Vi khuẩn trong băng Tây Tạng và nguy cơ dịch bệnh mới

05/07/2022 09:00 GMT+7

Các nhà khoa học phát hiện hơn 900 loài vi khuẩn chưa từng được biết đến sống bên trong các sông băng trên cao nguyên Tây Tạng và cảnh báo nguy cơ dịch bệnh khó lường nếu chúng thoát ra.

Kết quả phân tích bộ gien của các vi sinh vật này cho thấy một số loài có khả năng gây ra đại dịch mới nếu chúng được giải phóng trong trường hợp sông băng tan chảy ngày càng nhanh do biến đổi khí hậu.

Phát hiện sửng sốt

Tờ South China Morning Post đưa tin các nhà khoa học từ Trung Quốc, Úc và Đan Mạch đã lấy mẫu băng ở 21 sông băng trên cao nguyên Tây Tạng. Sau đó, nhóm nghiên cứu giải trình tự ADN của vi sinh vật bị nhốt trong băng rồi xây dựng một cơ sở dữ liệu đồ sộ mà họ đặt tên là danh mục Bộ gien và Gien Sông băng Tây Tạng (TG2G). Đây là lần đầu tiên một cộng đồng vi sinh vật ẩn trong sông băng được xác định trình tự gien.

Băng tuyết trên cao nguyên Tây Tạng

Chụp màn hình Tân Hoa xã

Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy 968 loài vi sinh vật bị nhốt trong băng - chủ yếu là vi khuẩn nhưng cũng có tảo, cổ khuẩn và nấm. Điều đáng lưu ý nhất, khoảng 98% những loài vi khuẩn được phát hiện là hoàn toàn mới đối với khoa học, theo chuyên trang Live Science. Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh mức độ đa dạng này là điều chưa từng thấy. “Bất chấp các điều kiện môi trường khắc nghiệt, như nhiệt độ thấp, cường độ bức xạ mặt trời cao, quá trình đóng băng - tan băng định kỳ và hạn chế về dinh dưỡng, bề mặt của các sông băng vẫn hỗ trợ đa dạng sự sống”, theo nghiên cứu được công bố trên chuyên san Nature Biotechnology.

Các nhà khoa học chưa thể xác định chắc chắn về độ tuổi của những vi khuẩn mới được phát hiện. Song họ cho biết một số nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng có thể hồi sinh các vi sinh vật đã bị mắc kẹt trong băng đến 10.000 năm. Đây không phải là lần đầu tiên giới khoa học phát hiện ra sự phong phú của thế giới vi sinh vật sống trong các sông băng ở Tây Tạng. Vào tháng 1.2020, nhóm phân tích lõi băng từ một sông băng đã tìm thấy 33 nhóm vi rút khác nhau sống trong băng, 28 trong số đó chưa từng được biết đến trước đây.

Nguy hiểm tiềm ẩn

Các nhà nghiên cứu cho biết sự đa dạng trên, cùng với tình trạng tan băng ngày càng nhanh hơn do biến đổi khí hậu, làm tăng khả năng các vi sinh vật nguy hiểm tiềm ẩn, nhất là vi khuẩn, thoát ra ngoài và gây hại cho con người. Theo đó, “các vi khuẩn gây bệnh mắc kẹt trong băng có thể dẫn đến dịch bệnh địa phương và thậm chí là dịch bệnh toàn cầu” nếu chúng được giải phóng ra môi trường bên ngoài.

Nhóm nghiên cứu đã xác định được 27.000 yếu tố độc lực tiềm ẩn là các phân tử giúp vi khuẩn xâm nhập và chiếm giữ vật chủ tiềm năng trong danh mục TG2G. Họ cảnh báo rằng khoảng 47% các yếu tố độc lực này chưa từng được biết đến trước đây, và vì vậy không có cách nào để biết vi khuẩn có thể gây hại như thế nào.

Thảm kịch trên dãy Alps

Chiều qua, giới chức Ý nối lại nỗ lực tìm kiếm người sống sót trong vụ lở tảng sông băng trên đỉnh Marmolada thuộc dãy Alps. Ít nhất 6 người thiệt mạng và 9 người bị thương (trong đó 2 trường hợp nguy kịch) vào thời điểm thảm kịch xảy ra vào trưa 3.7. Giới hữu trách cho rằng có thêm 15 người mất tích, do tảng sông băng rơi xuống tuyến đường leo núi phổ biến của vùng Dolomites nước Ý.

Cuộc tìm kiếm vào trưa 3.7 có sự tham gia của chó cứu hộ và ít nhất 5 trực thăng, nhưng phải dừng lại trong đêm vì nguy cơ lở sông băng vẫn chực chờ. Marmolada là đỉnh núi cao nhất ở Dolomites với độ cao khoảng 3.300 m. Hiện chưa rõ nguyên nhân khiến sông băng trên đỉnh núi bị lở, nhưng kể từ cuối tháng 6, Ý trải qua đợt nóng bất thường. Nhiệt độ trên đỉnh gần đây tăng lên 100C.

H.G

Ngay cả khi các vi khuẩn này không tồn tại được lâu sau khi thoát khỏi sông băng, chúng vẫn có thể gây ra vấn đề. Một khả năng chỉ có ở vi khuẩn là trao đổi các đoạn ADN lớn của chúng, được gọi là “các yếu tố di truyền di động” (MGE), với các vi khuẩn khác. Vì vậy, dù vi khuẩn sông băng nhanh chóng chết đi sau khi thoát ra, chúng vẫn có thể truyền độc lực cho các vi khuẩn khác mà chúng gặp được. Khả năng tương tác vật liệu di truyền này giữa vi khuẩn sông băng và vi sinh vật hiện đại “có thể đặc biệt nguy hiểm”, theo các nhà nghiên cứu.

Theo Live Science, đây không chỉ là nguy cơ đối với châu Á. Có hơn 20.000 sông băng trên trái đất, bao phủ khoảng 10% diện tích bề mặt hành tinh và mỗi sông băng có khả năng chứa các cộng đồng vi sinh vật của riêng chúng. Vào tháng 4.2021, một nghiên cứu sử dụng hình ảnh vệ tinh đã phát hiện ra rằng gần như mọi sông băng trên trái đất đều có tốc độ băng tan gia tăng trong giai đoạn 2000 - 2019.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.