Vốn dĩ đi du lịch là để thư giãn sau những ngày lao động mệt nhọc. Dịp 30.4 năm nay, trùng với ngày Giỗ Tổ Hùng Vương nên không chỉ cơ quan nhà nước mà nhiều doanh nghiệp cũng cho nghỉ đến 6 ngày - thời gian lý tưởng cho những ai muốn đi chơi xa.
Thế nhưng, những gì diễn ra tại các điểm du lịch nổi tiếng cả nước trong những ngày qua thì thư giãn đâu chẳng thấy, chỉ thấy cảnh chen lấn, xô bồ, vất vưởng của du khách, trông rất nhếch nhác. Đi du lịch mà như thế, khác nào tự hành xác mình!
Trên những chuyến tàu đến các tỉnh trong những ngày nghỉ lễ, hành khách nằm cả trên sàn tàu sau khi các “ghế phụ” đã kín chỗ. Nhà xe thì nhồi nhét khách, hệt cảnh về quê ăn tết cách đây không lâu. Các hãng lữ hành lớn, các công ty du lịch tại những địa phương có nhiều điểm tham quan cũng đã chuẩn bị để đón khách hàng tháng trời trước đó, song vẫn không thể nào đáp ứng được nhu cầu trước một lượng người quá lớn, cứ ùn ùn đổ về mà ngay cả những người làm du lịch chuyên nghiệp lâu nay cũng không thể lý giải nổi.
Nếu như ở Đà Nẵng, khách đổ về để xem bắn pháo hoa quốc tế thì còn có thể hiểu được, vì không đến thành phố bên sông Hàn đúng ngày 28 - 29.4 thì phải đợi năm sau, thế nhưng với Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu hoặc Sa Pa, không đến được dịp này thì ta sẽ đến dịp khác trong năm. Ấy thế mà vẫn cứ ùn ùn đổ về để rồi phải “lãnh đủ” mọi phiền phức cho chuyến đi chơi.
Giá phòng của nhiều khách sạn tại các điểm “du lịch chen lấn” trên đã tăng 40 - 60%, thế nhưng vẫn không tìm được chỗ ở vừa ý nếu như không đặt trước. Hình ảnh “la liệt” của nhiều du khách không tìm được chỗ ở tại Đà Lạt và Vũng Tàu đã nói lên tất cả những “đoạn trường” mà họ đã nếm trải trong những ngày đi du lịch vừa qua.
Ở đã khổ, ăn uống còn khổ sở hơn. Tình trạng “chặt chém” xuất hiện ở nhiều điểm du lịch, nhưng du khách phải “vui vẻ” chấp nhận vì không còn có sự lựa chọn nào khác. Đó là chưa kể nhiều đồ ăn, thức uống không đảm bảo vệ sinh nhưng du khách vẫn cứ phải dùng. Sự “quá tải” này còn dẫn đến một hệ lụy đau đớn hơn: Chỉ 3 ngày đầu của kỳ nghỉ lễ đã có trên 100 người chết vì tai nạn giao thông.
Khách đi chơi đã khổ, các “chủ nhà” cũng chẳng sung sướng gì. Cứ sau một ngày vui chơi của khách, trên các bãi biển và điểm tham quan là những bãi rác khổng lồ. Tiền thì chảy vào túi của những người làm dịch vụ, còn “hậu quả” thì anh chị em công nhân dọn vệ sinh gánh chịu.
Sáu ngày nghỉ để đi chơi, những tưởng sẽ “lấy lại sức” sau những ngày làm việc cực nhọc, chẳng ngờ lại mất sức thêm. Không biết đến bao giờ mới chấm dứt được tình trạng “du lịch hành xác” kiểu này?
Bình luận (0)