Vì cái chung

24/09/2015 06:13 GMT+7

Bức xúc của các doanh nghiệp với Thông tư 32 của Bộ Công thương về kiểm tra hàm lượng formadehyt đối với sản phẩm dệt may cần được phân tích từ nhiều phía. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hiện còn khoảng 100.000 dòng hàng hóa thuộc 200 danh mục hàng hóa thuộc dạng phải kiểm tra chuyên ngành.

Bức xúc của các doanh nghiệp với Thông tư 32 của Bộ Công thương về kiểm tra hàm lượng formadehyt đối với sản phẩm dệt may cần được phân tích từ nhiều phía. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hiện còn khoảng 100.000 dòng hàng hóa thuộc 200 danh mục hàng hóa thuộc dạng phải kiểm tra chuyên ngành.

Đây chính là nút thắt trong thủ tục thông quan hàng hóa và nếu không giảm được danh mục kiểm tra chuyên ngành xuống, rất khó thành công trong cải cách thủ tục hải quan.
Giảm danh mục này xuống được không? Tất nhiên là được. Giảm có khó không? Tất nhiên là khó, thậm chí rất khó. Như câu chuyện của ngành dệt may. Bức xúc của các doanh nghiệp (DN) là hết sức đúng đắn. Một thông tư "tạm thời" kéo dài đến 6 năm, làm khổ DN, đội chi phí, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa. Nhưng Bộ không phải không có lý. Formadehyt, các amin thơm là những chất có khả năng gây ung thư trong khi việc thay đổi hóa chất thì hết sức đơn giản và có thể mang lại nguồn lợi lớn cho DN. Bộ gắt gao cũng là để bảo vệ người tiêu dùng. Ai cũng có lý lẽ của mình nhưng không phải là hết cách. Vẫn còn rất nhiều giải pháp để dung hòa cả hai phía.
Thứ nhất là sử dụng "chế độ ưu tiên”. Chính Bộ Công thương từ năm 2013 đã đề xuất áp dụng chế độ ưu tiên khi thực hiện các thủ tục về thuế và hải quan đối với các DN xuất khẩu uy tín do Bộ này lựa chọn. Vậy tại sao không thể áp dụng chính sách này trong việc kiểm tra hàm lượng formadehyt đối với DN dệt may? Thứ hai, có thể miễn kiểm tra hàm lượng formaldehyt đối với nhà sản xuất, cung ứng thường xuyên đạt yêu cầu; hoặc nguyên liệu nhập từ các nước có tiêu chuẩn cao hơn chúng ta và được nhập từ các DN uy tín thì cũng có thể áp dụng cơ chế thoáng hơn...
Không chỉ dệt may, việc kiểm tra chuyên ngành cũng cần thiết và cần tạo thuận lợi cho DN, nhất là với thực phẩm, hóa mỹ phẩm, y tế... nhập khẩu.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư, cho biết: Cải cách đối với hoạt động kiểm tra chuyên ngành là một nội dung rất quan trọng được Chính phủ đặt ra trong Nghị quyết 19 với mục tiêu “Cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu phù hợp với thông lệ quốc tế và chuyển mạnh sang hậu kiểm”. Bởi đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, đây vẫn đang là rào cản lớn trong thực hiện mục tiêu giảm thời gian thông quan hàng hóa ngang bằng các nước ASEAN-6. Vấn đề liên quan đến nhiều bộ, ngành, do vậy, cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt và chủ động của các bộ, ngành liên quan.
Còn nhớ khi thực hiện rà soát cắt bỏ các ngành cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, chúng ta cũng gặp nhiều khó khăn. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư từng nhận định về việc này rằng "chưa có một quốc gia nào làm một việc khó như VN". Bởi trước khi hệ thống và rà soát lại, VN có tới 51 ngành nghề cấm kinh doanh nhưng đến nay đã rút lại chỉ còn 6 ngành nghề. Về điều kiện kinh doanh, trước đây là 386 nay chỉ còn 267 ngành nghề có điều kiện.
Nói thế để thấy, khó thì rất khó nhưng nếu chúng ta thực sự quyết tâm vì lợi ích chung, chắc chắn sẽ làm được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.