Vì đâu nên nỗi?

15/01/2023 06:09 GMT+7

Hai năm qua, lực lượng công an toàn quốc phát hiện, xử lý hơn 5.600 vụ việc về lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Con số này thực sự đáng lo ngại cho cả cơ quan quản lý và người dân.

Thực tế cho thấy tội phạm lừa đảo, nhất là lừa đảo bằng công nghệ cao, ngày càng tinh vi. Số tiền nạn nhân bị lừa ngày càng lớn, có những vụ mất hàng tỉ đồng chỉ sau một cú điện thoại. Nhưng có một câu hỏi được đặt ra: nhiều thủ đoạn lừa đảo không mới, công an và truyền thông đã liên tục cảnh báo, vì sao vẫn có nhiều người “sập bẫy” đến vậy?

Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Phải khẳng định rằng, một trong những nguyên nhân mấu chốt dẫn đến các vụ lừa đảo xuất phát từ chính nạn nhân.

Thứ nhất, “con mồi” mà tội phạm lừa đảo “yêu thích” là những người thiếu kỹ năng phòng vệ trên không gian mạng. Ước tính VN hiện có hơn 72 triệu tài khoản mạng xã hội, nhưng không phải ai cũng hiểu hết những rủi ro tiềm ẩn từ thế giới ảo này.

Đây chính là cơ hội để tội phạm lợi dụng. Minh chứng là hàng loạt các vụ mạo danh cán bộ nhà nước để yêu cầu chuyển tiền, rồi dụ dỗ “chat sex” để tống tiền, hay việc tuyển cộng tác viên bán hàng online… nạn nhân thường là người già, sinh viên, hoặc người ít giao tiếp xã hội, dễ dàng tin lời hoặc ít có khả năng cảnh giác với người lạ.

Thứ hai, nhiều vụ lừa đảo xảy ra vì lòng tham của bị hại. Hàng trăm vụ việc “bạn trai nước ngoài” tặng quà, rồi kêu gọi đầu tư trực tuyến, hoặc thanh toán đơn hàng để nhận hoa hồng. Công thức chung diễn ra: tội phạm đưa ra “miếng mồi” lãi suất cao, giá trị quà tặng rất lớn, chỉ cần ngồi ở nhà cũng có tiền; nếu nạn nhân không làm chủ được bản thân, mờ mắt trước “mật ngọt”, sẽ lập tức dính bẫy.

Nguyên nhân, thủ đoạn thì đã rõ, vậy cách nào để không trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo?

Không có biện pháp nào tốt hơn việc mỗi người phải tự nâng cao ý thức, kiến thức và kỹ năng an toàn khi sử dụng mạng xã hội. Điều này rất dễ dàng, bằng cách xem, đọc, nghe thật nhiều. Với thời đại công nghệ 4.0, người dân có thể tiếp cận thông tin cảnh báo tội phạm ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời gian nào. Nguồn thông tin ấy có thể đến từ truyền hình, báo chí, mạng xã hội, website của cơ quan, bộ, ngành.

Quan trọng hơn, mỗi người cần biết tự chủ trước mọi cám dỗ, hứa hẹn về lợi ích vật chất. Không có phương pháp nào làm giàu nhanh chóng mà không cần đổ mồ hôi, tốn công sức; cũng chẳng có ai bỗng nhiên mang đến một món hời lớn chỉ sau vài ba tin nhắn ẩn danh trên mạng xã hội.

Và tất nhiên, để ngăn chặn tội phạm lừa đảo, không chỉ người dân mà còn cần đến sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ từ phía cơ quan nhà nước.

Bên cạnh đấu tranh trấn áp, phòng ngừa tội phạm cũng là công tác cốt lõi. Các cơ quan cần phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về các thủ đoạn lừa đảo. Thời gian qua, Bộ Công an phối hợp cùng Bộ TT-TT và các nhà mạng gửi tin nhắn đến từng thuê bao di động. Đồng thời, các đơn vị chức năng, nhất là ngành ngân hàng, phải tập trung rà soát, phát hiện và khắc phục kịp thời sơ hở trong những lĩnh vực thường xảy ra lừa đảo như huy động vốn, cho vay qua ứng dụng (app), thanh toán điện tử hoặc quản lý sim rác. Khi mọi đầu mối đều được chặn kín, tội phạm sẽ không còn đất sống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.