Chẳng ngành nào như du lịch, đầu tháng báo động và bức xúc vì khách quốc tế sụt giảm liên tục hơn nửa năm nay; cuối tháng dậy sóng và lo lắng vì sự nhếch nhác khi khách tăng trưởng ngoài dự kiến; khách giảm thì buồn lo là đương nhiên nhưng khách tăng cũng không vui, thậm chí còn lo hơn vì chất lượng dịch vụ và uy tín giảm sút…
Lẽ thường, cái gì quá cũng có hại, từ việc ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi cho đến học hành, lao động. Cái gì cũng phải có chuẩn và chừng mực. Du lịch cũng vậy, cung và cầu quá chênh lệch đều bất lợi. Khi du lịch tăng trưởng nóng vào mùa cao điểm, luôn kéo theo nhiều hệ lụy do việc giảm sút chất lượng dịch vụ. Đây không phải lần đầu, càng không phải là lần cuối. Đáng buồn nhất là dù dư luận xã hội và du khách bức xúc, báo chí lên tiếng nhưng ngành du lịch và quản lý nhà nước vẫn chưa có động thái cụ thể, mạnh mẽ nào để đảm bảo sự nhếch nhác không lặp lại.
Sự nhếch nhác du lịch, trách nhiệm trước hết thuộc về quản lý nhà nước, phải nói là thụ động và quá yếu kém. Đúng ra, cho nghỉ dài ngày phải có bước chuẩn bị đồng bộ từ trước cả năm. Dự báo quá tải là có ngay biện pháp; từ cảnh báo từ xa (hạn chế khách quá tải), tăng cường giám sát và xử phạt thật nặng (chống tăng giá tùy tiện), bổ sung lực lượng (truy quét các tệ nạn móc túi, cướp giật; xử phạt xả rác), sát cánh với cơ sở giải quyết tận gốc mọi phát sinh. Nhưng thực tế rất ít nơi làm được. Cùng quá tải nhưng huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã tăng chuyến tàu ra đảo gấp 10, mở cửa nhà dân và trường học cho khách homestay miễn phí. Đà Nẵng thì gắn logo Mặt cười và sogan “Comfort as home” cho 58 cơ sở để khách đến thành phố thoải mái giải quyết “đầu ra” như ở nhà... Du lịch nhếch nhác ở đâu cũng đều thuộc trách nhiệm của chính quyền và ngành du lịch tại chỗ.
Tiếp theo là của ngành du lịch. Từ lữ hành, khách sạn nhà hàng, điểm tham quan, khu vui chơi cho đến vận chuyển; cứ “Mạnh ai nấy làm, bạo ai nấy chèn ép”. Trong ngành còn thiếu hỗ trợ và phối hợp, chưa kể còn cạnh tranh phi pháp, chơi xấu lẫn nhau, nói chi bên ngoài. Nếu ai cũng biết lượng sức, cố gắng nhưng không quá sức thì làm gì có chuyện chất lượng dịch vụ giảm sút, đông quá nên làm không xuể. Biết từ chối cũng là đẳng cấp kinh doanh chuyên nghiệp.
Cuối cùng là trách nhiệm của du khách. Làm gì cũng nên bớt tùy hứng. Du lịch khác đi chợ. Dù là du lịch tự túc, tự lái xe hay đi phượt, đều cần phải chuẩn bị, vì “Cẩn tắc vô áy náy”. Không bị tâm lý đám đông chi phối, lũ lượt kéo nhau đi chơi mà không biết gì về thông tin điểm đến. Nạn chặt chém và trấn lột, từ khách sạn - nhà hàng đến vận chuyển chỉ hiếp đáp du khách du lịch tự túc. Nạn xả rác bừa bãi và nhậu nhẹt tràn lan cũng đông nhất ở nhóm này. Nhưng du lịch theo tour cũng phải “chọn mặt gửi tour”, cả công ty lẫn điểm đến. Mùa cao điểm càng không ham rẻ, vì tiền nào thì của đó.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp. Các chủ thể Quản lý nhà nước - Ngành du lịch - Du khách có mối quan hệ hữu cơ, thúc đẩy và tác động qua lại, hỗ trợ lẫn nhau. Đó là mô hình tam giác đều bền vững của kiềng 3 chân. Nếu một bên khập khiễng, thì kiềng rất dễ đổ. Khi đã xác định rõ trách nhiệm cụ thể thì việc sửa sai khắc phục không khó. Khó là không chịu thay đổi, cứ “vũ như cẩn” và “im lặng là vàng” thì cực kỳ nguy hại.
Bình luận (0)