Sinh viên khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM trong giờ thực hành |
Thúy Hằng |
Nhằm cung cấp những thông tin quan trọng, những hiểu biết cần thiết và xóa bỏ những nghịch lý của khối ngành học kỹ thuật, công nghiệp để thí sinh có những lựa chọn ngành nghề phù hợp, chính xác, Báo Thanh Niên tổ chức chương trình tư vấn với chủ đề: "Những thế mạnh từ khối ngành kỹ thuật và công nghiệp" vào ngày 29.3.
Trong chương trình, đại diện các trường đưa ra lời khuyên và giải đáp những thắc mắc của thí sinh liên quan đến khối ngành kỹ thuật và công nghiệp.
Nhu cầu nhân lực của khối ngành này rất là cao
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, chia sẻ: “Trong 2 năm gần đây, nhu cầu nhân lực của khối ngành này rất là cao nhưng số lượng thí sinh đăng ký vào nhóm ngành này thấp hơn so với tổng chỉ tiêu. Tỷ lệ nhập học cũng thấp hơn so với số lượng trúng tuyển, dẫn đến khan hiếm nhân lực”.
Ông Hải nêu ra hai nguyên nhân khiến thí sinh đăng ký ít là tâm lý ngại làm việc vất vả dù có mức lương cao; sự hiểu biết về khối ngành này đối với thí sinh còn hạn chế.
“Thực tế là nếu sinh viên tốt nghiệp được trang bị kiến thức chuyên ngành vững vàng và có thêm một vài kỹ năng thì sẽ luôn được doanh nghiệp chào đón. Lương cơ bản của một sinh viên tốt nghiệp khối ngành kỹ thuật và công nghiệp luôn luôn cao hơn khoa học xã hội hành vi và khối ngành kinh tế”, ông Hải chia sẻ.
PGS-TS Nguyễn Quốc Hưng, Trưởng khoa Kỹ thuật Trường ĐH Việt Đức, chia sẻ: “Không ít thí sinh ngại khó, ngại khổ, nghĩ là ngành học này khó khăn và vất vả. Số lượng nữ thí sinh đăng ký xét tuyển chỉ bằng 30% so với nam giới. Do đó, chúng tôi có nhiều học bổng khuyến khích các em nữ đăng ký chọn khối ngành kỹ thuật. Chúng tôi cũng mong muốn chính phủ có những chương trình hỗ trợ nữ sinh viên tham gia khối ngành này".
Một bạn nữ vào khối kỹ thuật sẽ hơn 5 bạn nam chọn ngành này
“Một trong những điều tôi mong muốn, đó là 1 bạn nữ vào khối kỹ thuật sẽ hơn cả 5 bạn nam chọn ngành này. Nhiều người cứ có định kiến nữ giới không học kỹ thuật, ngành này chỉ dành cho nam”, ông Hưng nói.
Thạc sĩ Trần Mạnh Thái, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh - Truyền thông Trường ĐH Văn Hiến, lưu ý: “Hiện nay khoa học kỹ thuật thay đổi rất nhiều, không còn giống như ngày xưa, nên các bạn nữ hoàn toàn có thể tham gia vào khối ngành này vì có nhiều công việc khác nhau chứ không chỉ có công việc nặng nề, chẳng hạn tư vấn và bán các sản phẩm”.
Những điểm mới trong xét tuyển khối ngành kỹ thuật, công nghiệp
Tiến sĩ Võ Thanh Hải cho biết, trong số 44 ngành hệ đại học của Trường ĐH Duy Tân thì có 50% số ngành thuộc khối ngành kỹ thuật, công nghiệp và khoảng 1.200 chỉ tiêu cho tất cả các khối ngành kỹ thuật. Bên cạnh đó, Trường ĐH Duy Tân thành lập Trường đào tạo công nghệ và nhà trường sẽ giảm 30% học phí cho thí sinh theo học khối ngành này.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, thông tin: “Năm nay, trường có 36/54 chuyên ngành về kỹ thuật công nghiệp, bao gồm nhiều lĩnh vực như cơ khí, tự động hóa, điện điện tử, môi trường, thực phẩm… Chúng tôi xét bằng kết quả học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT, đánh giá năng lực, xét tuyển thẳng ưu tiên. Trường bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển từ ngày 15.4. Chúng tôi có phân hiệu tại Quảng Ngãi, ngưỡng nhận hồ sơ điểm học bạ thấp hơn (19 điểm), với TP.HCM thì ngưỡng nhận hồ sơ là 21 điểm.
Thạc sĩ Thái cho biết năm nay các phương thức xét tuyển của Trường ĐH Văn Hiến cho khối ngành này cũng không có gì thay đổi so với các năm trước. "Nhà trường có quỹ học bổng để hỗ trợ thí sinh tham gia vào khối ngành này. Các bạn có thể theo dõi thêm thông tin trên trang website của trường", ông Thái chia sẻ.
Còn Trường ĐH Việt Đức có 5 ngành kỹ thuật: cơ khí, khoa học máy tính, điện điện tử, xây dựng, kiến trúc, theo PGS-TS Hưng. "Chúng tôi cũng tuyển sinh giống như trường khác. Tuy nhiên, quan trọng nhất là kỳ thi đánh giá năng lực, chúng tôi lấy theo quy chuẩn của Đức, bài kiểm tra TestAS được tổ chức vào tháng 5 tới. Năm nay, các em nào nộp ngành xây dựng của ĐH Việt Đức thì có học bổng của nhà trường", ông Hưng chia sẻ.
Cơ hội việc làm cho sinh viên ngành điện công nghiệp
Tiến sĩ Nhân nhấn mạnh: “Tôi xin khẳng định là nhân lực đào tạo không đủ cung cấp cho thị trường, bây giờ có ngành năng lượng gió, năng lượng mặt trời, lương hấp dẫn mà không tuyển đủ người làm. Nhu cầu kỹ sư ngành điện rất cao và rất cao”.
Cuộc cách mạng 4.0 gây ảnh hưởng đến ngành điện điện tử như thế nào?
Theo tiến sĩ Nhân, ngành điện điện tử có những mảng như hệ thống điện trong công ty điện lực, nhà máy phát điện, nhà máy thủy điện,tòa nhà, nhà xưởng nên rất cần kỹ sư bảo trì bảo dưỡng. “Chưa kể đến lĩnh vực sản xuất các thiết bị điện, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời). Chúng ta cũng có mảng sale, kinh doanh các sản phẩm điện điện tử… Rất nhiều vị trí này không thể nào bị ảnh hưởng bởi cuộc cách mạng 4.0”, ông Nhân chia sẻ.
Bình luận (0)