Vi rút Adeno nguy hiểm thế nào?

Lê Cầm
Lê Cầm
16/09/2022 15:04 GMT+7

Người nhiễm vi rút Adeno sẽ có triệu chứng giống các bệnh viêm đường hô hấp khác, có thể chữa trị được. Tuy nhiên bệnh dễ lây lan nhanh trong cộng đồng, nếu phát hiện trễ, bệnh chuyển nặng sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, khi vi rút Adeno (Adenovirus) xâm nhập cơ thể, ban đầu sẽ gây ra các triệu chứng cúm, viêm hô hấp thông thường như sốt cao, nhức đầu, đau mình... Sau đó có thể dẫn đến các biến chứng như suy hô hấp, viêm tiểu phế quản, khởi phát cơn hen phế quản, nặng hơn có thể gây tổn thương gan, viêm gan, tổn thương não, viêm não...

"Đa số ca nhiễm bệnh có thể cứu được, tuy nhiên nếu để tình trạng bệnh quá nặng, không đi viện để được can thiệp sớm có thể dẫn đến tử vong", bác sĩ Tiến lưu ý.

Con đường lây truyền vi rút Adeno có thể qua tiếp xúc trực tiếp giữa người với người qua đường hô hấp; có thể lây qua niêm mạc dịch tiết từ mắt, mũi, phân của bệnh nhân hoặc tiếp xúc gián tiếp với đồ dùng của bệnh nhân bị nhiễm bệnh. Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi nhưng phổ biến ở nhóm có sức đề kháng kém như trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh mạn tính...

Theo bác sĩ Tiến, điểm nguy hiểm của vi rút Adeno là có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời để lại các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe của người nhiễm.

Số ca tử vong chủ yếu do phát hiện và điều trị bệnh trễ

Thống kê tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, 2 tháng qua ghi nhận 55.000 lượt khám ngoại trú, 4.000 bệnh nhi điều trị về bệnh lý hô hấp, viêm thanh quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi... trong đó tỷ lệ nặng 25-30%.

Mô phỏng vi rút Adeno

shutterstock

Bác sĩ Tiến cho biết, hiện triệu chứng và cách điều trị đối với trẻ nhiễm virus Adeno hay các bệnh viêm hô hấp khác khá giống nhau nên bệnh viện không xét nghiệm tìm chủng, chỉ xét nghiệm máu để phát hiện và điều trị bệnh. Việc xét nghiệm sẽ được triển khai khi có những chùm bệnh bùng phát bất thường trong cộng đồng như một chùm ca bệnh nhiều hộ gia đình, trong xóm, khu phố...

Tương tự, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Cố vấn khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, vi rút Adeno cũng giống với các loại vi rút gây bệnh đường hô hấp khác và không quá nguy hiểm nếu phát hiện điều trị kịp thời. Do đó tại bệnh viện hiện cũng không xét nghiệm mà điều trị theo phác đồ.

"Số ca tử vong do vi rút Adeno gây ra sẽ chủ yếu tập trung vào nhóm trẻ có thể trạng yếu, suy dinh dưỡng, có bệnh lý nền, phát hiện và điều trị bệnh trễ...", bác sĩ Khanh chia sẻ.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần theo dõi sát các dấu hiệu của trẻ, khi thấy trẻ có biểu hiện chuyển nặng như thở rút lõm ngực, rối loạn tri giác, lừ đừ... thì đưa trẻ đến ngay bệnh viện để thăm khám.

Để phòng lây nhiễm vi rút Adeno, bác Tiến lưu ý người dân và phụ huynh cần nâng cao thể trạng cho mình và trẻ, tiêm ngừa cúm, với trẻ nhỏ nên cho uống vitamin A 6 tháng một lần tại trạm y tế. Rửa tay thường xuyên, khi ho nên dùng khuỷu tay che miệng và vệ sinh kỹ tay sau đó, mang khẩu trang thường xuyên, không nên đi học hay đi làm khi đang bệnh để tránh lây lan vi rút cho cộng đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.