Vì đồng bào vùng bão lũ

04/10/2013 03:00 GMT+7

Miền Trung năm nào cũng phải gánh chịu mấy cơn bão, có cơn bão nhẹ, có cơn bão dữ. Năm nay thì bão số 10 quá dữ, lại đánh trực diện vào các tỉnh Bắc Trung bộ với sức gió càng vào đất liền càng mạnh, nên tàn phá và gây ra thiệt hại khủng khiếp cho hàng triệu đồng bào miền Trung.

Như từ bao năm qua, cả nước đã lập tức hướng về miền Trung. Đồng bào ta, không phải ai cũng khá giả, nhưng tấm lòng và ý thức đùm bọc nhau thì vừa nhanh nhạy vừa giàu có. Những chuyến hàng cứu trợ đã, đang và sắp tấp nập đổ về vùng chịu bão, đến tận mỗi gia đình, mỗi người dân đang nhòa nước mắt vì bỗng chốc trắng tay. Nhà cửa sập đổ có thể dựng lại, lợp lại, nhưng cây trồng và vật nuôi là nguồn sống của mỗi gia đình bị bão quét sạch thì phải rất lâu sau mới có thể gây dựng lại. Vì thế, họ sẽ khó gây dựng lại nếu không có sự giúp đỡ chia sẻ của cộng đồng.

Báo Thanh Niên đã phát lời kêu gọi bạn đọc trong cả nước chung tay hỗ trợ đồng bào miền Trung bị bão và bản thân các nhà báo của báo này, ngoài nhiệm vụ tham gia cứu trợ hay kêu gọi sự cứu trợ từ cộng đồng, đã nhanh nhạy chi tiền túi của mình đóng góp ủng hộ, ngay đợt đầu đã được hơn 86 triệu đồng. Tấm gương hy sinh thân mình trong khi đi cứu trợ bão lụt của Phó giám đốc Sở Công thương Nghệ An Nguyễn Tài Dũng đã gây xúc động mạnh trong nhân dân. Ngành công thương và tỉnh Nghệ An đã phát động phong trào học tập tấm gương hy sinh của ông Dũng. Đó là việc làm cần thiết. Điều đó cũng nói lên một chân lý: ai cũng có thể “Vì nhân dân quên mình”, nếu thực sự có tấm lòng vì nhân dân.

Rút kinh nghiệm nhiều lần cứu trợ bão lụt trước đây, lần này các đoàn cứu trợ cần tránh hiện tượng “dồn toa, dồn đống” khi cứu trợ, khi những địa điểm “tiện đường” luôn nhận được nhiều quà cứu trợ, dù chưa chắc đã bị thiệt hại nhiều hơn. Ngược lại, có những nơi do khuất nẻo, không tiện đường xe, thường ít nhận được quà cứu trợ, dù bị thiệt hại nặng nề hơn. Các địa phương trong vùng chịu thiệt hại vì bão lụt cần lập “bản đồ” chính xác về những nơi cần cứu trợ, về mức độ thiệt hại khác nhau của từng nơi, để sự phân bố hàng cứu trợ công bằng và có tác dụng tích cực ngay. Rất cần những đội xung kích cứu trợ không quản ngại gian khổ để đi tới tận những nơi cần cứu trợ kịp thời. Và cũng rất cần trở lại những vùng được cứu trợ sau một thời gian để ghi nhận tác dụng của cứu trợ, đồng thời phát hiện những “mục tiêu” cần tiếp tục cứu trợ, làm sao cho chuyện cứu trợ không phải là chuyện “gió thoảng mưa qua”.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.