Với một đất nước đã trải qua biết bao cuộc chiến trong lịch sử dựng nước, giữ nước, bảo vệ nền độc lập như Việt Nam, khát vọng đó còn cháy bỏng hơn bao giờ hết.
Mỗi người dân Việt Nam luôn thấm, hiểu sâu sắc ý nghĩa thiêng liêng của hai tiếng hòa bình.
Khát vọng hòa bình đã trở thành lẽ sống của dân tộc, được bao thế hệ người Việt tiếp nối nhau không tiếc công sức và xương máu để vun đắp, gìn giữ, phát huy.
Từ xa xưa trong những truyền thuyết buổi đầu dựng nước, cho đến thời kỳ đấu tranh giành độc lập, khẳng định quyền tự chủ với những áng thơ thần Nam quốc sơn hà (Lý Thường Kiệt), Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi)... bên cạnh khẳng định nền độc lập, tự do, thông điệp về khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam luôn luôn được thể hiện rõ ràng.
Ngày 2.9.1945, trước quốc dân đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngay lời mở đầu, Người dẫn Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc" và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi", để khẳng định quyền được sống, quyền tự do, bình đẳng.
Những quyền ấy chỉ trọn vẹn khi đất nước độc lập, tự do, được phát huy tối đa trong môi trường hòa bình.
Dân tộc Việt Nam là dân tộc yêu hòa bình. Điều đó không chỉ được minh chứng qua các cuộc chiến đánh đuổi ngoại xâm giành độc lập, "thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ", mà còn ngay trong thời hiện đại với những vun vén, đắp bồi cho tinh thần nhân ái, dang tay làm bạn với tất cả.
Năm 1999, Thủ đô Hà Nội được UNESCO vinh danh "Thành phố vì hòa bình". Và trong những năm gần đây, hình ảnh lực lượng "mũ nồi xanh" Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình trên thế giới đã minh chứng, khẳng định người Việt Nam yêu hòa bình đến nhường nào.
Ngày nay, đất nước ta đang sống trong hòa bình. Nhưng đâu đó ngoài kia vẫn còn những nguy cơ rình rập, vẫn còn những kẻ muốn chúng ta phải lệ thuộc, muốn đất nước ta không yên bình để dễ bề thao túng… Vì thế, để hòa bình trường tồn, vĩnh cửu trên non sông gấm vóc Việt Nam, một trong những điều cốt lõi cần làm là xây dựng đất nước độc lập, tự chủ, hùng cường, thịnh vượng.
Tại Đại hội XIII của Đảng, Đảng ta nhấn mạnh định hướng, khơi gợi, thúc đẩy khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh, thực hiện mục tiêu Việt Nam hùng cường với các cột mốc cụ thể: 100 năm thành lập Đảng (năm 2030), 100 năm thành lập nước (năm 2045).
Khát vọng Việt Nam hùng cường và thịnh vượng không chỉ là một đất nước văn minh, giàu mạnh, phồn vinh về kinh tế, mà còn là quốc gia giàu bản sắc văn hóa, hiện đại, nghĩa tình, hạnh phúc, có vai trò ngày càng quan trọng và tích cực trên trường quốc tế...
Để đạt được mục tiêu này, con đường phía trước chắc chắn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có giải pháp tận dụng, phát huy mọi nguồn lực ở tất cả các lĩnh vực, từ văn hóa, giáo dục đến kinh tế, chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng...
Đi tới hùng cường, thịnh vượng cũng đòi hỏi cả dân tộc phải đoàn kết, từ người trong nước đến kiều bào ở nước ngoài, đồng lòng hướng về, dốc sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...
Cùng tâm thế ấy, trong không khí tự hào kỷ niệm 78 năm ngày Tết Độc lập, Thanh Niên xuất bản Đặc san Chào mừng ngày Quốc khánh 2.9, với những bài viết tâm huyết của các chuyên gia, nhà văn, nhà báo..., mong muốn mang tới nhiều góc nhìn, kiến giải hành động, để cùng chung sức đồng lòng dựng xây đất nước hòa bình, thịnh vượng.
Trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc.
Bình luận (0)