'Vì chúng tôi là người lính'

Phạm Đức
Phạm Đức
26/02/2020 08:01 GMT+7

Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh thực hiện nhiệm vụ quốc tế: giúp người dân biên giới nước bạn Lào trong việc phát triển kinh tế , khám chữa bệnh và xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.

Không những luôn kiên định, vượt qua gian khổ để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, những bác sĩ mang quân hàm xanh của Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh còn góp sức bảo vệ sức khỏe cho người dân nước bạn Lào, qua đó thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước Việt - Lào.
Hà Tĩnh là địa phương có tuyến biên giới giáp với nước bạn Lào, luôn được đánh giá là điểm nóng về tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Vì thế, Bộ đội biên phòng tỉnh là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ kiểm soát an ninh ở khu vực biên giới và đấu tranh, triệt xóa các đường dây buôn bán “hàng trắng”. Không những thế, đơn vị này còn thực hiện nhiệm vụ quốc tế: giúp người dân biên giới nước bạn trong việc phát triển kinh tế, khám chữa bệnh và xóa bỏ các thủ tục lạc hậu.
Hỏi lãnh đạo của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh, tôi được biết, năm 2007 đơn vị quyết định đầu tư xây dựng Trạm xá quân dân y kết hợp tại bản Thoọng Pẹ (H.Khăm Cợt, tỉnh Bôlykhămxay, Lào) và biên chế 3 y, bác sĩ thuộc Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo tới nhận nhiệm vụ.
Bản Thoọng Pẹ có 453 hộ dân với gần 3.000 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Mông, điều kiện kinh tế khó khăn.
Người dân nơi đây vẫn tin vào “con ma rừng” nên khi ốm đau đều mời thầy mo đến cúng bái rất tốn kém. Đặc biệt, khu vực này cũng là điểm nóng buôn bán ma túy vì người dân trồng cây thuốc phiện.
Khi đến Thoọng Pẹ làm nhiệm vụ, các chiến sĩ đã phải mày mò học chữ, học tiếng của bạn để phục vụ tốt hơn công tác khám chữa bệnh và hướng dẫn người dân phát triển kinh tế. Sau 13 năm trạm xá đi vào hoạt động, các bác sĩ mang quân hàm xanh của Việt Nam đã giúp người dân hiểu biết hơn về việc chăm sóc sức khỏe bản thân, không tin có “con ma rừng” và thấy được hậu quả khôn lường từ việc trồng thuốc phiện.
Tâm sự với người viết, các bác sĩ quân hàm xanh bộc bạch: “Nhiều lúc nhớ nhà lắm. Nhưng vì nhiệm vụ, vì nghĩa tình hai bên biên giới, nên chúng tôi vẫn luôn biến khó khăn ấy thành động lực để vượt qua”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.