để trả nợ, tăng giá để lấy vốn đầu tư, tăng giá để bù lỗ... có rất nhiều lý do nhưng giải pháp thì chỉ có một: tăng giá.
Đến mức, vừa nghe ngành điện đặt mục tiêu có lãi trong năm nay, hầu hết mọi người đều có chung một cảm xúc mệt mỏi và chán nản là điện sẽ lại tăng giá. Và đúng vậy, cùng với việc đặt mục tiêu có lãi, EVN ngay lập tức xin tăng giá điện. Điện đã có lãi 2 năm liên tiếp trước đó cũng đều nhờ tăng giá. Với việc "tay phải đưa mục tiêu có lãi, tay trái xin tăng giá", cơ chế vận hành của ngành điện năm 2014 có vẻ đã được lập trình: tăng giá để có lãi.
Người dân cứ bức xúc, doanh nghiệp cứ kêu trời, giá điện cứ...tăng. Lý do mà cơ quan quản lý giải thích cho việc luôn chấp thuận tăng giá điện là vì giá điện hiện vẫn thấp hơn giá thành. Nhưng giá thành cụ thể là bao nhiêu, cơ cấu tính giá thành như thế nào lại chưa công khai minh bạch. Người dân chỉ biết rằng, một trong những lý do tăng giá điện là để bù lỗ. Mà trong những khoản lỗ của EVN có một phần không nhỏ là lỗ do đầu tư ngoài ngành. Vậy tại sao họ phải gánh cả phần làm ăn sai trái, bết bát của ngành điện? Hơn nữa, khi chưa minh bạch, không thể kết luận giá điện của ta rẻ hơn các nước hay thấp hơn giá thành và lấy đấy làm lý do tăng giá như hiện nay. Về việc này, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo, giá điện và xăng dầu cần phải được minh bạch hóa. Vậy tại sao không thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng rồi hãy tăng giá? Yêu cầu minh bạch giá điện đã được đặt ra nhiều năm nay nhưng ngành này vẫn không thực hiện được. Câu hỏi đặt ra là, tại sao việc công khai minh bạch cách tính giá thành của điện và một số ngành độc quyền lại khó khăn đến vậy?
Giá điện của VN mắc hay rẻ còn chờ ngành điện minh bạch. Nhưng điều chắc chắn là giá điện hiện nay không còn rẻ so với thu nhập của người dân. Vấn đề này đã được Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhắc đi nhắc lại trong một số hội nghị. Vậy thì một bên là EVN được ưu đãi về vốn, về cơ chế nhưng ôm tiền đi đầu tư ngoài ngành, làm ăn thua lỗ, mập mờ giá cả và một bên là người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế đang cần tiếp sức sau nhiều năm khó khăn, khủng hoảng... Chúng ta vì ai trong quyết định để điện tăng giá?
Nguyên Hằng
Bình luận (0)