Sài Gòn, ký ức và kỷ niệm…

20/01/2020 14:00 GMT+7

Tôi sinh ra, lớn lên, già theo và có lẽ cũng sẽ mất đi ở nơi này. Nơi mà tôi đã trải qua thời niên thiếu, tuổi thanh niên… tôi đã đi mòn những lối đi trên khắp các con đường lộ của Sài Gòn…

Những con đường mà người Pháp, vào thế kỷ 19, đã đặt những tảng đá màu xám đen bao bọc lề đường, vững chắc và bền bỉ. Những tảng đá này lâu ngày nhẵn bóng, xô lệch đôi chút nhưng vững chắc vô cùng. Đá cũng mang hồn lịch sử trong mình từ thời Pháp thuộc, đến thời chiến tranh trước 1975. Vậy mà, bây giờ tìm đỏ mắt không thấy tảng đá nào. Người ta cạy lên, đem đi đâu mất biệt, để bây giờ chỉ thấy những lề đường lát gạch con sâu, sâu vàng, sâu hồng, sâu trắng… Lâu ngày sâu bung lên, chỗ sụp xuống, chỗ gồ lên. Lỡ đi không nhìn xuống chân , hụt chân vào chỗ sụp xuống, không trẹo chân thì cũng trật gân…
Còn nhớ con đường Đồng Khởi, trước gọi là đường Tự Do, chạy dài từ nhà thờ Đức Bà đến bến Bạch Đằng. Kể từ ngã tư Lý Tự Trọng đến gần cuối đường Đồng Khởi, có rất nhiều cửa tiệm bán tơ lụa, đặc sản của Việt Nam, xứ nuôi tằm, nhất là ở vùng Bảo Lộc. Khách ta, khách tây tấp nập ra vào, mua bán, may đo. Khách gấp đi thì hai ngày cũng xong, một ngày cũng xong bộ đồ tơ tằm về làm quà, về làm kỷ niệm chuyến đi Việt Nam. Tôi cũng từng dẫn khách và bạn bè ngoại quốc đến đây để giới thiệu và hãnh diện với ngành dệt tơ tằm Việt Nam. Người bán hàng luôn miệng chào mời, đon đả, còn tư vấn may vải gì, kiểu nào cho hợp với vóc dáng của khách. Nào áo đầm kiểu tây, áo dài kiểu ta, nào khăn lụa, đủ màu, mềm mại, óng ả màu tơ, mát rượi vào mùa hè và ấm áp trong mùa đông.
Đến ngã tư Lê Lợi thì có tiệm kem Givral, toàn cửa kính bóng lộn, nhìn vào thấy khách đang ngồi nhâm nhi tách cà phê, ly kem với các bánh tây. Thời ấy, những năm 1950-1960, một cửa tiệm chỉ toàn là kính rất hiếm hoi nên nhìn sang trọng vô cùng. Học trò như tôi đi ngang chỉ nhìn thôi mà không dám bước chân vào. Còn nhớ tiệm có quầy kem tươi với bánh ốc quế. Mỗi khi ba tôi rước đi học về ngang đó, chị em chúng tôi mỗi đứa được một cây kem ốc quế, ăn sao mà nó ngon quá! Cảm giác ngon ngày đó không bao giờ quên được. Lại còn bán yaourt trong hũ thủy tinh, lạt nhách, khi ăn mới thêm đường cát trắng vào. Múc vào miệng nhai rào rạo hạt đường pha lẫn vị béo và chua chua của sữa tươi.

Hồn xưa phố cũ chỉ còn là ký ức xa xôi. Mới hay lẽ vô thường, vật đổi sao dời là quy luật của trời đất

Ảnh: Gia Khiêm

Con đường Tôn Đức Thắng ngày xưa gọi là Cường Để. Khi tôi lên năm, cha mẹ tôi cho các con học trường dòng các sơ, nằm trên con đường này. Bây giờ một phần mặt tiền của trường trở thành trường Cao đẳng Sư Phạm. Ngay từ đó, hai hàng cây sao cao vút, che bóng mát rượi mỗi khi tan trường về. Những cây đó có lẽ phải 100 tuổi vì ngay khi tôi bắt đầu học trường này ở lớp một (ngày xưa gọi lớp năm), hàng cây đã đứng sừng sững ở đó tự bao giờ. Đến mùa trái rụng, những trái dầu rơi xuống xoay xoay như những chong chóng nhỏ, lửng lơ theo cơn gió xoay tròn nhiều vòng trước khi chạm đất. Chúng tôi lượm những trái dầu ấy trong tay, nâng niu, nhìn ngắm rồi cầm ở phần đuôi tròn trái dầu chọi vào nhau. Giờ tan trường, cha mẹ đón con, người xe máy, người xe hơi, đậu dài dài dưới bóng mát rợp trời hàng cây sao này, chạy dài từ trường cho đến hai bên chủng viện Giu Se và nhà kín Carmel.
Giờ đây hàng cây sao đã bị chặt bỏ, đường Tôn Đức Thắng được mở rộng nhưng bóng mát đâu còn nữa. Biết bao giờ trồng lại được hàng cây cổ thụ trăm năm kia?!!
Phần trường phía bên đường Lê Thánh Tôn, nhìn sang bên kia là xưởng đóng tàu Ba Son, cũng 100 năm trước. Nói đến Ba Son là người dân Sài Gòn liên tưởng đến khu công xưởng rộng lớn cuối đường Tôn Đức Thắng, mép bờ sông Sài Gòn. Nơi có những ụ tàu to lớn, vừa đóng tàu, vừa sửa chữa, là nơi hạ thủy tàu lớn nhất miền nam, trên bến Bạch Đằng. Đối diện Ba Son là căn cứ và trường đào tạo hải quân. Lính hải quân trong bộ đồ xanh biển đi ra, đi vào tấp nập suốt ngày. Một sự sắp xếp hợp lý, hợp tình vô cùng.
Nay Ba Son cũng không còn. Những ngôi biệt thự sang trọng, tráng lệ, mái ngói đỏ au dần xuất hiện ở mảnh đất đóng tàu này. Ba Son chỉ còn lại trong ký ức người Sài Gòn xưa.
Sao bao năm xa quê, những người dân Sài Gòn trở về mừng vui đi tìm những con đường xưa, tìm lại những nơi từng in dấu chân mình, và không khỏi ngậm ngùi vì đã không tìm thấy được những nơi kỷ niệm đã đi qua tuổi ấu thơ. Thành phố đã thay đổi quá nhiều.
Hồn xưa phố cũ chỉ còn là ký ức xa xôi. Mới hay lẽ vô thường, vật đổi sao dời là quy luật của trời đất.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.