Vì sao 2 bệnh nhân Covid-19 ở Đà Nẵng xuất viện sau 5 ngày điều trị?

An Dy
An Dy
28/08/2020 07:12 GMT+7

Việc 2 bệnh nhân 1.012 và 1.013 ở Đà Nẵng được xuất viện chỉ sau 5 ngày công bố bệnh và điều trị đã dấy lên sự băn khoăn, thắc mắc của nhiều người về quy trình điều trị, cách ly bệnh nhân.

Ngày 26.8, trong số 34 bệnh nhân (BN) Covid-19 được xuất viện, có 2 trường hợp đáng chú ý là BN 1.012 và 1.013 (là 2 tiểu thương ở chợ tại Đà Nẵng).
Trước đó, ngày 20.8, 2 BN này nằm trong số 1.885 tiểu thương của 9 chợ truyền thống trên địa bàn Q.Thanh Khê được tiến hành xét nghiệm diện rộng, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc tại chợ Siêu Thị (P.Chính Gián, Q.Thanh Khê, Đà Nẵng).
Đến ngày 21.8, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP.Đà Nẵng tiến hành xét nghiệm đã khẳng định cả 2 BN đều dương tính. Ngày 22.8, BN được Bộ Y tế công bố bệnh và đưa đến BV dã chiến Hòa Vang (Đà Nẵng) theo dõi. Tại các lần lấy mẫu xét nghiệm lần lượt cách 24 giờ (ngày 22, 24, 26.8) đều cho kết quả âm tính. Chiều 26.8, 2 BN trên được cho xuất viện.

Đà Nẵng có trường hợp tái dương tính Covid-19 đầu tiên

Do thay đổi quy trình chẩn đoán và điều trị

Liên quan đến việc được xuất viện khá nhanh chóng, bác sĩ (BS) Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc BV dã chiến Hòa Vang, khẳng định: “Không BS nào đặt bút ký quyết định công nhận BN khỏi bệnh và cho ra viện mà không từ kiến thức chuyên môn”.
Theo đó, BS Vĩnh cho biết các BN Covid-19 tại BV được xét nghiệm và theo dõi điều trị theo “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 do chủng vi rút Corona mới (SARS-CoV-2)” do Bộ Y tế ban hành ngày 29.7.2020. Hướng dẫn này do PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, ký, thay thế cho hướng dẫn ban hành ngày 25.3.2020.
Theo hướng dẫn mới, 2 BN nói trên thuộc nhóm không có triệu chứng lâm sàng cụ thể, không sốt và các dấu hiệu sinh tồn ổn định, xét nghiệm máu bình thường, X-quang phổi ổn định. Đặc biệt là 3 mẫu bệnh phẩm (lấy cách nhau 24 giờ) xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR cho kết quả âm tính với Covid-19 nên đảm bảo các tiêu chuẩn được công bố khỏi bệnh, xuất viện.
Còn bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho rằng quyết định cho ra viện là quyết định của BV điều trị với hội đồng tư vấn chuyên môn sâu. Sau khi xuất viện, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người bệnh phải tiếp tục được cách ly phù hợp tại nhà dưới sự giám sát của y tế cơ sở và CDC địa phương thêm 14 ngày nữa, và theo dõi thân nhiệt tại nhà 2 lần/ngày. Nếu thân nhiệt cao hơn 38 độ C ở hai lần đo liên tiếp hoặc có các dấu hiệu bất thường khác, phải đến khám ngay tại cơ sở y tế.

Tình hình Covid-19 tại Việt Nam sáng 28.8: Không có ca mắc mới, 12 bệnh nhân tiên lượng nặng

Cho phép người dân trở lại thành phố

Từ hôm nay 28.8, Đà Nẵng tổ chức hỗ trợ người dân có nhu cầu trở về TP trong bối cảnh vẫn đang thực hiện việc cách ly xã hội theo Chỉ thị 16.
Theo hướng dẫn được UBND TP ban hành, người dân về đến các điểm chốt trước khi vào TP phải có giấy xác nhận của cơ quan chức năng (UBND hoặc cơ quan công an xã, phường, thị trấn…) về nơi đã tạm trú, lưu trú, công tác, học tập trước khi trở về Đà Nẵng; thực hiện khai báo y tế tại điểm chốt và sẵn sàng thực hiện cách ly y tế theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Sở Y tế chủ trì, phối hợp Công an TP và các cơ quan, địa phương liên quan bố trí lực lượng tại vị trí tiếp nhận, kiểm tra sức khỏe ban đầu, hướng dẫn công dân thực hiện khai báo y tế, phân loại theo nhóm để thực hiện biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Theo đó, công dân từ các tỉnh, TP có trường hợp bệnh lây lan trong cộng đồng chưa qua 14 ngày, tính từ ngày đến Đà Nẵng, thì thực hiện cách ly y tế tập trung đủ 14 ngày kể từ ngày đến Đà Nẵng; công dân từ tỉnh, TP có trường hợp bệnh lây lan trong cộng đồng trên 14 ngày và các địa phương không có trường hợp nào mắc bệnh thì thực hiện biện pháp phòng, chống dịch tại TP theo quy định, khai báo y tế, tự theo dõi sức khỏe tại địa phương, nếu có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo cho cơ quan y tế, chính quyền địa phương để được tư vấn và áp dụng biện pháp phòng, chống dịch.
Sở Y tế và các ngành liên quan phối hợp triển khai tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho người ngoại tỉnh đang cư trú tại Đà Nẵng có nguyện vọng trở về nơi cư trú và học sinh, sinh viên đến nhập học tại trường thuộc tỉnh, TP khác…
Cùng ngày, Đà Nẵng cho biết từ 21 - 27.8, TP đã xét nghiệm cho 3.211 người nước ngoài, trong đó có 2.198 người nước ngoài được lấy mẫu xét nghiệm vừa kháng thể vừa kháng nguyên; kết quả toàn bộ 3.211 người âm tính.
Hoàng Sơn 

Tổng hợp Covid-19 ngày 27.8: Chiến đấu giành sự sống cho nhiều bệnh nhân nguy kịch

“Đường dây nóng” cháy máy vì thắc mắc

Liên quan đến việc ra viện nhanh chóng của 2 ca F0 này, hàng loạt cuộc điện thoại thắc mắc gọi đến đường dây nóng phòng chống dịch Covid-19 Đà Nẵng trong những ngày qua. BS Dương Thái Thu Hải (người trực tiếp tổ chức lấy mẫu diện rộng, phát hiện trường hợp tiểu thương các chợ trên địa bàn Q.Thanh Khê) kể rằng đường dây nóng của đơn vị cũng “cháy” máy, khi người dân liên tục thắc mắc sao F1 lại về sau F0 đến 8 ngày. Đơn vị đã giải thích cho bà con, chủ yếu là người nhà của trường hợp F1, F2 liên quan đến BN nói trên và người dân có liên quan đến các chợ trên địa bàn Q.Thanh Khê có ca dương tính, để họ được yên tâm.
“F1 là các trường hợp tiếp xúc gần, phải khoanh vùng theo dõi 14 ngày. Còn F0 đã nhiễm bệnh trước ngày được lấy mẫu xét nghiệm, nên căn cứ theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, điều trị đảm bảo 3 lần âm tính, không còn biểu hiện lâm sàng...”, BS Hải nói. Theo BS Hải, người có triệu chứng và triệu chứng nặng thì quá trình điều trị kéo dài hơn; còn người không có triệu chứng, không sốt, không ho thì áp dụng quy trình xét nghiệm 3 lần cách nhau ít nhất 24 tiếng.
Về vấn đề này, bà Ngô Thị Kim Yến chia sẻ thêm: “Cần phân biệt 2 phạm trù BN nhiễm F0 và F1 tiếp xúc gần. Theo đó, F1 sẽ căn cứ vào thời gian ủ bệnh, phải theo dõi từ 2 - 14 ngày. Còn khi ca bệnh xác nhận dương tính là F0 thì căn cứ vào hướng dẫn, phác đồ điều trị mới nhất đối với ca bệnh dương tính của Bộ Y tế, trên cơ sở xét nghiệm khoa học. Các tiêu chuẩn xuất viện và tiêu chuẩn sau xuất viện đối với BN tại Đà Nẵng vẫn đảm bảo theo quy trình hướng dẫn của Bộ Y tế”.

Đà Nẵng, Quảng Nam có ca tái dương tính đầu tiên

Ngày 27.8, CDC Đà Nẵng cho biết trên địa bàn đã xuất hiện ca tái dương tính đầu tiên sau khi khỏi bệnh, xuất viện. Cụ thể, BN 424 là hộ lý làm việc tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc (BV Đà Nẵng), phát hiện mắc bệnh vào ngày 27.7 và đã khỏi bệnh (có 3 lần âm tính với Covid-19 và được BV Phổi Đà Nẵng công bố khỏi bệnh), xuất viện ngày 10.8. Trong thời gian cách ly tại nhà, BN thực hiện cách ly tuyệt đối ở phòng riêng và không tiếp xúc với người thân. Đến ngày 24.8 (kết thúc 14 ngày cách ly theo quy định), BN 424 được CDC Đà Nẵng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR theo quy định và cho kết quả dương tính. Theo các chuyên gia y tế, tạm thời BN 424 sẽ không áp dụng biện pháp xử lý như đối với một ca nhiễm mới, mà xử lý như một ca F1 nguy cơ cao. BN 424 và những người thân trong gia đình tiếp tục được đưa đi cách ly theo 2 nhóm riêng biệt tại cơ sở cách ly y tế. Đến chiều 27.8, BN 424 có kết quả dương tính lần 1 với phương pháp test Elisa (test kháng thể trong máu). Cũng trong ngày 27.8 BN được lấy mẫu dịch hầu họng xét nghiệm RT-PCR lại cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Riêng 3 người thân trong gia đình BN 424 cũng đã được xét nghiệm RT-PCR và cho kết quả âm tính, sau đó được chuyển về theo dõi cách ly tại nhà với sự hỗ trợ giám sát sức khỏe của y tế địa phương.
Trước đó, Quảng Nam cũng ghi nhận ca tái dương tính sau 4 ngày được công bố khỏi bệnh, xuất viện về nhà, là trường hợp BN 564 (ở H.Quế Sơn, Quảng Nam). Hiện BN được điều trị tại BV đa khoa T.Ư Quảng Nam.
An Dy - Mạnh Cường
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.