Thời gian cứ như một cuốn phim quay chậm mỗi khi tôi nhớ về những ngày tháng đầu tiên “chân ướt chân ráo” trên đất Sài Gòn đến những giờ phút an yên của hiện tại.
Ngày ấy tôi là một cô bé 13 tuổi trường làng theo gia đình bỏ lại tất cả làng mạc, ruộng vườn, nhà cửa và cả tuổi thơ ở Sóc Trăng để lên Sài Gòn lập nghiệp vì Ba tôi theo cách mạng chống Pháp làm công tác giáo dục và lúc bấy giờ chính quyền sở tại truy bắt các nhà cách mạng rất gắt gao. Song song với cơ hội sinh sống tại đất Sài Gòn là muôn vàn khó khăn trong những ngày đầu di cư lên vùng đất mới, nhưng thật may mắn, chúng tôi nhận được sự giúp đỡ rất nhiều của bà con họ hàng. Sau đó, như một phép lạ, tôi thi đậu vào trường nữ trung học lớn nhất Sài Gòn lúc bấy giờ – trường trung học nữ Gia Long. Em trai tôi thì đậu vào trường Cao Thắng. Và Ba Mẹ tôi mua nhà ở cư xá Phú Nhuận, nơi chúng tôi ở hội tụ dân ba miền Bắc – Trung – Nam nhưng sống với nhau rất chân tình. Cuộc sống coi như tạm ổn ở vùng đất phồn hoa đô hội khi Ba đi dạy ở trường tư thục, Mẹ bán tạp hóa tại nhà và chị em chúng tôi được học ở những trường danh giá.
Và bắt đầu từ đó, Sài Gòn trở thành một phần không thể thiếu trong tôi…
Sài Gòn của tôi thời niên thiếu thật êm đềm, thật lãng mạn với đường phố không kẹt xe, không ô nhiễm với những hàng quán lề đường sạch sẽ không chất độc hại. Đến giờ, bên tai tôi vẫn còn văng vẳng tiếng rao hàng ngày xưa vào mỗi sáng “phở đây” của ông bán phở đẩy xe hay “ai xôi vò nước dừa hôn” từ bà bán xôi và nhất là một món mà bây giờ không thấy nữa là mía hấp. Tối tối, tụi nhỏ chúng tôi luôn ngóng chờ tiếng “mía hấp” là bu lại, ông bán mở nồi ra thơm mùi lá dứa đến thèm. Mía được róc vỏ, cắt khúc để vào nồi hấp với lá dứa, đưa khoanh mía cắn vào ngọt lịm thơm phức, ngon làm sao.
…những kỷ niệm thời học trò càng gắn kết tôi với 2 chữ “Sài Gòn” thân thương trên từng góc phố, từng con đường.
|
Khối lớp tôi học có 14 lớp đệ thất với 7 lớp Pháp và 7 lớp Anh, chúng tôi được các cô truyền đạt không chỉ kiến thức và mà cả “cung – dung – ngôn – hạnh”. Nhớ lại lúc đó, vào đệ thất dù chúng tôi còn nhỏ xíu mà cũng mặc áo dài trắng để bắt đầu rèn cái nết cái na của người thục nữ. Mỗi lần tan trường, tất cả học sinh ùa ra cổng trường như những cánh bướm trắng trông đẹp đến lạ lùng.
Và Sài Gòn oằn mình với những biến cố mà chúng tôi trở thành những nhân chứng của lịch sử.
Vào khoảng 1962-1963, Sài Gòn bắt đầu có những cuộc biểu tình chống chế độ cũ, chúng tôi sợ quá chạy theo bên chân cô như đàn gà con nhờ sự chở che của gà mẹ. Tôi vẫn còn nhớ như in về niềm tự hào trào dâng khi thấy biểu ngữ được treo trong trường “Ai về không phải gái Gia Long” như là một sự ủng hộ mạnh mẽ của giáo viên và học sinh trường vào công cuộc cách mạng của đất nước. Trường đã cho tôi bao nhiêu kỷ niệm, mộng mơ thời thiếu nữ, kể sao cho hết. Bây giờ, dù “thất thập cổ lai hy”, tôi vẫn bồi hồi khi mỗi lần có dịp đi ngang qua góc đường Điện Biên Phủ (trước đây là Phan Thanh Giản) và Bà Huyện Thanh Quan, tôi vẫn nhìn vào nơi đó, nơi ngày xưa ngồi đợi Ba tới đón sau mỗi giờ tan trường, và thấy cả những giọt nước mắt của chính mình mỗi khi Ba tới đón trễ.
Đôi khi đi lại con đường mình thường đi, nơi mình từng sống, Sài Gòn đã thay da đổi thịt đến nỗi không còn nhận ra được nữa!
Bây giờ nghĩ lại, thầm cám ơn sự sáng suốt quyết định nơi định cư của Ba Mẹ.
Sài Gòn như một người mẹ bao dung, lúc nào cũng mở rộng vòng tay đón cư dân khắp miền đất nước. Nơi đây phải nói là rất dễ sống, chịu khó “cày” thì sẽ trụ lại được. Cần mua thứ gì cũng dễ tìm, dễ có. Cần ăn gì từ bình dân đến cao cấp đều có. Các món ngon vật lạ tứ phương tám hướng đều tụ hội về đây. Sài Gòn thượng vàng hạ cám.
Có những ngôi biệt thự sang trọng, có những tòa nhà chọc trời và cũng có những khu ổ chuột, những con hẻm chỉ vừa 1 người đi. Có những ông cha bà mẹ vô Sài Gòn lượm ve chai hoặc mua bán những thứ linh tinh để nuôi đàn con ăn học thành tài.
Dân Sài Gòn rất phóng khoáng và thân thiện, chỉ cần vào bất kỳ một chợ nào đó thì các người bán hàng đều ân cần hỏi và chỉ chỗ. Cảm động nhất là tối tối có những người hảo tâm mang từng hộp cơm, bánh mì hoặc chăn đắp cho những người nghèo khó. Những bình nước lạnh miễn phí, những nơi treo đồ tự lấy hoặc những quán cơm 2.000 đồng dành cho người thu nhập chưa cao. Luôn có đâu đó những tình nguyên viên thầm lặng, sẵn sàng giúp đỡ người hoạn nạn, khó khăn.
Sài Gòn vậy đó, luôn đùm bọc và cưu mang biết bao gia đình. Mỗi khi xa Sài Gòn, dù chỉ là du lịch, tôi cũng thấy buồn nhớ vô cùng, mong sớm kết thúc chuyến đi để trở về với quê hương thứ hai của mình.
|
Bình luận (0)