Sứ mệnh kéo dài 382 ngày đã khiến ADN, telomere và các vi khuẩn đường ruột của ông Kelly thay đổi. Mật độ xương của phi hành gia Mỹ cũng hao hụt, và ba tháng sau khi quay về mặt đất, chân ông vẫn âm ỉ đau.
Tuy nhiên, có một dạng sự sống tồn tại trong không gian trần trụi, không cần đến sự bảo vệ của ISS, và liên tục chịu đựng sự tấn công của bức xạ vũ trụ, bất chấp tình trạng chân không, sự dao động nhiệt độ cực cao và tình trạng vi trọng lực bên ngoài ISS.
Đó chính là dòng vi khuẩn có tên khoa học là Deinococcus radiodurans. Chúng vẫn sống khỏe bên trên khu vực được gọi là “nơi phơi nhiễm” được lắp bên ngoài ISS, trang Slash Gear đưa tin.
Các tế bào D. radiodurans được khử nước, đưa lên ISS và đặt vào “nơi phơi nhiễm”, theo nỗ lực của đội ngũ chuyên gia đến từ Áo, Nhật Bản và Đức nhằm khám phá bí mật đằng sau năng lực sinh tồn đáng ngạc nhiên của dòng vi khuẩn này trong những điều kiện môi trường vô cùng khắc nghiệt.
|
Sau một năm, chúng được đưa về mặt đất, và so sánh với các mẫu vật vẫn được quan sát suốt một năm qua ở phòng thí nghiệm, theo báo cáo đăng trên chuyên san Microbiome.
Kết quả cho thấy tỷ lệ sống sót ở nhóm trên quỹ đạo thấp hơn nhóm trên mặt đất, nhưng các cá thể sống được vẫn hoạt động bình thường như chẳng hề trải qua một năm đầy khó khăn bên ngoài ISS.
“Các cuộc nghiên cứu như thế nào giúp chúng tôi hiểu được các cơ chế và quy trình mà thông qua đó sự sống có thể tồn tại bên ngoài Trái đất, từ đó mở rộng kiến thức của nhân loại về cách thức sinh tồn và thích ứng trong môi trường “tử thần” trong không gian”, theo nhà sinh hóa Tetyana Milojevic của Đại học Vienna (Áo).
Một cuộc nghiên cứu khác cũng đã chứng minh năng lực sinh tồn vượt xa sự tưởng tượng của con người ở dòng vi khuẩn D. radiodurans.
Theo đó, D. radiodurans cho thấy vẫn sống sót ở thời gian đủ dài để di chuyển từ sao Hỏa đến Trái đất, một phát hiện có thể thay đổi hiểu biết của con người về nguồn gốc sự sống.
Bình luận (0)