Đằng sau câu chuyện kỳ lạ này không chỉ là việc thủ tục xuất khẩu không hợp lệ mà còn là kế hoạch “thâu tóm” máy bay đầy bất thường từ một "quỹ kền kền" nước ngoài.
Kịch bản “thâu tóm” máy bay
Được biết, 4 chiếc A321 này sản xuất theo đặt hàng riêng của một hãng hàng không trong nước, trên cơ sở phương thức thuê mua máy bay với các công ty tài chính Nhật Bản, do các ngân hàng nước ngoài dàn xếp và tài trợ vốn. Hãng bay Việt Nam đã trả số tiền thuê mua và mua phần vốn đối ứng với giá trị hơn 76 triệu USD.
Song bất ngờ vào tháng 11.2021 - giữa lúc dịch bệnh Covid-19 căng thẳng nhất, các thành phố của Việt Nam, nhất là TP.HCM phải giãn cách nghiêm ngặt - các ngân hàng nước ngoài đã đột ngột đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê mua và bán khoản vay kèm theo tài sản đảm bảo là máy bay cho Fitzwalter Capital Partners (Financial Trading) Limited (gọi tắt là FWC).
Từ đây, kế hoạch thâu tóm tinh vi, chuẩn bị kỹ lưỡng đã được bắt đầu. Điểm bất thường đầu tiên là FWC chỉ mới được thành lập tháng 9.2021, trước thời điểm mua lại khoản vay chỉ hơn 1 tháng.
Nhưng điều thật sự khó hiểu là các ngân hàng nổi tiếng và uy tín lâu đời dù đã thống nhất với hãng hàng không giãn khoản thanh toán 7 triệu USD (cho tổng 1 kỳ thanh toán của 4 chiếc A321) trong thời gian giãn cách xã hội, lại đột ngột bán khoản vay hàng trăm triệu USD cho một công ty có tuổi đời chỉ vỏn vẹn hơn 1 tháng tuổi?
FWC tự giới thiệu mình là một công ty đầu tư tư nhân toàn cầu, đầu tư đa dạng ngành nghề, lĩnh vực và tài sản, bao gồm cả máy bay nhưng không cho thấy FWC có bất kỳ hoạt động đầu tư cụ thể nào. Công ty này cũng không hề sở hữu bất kỳ máy bay nào hay có bất kỳ hoạt động nào liên quan đến hàng không hay cho thuê máy bay.
Các luật sư của hãng hàng không cho rằng việc chấm dứt hợp đồng thuê kèm quyền mua 4 chiếc A321 của các ngân hàng là hoàn toàn bất hợp pháp. Đạo đức kinh doanh và thông lệ cũng không cho phép ngân hàng đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê mua dài hạn, ổn định mà hãng hàng không đang thanh toán đều đặn cho ngân hàng, nhất là khi đã đồng ý giãn 1 kỳ thanh toán.
Tìm hiểu sâu hơn về FWC và quá trình thâu tóm 4 máy bay trên càng thấy bất thường. FWC sau khi mua lại khoản vay từ ngân hàng đã chuyển giao quyền cho FW Aviation (Holdings) 1 Limited (gọi tắt là FWA) - một quỹ mới tinh được thành lập vào tháng 10.2021, một tháng trước sự việc chấm dứt hợp đồng không hợp lệ của ngân hàng, nhằm mục đích chiếm hữu máy bay đang khai thác của hãng hàng không với giá rẻ mạt.
Hiện nay, FWA và hãng bay Việt Nam là các bên liên quan trong vụ tranh chấp tại Tòa án Anh, song chưa có lịch xét xử.
Trong thời gian chờ phán quyết cuối cùng của Tòa án Anh, FWA và hãng hàng không của Việt Nam thống nhất tạm thời bàn giao các máy bay trên cơ sở “nguyên trạng và tại chỗ” nhằm mục đích giảm thiểu chi phí, thiệt hại phát sinh. Đồng thời, tạo tiền đề thiện chí phục vụ cho dự định đàm phán thương mại giữa hai bên để máy bay tiếp tục được khai thác trong khi chờ quyết định cuối cùng giữa các bên hoặc của tòa án.
Tuy nhiên, ngay sau khi nhận bàn giao các máy bay và hồ sơ kỹ thuật đi kèm, FWA đã nhanh chóng tiến hành xóa đăng ký quốc tịch Việt Nam và đăng ký quốc tịch Guernsey, một hòn đảo nhỏ, cho cả 4 chiếc A321.
Điểm bất thường nữa là tên 4 công ty sở hữu 4 máy bay trên là FWA 8906, FWA 8937, FWA 8577, FWA 8592 được đặt tên theo mã số xuất xưởng của 4 máy bay. Song khi 4 công ty trên được thành lập (ngày 27.10.2021), FWC chưa hề mua lại các khoản vay từ các ngân hàng.
Câu hỏi là tại sao FWA có thể “tiên đoán" trước được họ sẽ sở hữu các máy bay trong tương lai để mà đặt tên các công ty trùng khớp như vậy tại thời điểm thành lập?
Phải chăng đã có sự thỏa thuận ngầm giữa các "ông chủ" của FitzWalter với các ngân hàng chủ nợ của hãng hàng không Việt Nam về việc mua bán các khoản vay trước đó? Mục đích đặc biệt của các công ty này chính là để cưỡng chiếm máy bay, mà việc đưa tranh chấp ra Tòa án Anh là một phần trong kế hoạch được xây dựng công phu, tỉ mỉ và được khởi động vào thời điểm các hãng bay toàn cầu dễ tổn thương nhất bởi đại dịch Covid-19.
FWA đang muốn “xuất khẩu chui” máy bay khỏi Việt Nam?
Với quá trình thâu tóm 4 chiếc A321 đầy bất thường, FWA đang muốn đẩy nhanh việc mang máy bay ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, “danh không chính nên ngôn bất thuận”, khi nộp hồ sơ xin thay đổi quốc tịch máy bay từ Việt Nam sang Guersney, FWA đã không xin Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay xuất khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Do máy bay đã đăng ký quốc tịch Guersney, nên Cục Hàng không Việt Nam không còn quyền tài phán với máy bay mang quốc tịch nước khác và không thể cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay xuất khẩu theo quy định tại Thông tư 01/2011/TT-BGTVT của Bộ GTVT.
Trong một văn bản trả lời FWA, Cục Hàng không nêu rõ “không nhận được đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay xuất khẩu theo quy định” cho FWA. Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 19 luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 và điểm a, khoản 1 Điều 10 Nghị định số 68/2915/NĐ-CP, một trong các điều kiện để xuất khẩu máy bay là “có Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay xuất khẩu còn hiệu lực do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp”.
Được biết, Cục Hàng không và Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) đều đã có công văn khẳng định Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay xuất khẩu còn hiệu lực là yêu cầu bắt buộc để làm thủ tục xuất khẩu máy bay.
Để trốn thủ tục, FWA đã xin Cục Hàng không cấp phép bay ferry (bay chuyển vùng quốc tế), nhằm đưa máy bay ra khỏi Việt Nam mà không cần làm thủ tục xuất khẩu. Trường hợp FWA đưa máy bay ra khỏi Việt Nam trong lúc chờ phán quyết của tòa án, hệ lụy về thuế có thể tính tới hàng trăm triệu USD.
Các chuyên gia pháp lý cũng khẳng định, 4 máy bay trên không được phép bay ra khỏi lãnh thổ Việt Nam mà không làm thủ tục xuất khẩu. Lý do theo khoản 4 Điều 39 luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006, trong trường hợp các bên cho rằng hợp đồng thuê máy bay đã chấm dứt hiệu lực thì phải thực hiện “tái xuất máy bay thuê” chứ không phải là thực hiện bay ferry.
Ngoài ra, Nghị định 125/2015/NĐ-CP của Chính phủ yêu cầu “phép bay” phải nêu rõ mục đích chuyến bay, nếu FWA chỉ xin ghi mục đích bay là ferry trong phép bay là không đúng quy định. Như vậy, FWA không thể “xuất khẩu chui" bằng hình thức bay ferry mà vẫn phải xin Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay xuất khẩu.
Hiện, tòa kinh tế tại Việt Nam đã thụ lý đơn khởi kiện của hãng hàng không đối với các ngân hàng nước ngoài về việc chấm dứt bất hợp pháp các hợp đồng thuê mua máy bay trong thời gian giãn cách xã hội gây thiệt hại cho hãng hàng không, khiến những máy bay mới trong đội máy bay của Việt Nam phải tạm ngưng hoạt động. Như vậy, 4 máy bay này đang là tài sản, đối tượng tranh chấp của vụ kiện đang thụ lý tại Việt Nam.
Những điểm bất thường trong vụ tranh chấp giữa FWA và hãng bay Việt Nam cũng cho thấy, đang xuất hiện một cách thức mới để thâu tóm bất hợp pháp và trốn xuất khẩu tài sản của Việt Nam, mang tài sản trái phép khỏi Việt Nam trong lúc tòa án chưa có phán quyết.
Bình luận (0)