Một chiếc xe chở được cả một “quán ăn” với lỉnh kỉnh đồ đạc, đi đến tận cùng mọi con hẻm hun hút của Sài Gòn. Những chiếc tô nhựa vàng, xanh bạc màu, lấm tấm vài đốm đen. Bàn ghế nhựa trầy xước và cũ kỹ. Anh chủ “quán” với chiếc quần cọc, áo thun rộng. Đó là tất cả những gì bạn vừa nhìn đã thấy khi đi lướt qua những cái “quán” nhỏ này. Nhưng nếu dừng lại và thưởng thức “thực đơn một món” của “quán”, bạn mới cảm nhận được trọn vẹn cái thú của món ăn này, một món ăn bình dân, mang đậm phong vị của đêm Sài Gòn.
Tô hủ tiếu với nước lèo trong veo, vài ba miếng thịt mỏng tang mà lần nào vớt miếng thịt lên khỏi tô bún, tôi cũng phục đến sát đất kỹ năng cắt thái thượng thừa của anh chủ quán. Nêm chút nước mắm, vắt miếng nước cốt chanh, thêm một muỗng ớt sa tế, vài lát ớt sừng, một ít tương ớt, mùi thơm cay nồng xộc vào mũi, đánh thức vị giác của người dùng, sẵn sàng làm xiêu lòng bất cứ ai theo một cách bình dân nhất.
|
Bên chiếc xe hủ tiếu gõ nhỏ là biết bao câu chuyện đời. Những câu chuyện không được kể bằng tiếng nói cười rôm rả, người ta kể cho nhau nghe bằng tiếng thở dài lặng lẽ, bằng ánh nhìn vô định xa xăm, bằng một khoảng lặng kì lạ giữa lòng thành phố huyên náo và vội vã này. Đó là câu chuyện về nỗi lo thường nhật của những sinh viên nghèo như tôi và những đứa bạn, ăn một tô hủ tiếu gõ mười lăm nghìn đồng cũng phải tính tới tính lui chi li từng đồng; là câu chuyện về cô công nhân khu chế xuất với gương mặt mệt mỏi, trầm mặc ăn vội bữa tối của mình để kịp giờ tăng ca; là chú công nhân công trình với quần áo còn bám đầy xi - măng, đất cát, khi mái tóc đã bạc theo nửa đời khổ nhọc vẫn vác trên vai gánh nặng mưu sinh.
Anh chủ “quán” cũng có câu chuyện của mình, của sương đêm lạnh lẽo, đèn vàng hắt hiu, của những ngày mưa vắng khách nẫu ruột. Ngay cả cậu nhóc mười hai, mười ba tuổi lăng xăng phụ cha bưng hủ tiếu kia chắc cũng có câu chuyện của cậu, của giấc mơ về bộ đồng phục mới ngày khai trường, của món gà rán giòn tan, béo ngậy trong nhà hàng KFC sáng trưng bên kia đường. Dường như, câu chuyện của ai cũng buồn, một nỗi buồn miên man nhưng không hề bi lụy, lại có chút gì đó rất thi vị, để người ta nhấp nháp từng chút, từng chút mà say lòng, mà nhớ da diết khôn nguôi.
Một điều thú vị ở cái “quán” nhỏ này là bạn rất ít khi hoặc chẳng bao giờ bắt gặp những người bán hàng rong, bán vé số “tác nghiệp” ở đây. Nếu họ ở đây thì cũng chỉ đơn giản là đến để gọi một tô hủ tiếu và ăn bữa tối của mình. Bởi lẽ, giá của một tờ vé số gần bằng một tô hủ tiếu và đối với những khách hàng thân quen của món ăn này, chắc họ cũng chẳng dư dả để trông vào may rủi.
Sau này, khi đã có công việc với thu nhập ổn định, thỉnh thoảng đi ăn cùng đồng nghiệp ở những quán hủ tiếu nức tiếng, tôi vẫn cảm thấy không hương vị nào ngon bằng hương vị của những tô hủ tiếu bên đường ngày ấy. Những tô hủ tiếu dù đậm đà và đầy ấp tôm, thịt nhưng vẫn thiếu một vị gì đó, rất lạ!
|
Có thể bây giờ, nếu tôi ngồi ở một quán nhỏ ven đường nào đó, một mình ăn hủ tiếu gõ chắc hương vị của nó cũng chẳng còn ngon lành như trong ký ức của tôi. Hủ tiếu gõ vẫn hương vị đấy thôi, thứ thay đổi cũng chẳng phải là vị giác của tôi mà là năm tháng. Năm tháng mang gió thổi tung những trang sách để tôi lật vội qua bao câu chuyện đời mình, tôi chẳng còn là tôi của những ngày xưa cũ, những người bạn cùng tôi rong rủi trên khắp mọi nẻo đường của Sài Gòn cũng đã mất hút trong biển người mênh mông ấy.
Tôi chợt nhận ra thứ hương vị làm tôi nhớ nhung đó không chỉ một món ăn mà nó là không khí về đêm của Sài Gòn, là những câu chuyện rất đời của Sài Gòn, là chúng tôi của những ngày tháng khó khăn, đùm bọc nhau, cùng nhau đi qua bốn năm đại học thật dài mà cũng thật chóng vánh và tươi đẹp vô cùng đó.
Sài Gòn làm người ta mệt mỏi quá chừng, Sài Gòn đâu khác gì cơn lũ ở quê nghèo, mạnh mẽ cuốn người ta trôi theo dòng chảy của nó, buộc người ta phải sống hối hả từng ngày. Nhưng cũng chính vì sự khắc nghiệt của nó, Sài Gòn đã dạy ta lớn khôn từng ngày, sống trọn vẹn từng ngày.
Mãi về sau này, tôi vẫn yêu Sài Gòn từ hương vị bình dân ấy của nó.
|
Bình luận (0)