Vị ni sư hết lòng với người nghèo

06/07/2013 09:34 GMT+7

Đó là ni sư Như Minh, trụ trì chùa Tây Linh (P.Thuận Lộc, TP.Huế). Suốt 40 năm qua vị ni sư đã giúp hàng ngàn người nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt vươn lên, hòa nhập cuộc sống.

 Ni sư Như Minh
Ni sư Như Minh trong một lần đi trao quà nhân ái - Ảnh: ni sư Như Minh cung cấp

Sau những lần đi trao quà từ thiện ở những vùng quê nghèo, ni sư Thích nữ Như Minh, Trụ trị chùa Tây Linh cảm nhận có nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn, con em họ đa số thất học lên thành phố kiếm tiền thường bị lạm dụng và sa vào các tệ nạn xã hội. Từ đó ni sư Như Minh đã quyết định mở một trung tâm dạy nghề nhằm giúp họ có được công ăn việc làm tử tế. Chạy vạy khắp nơi đến tháng 6.2001 cơ sở dạy nghề với phòng học khang trang rộng rãi, cơ sở kỹ thuật hiện đại được hoàn thành. 3 lớp học miễn phí là thêu, may công nghiệp và đan len khai giảng với 200 học viên ban đầu. Sau có những người nghe thông tin về cơ sở dạy nghề miễn phí đã đưa con em mình từ Nghệ An, Hà Tĩnh vào để xin nhập học. Đa số họ đều là những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, nên nhà chùa ngoài việc không thu học phí còn hỗ trợ ăn uống, những trường hợp xa có thể tá túc lại trong chùa. Chị Huỳnh Thị Tâm (33 tuổi, ở P.Thuận Hòa, TP.Huế) người đã gắn bó với cơ sở 12 năm qua cho hay chị bị bại liệt từ nhỏ. Năm 2001 nghe tin chùa Tây Linh mở lớp dạy nghề miễn phí nên chị nộp đơn xin học nghề thêu. “Nhờ tấm lòng bồ tát của sư Như Minh mà mình có cuộc sống khá ổn, không còn mặc cảm. Hiện nay tùy theo lượng sản phẩm làm ra, nhưng bình quân mỗi tháng mình cũng thu nhập được khoảng 2 triệu đồng, một số tiền không nhỏ với hoàn cảnh bản thân và gia đình mình”, chị Tâm cho biết. Cho đến nay cơ sở dạy nghề chùa Tây Linh đã đào tạo được hàng ngàn con em có hoàn cảnh đặc biệt thành công nhân lành nghề.

Tấm lòng bồ tát

Đã gần 70 tuổi đời, sức khỏe dần yếu, nhưng hàng năm ni sư Như Minh vẫn không ngừng đi khắp các vùng quê nghèo, những nơi không may mắn bị thiên tai tàn phá để trao quà nhân ái, chuyển tải những tấm lòng của các mạnh thường quân, những đạo hữu, phật tử tốt bụng đến với người nghèo. Hình ảnh một vị ni sư lớn tuổi có khuôn mặt phúc hậu có lẽ đã quá quen thuộc với những người dân nghèo khu vực miền Trung. Ngoài cơ sở dạy nghề chùa Tây Linh, ni sư Như Minh còn mở cơ sở dạy nghề Phùng Xuân ở TX.Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) với số lượng mỗi khóa có gần 200 học viên có hoàn cảnh đặc biệt theo học nghề miễn phí. Để có tiền trang trải, trả lương cho các giáo viên giảng dạy tại hai cơ sở dạy nghề tại Huế và Quảng Trị, ni sư Như Minh phải tự mình tìm nguồn kinh phí, đồng thời đi “thám thính” các nơi tìm đầu ra cho các sản phẩm do các học viên làm ra. Ni sư Như Minh cho biết đã hơn 40 năm đi làm từ thiện, đi qua nhiều tỉnh, thành phố, nhiều vùng miền cao, vùng sâu có nhiều câu chuyện, hoàn cảnh cụ thể như những thước phim được lưu dấu trong những vùng kí ức. “Đi riết rồi thành quen. Giờ thì gần 70 tuổi đời rồi nhưng vẫn mong có được sức khỏe tốt để tiếp tục những chuyến đi, những chuyến đi đón nhận các tấm lòng hảo tâm và những chuyến đi chuyển tải những tấm lòng ấy đến được nhiều hơn với người nghèo”, ni sư Như Minh cười hiền.

Nguyễn Tiến Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.