Dự thảo luật Đất đai (sửa đổi):

Vì sao bãi bỏ cơ chế đặc thù phát triển một số địa phương?

20/10/2023 06:40 GMT+7

Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển một số địa phương như Khánh Hòa, Cần Thơ, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An… Thế nhưng, dự thảo luật Đất đai (sửa đổi) lại bãi bỏ một số nội dung liên quan quản lý, sử dụng đất đai tại các Nghị quyết đặc thù cho các tỉnh, thành trên.

Chưa tổng kết đã đòi bãi bỏ

Điều 261 của dự thảo luật Đất đai (sửa đổi) quy định: bãi bỏ một số điều của các luật có liên quan đến đất đai và bãi bỏ Nghị quyết, một số nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai của các Nghị quyết của Quốc hội cho các tỉnh thành, thành phố là Hải Phòng, Nghệ An, Cần Thơ, Thanh Hóa, Khánh Hòa. Quy định này đang khiến nhiều địa phương bất ngờ.

Vì sao bãi bỏ cơ chế đặc thù phát triển một số địa phương ? - Ảnh 1.

Quy định quản lý, sử dụng đất đai của các Nghị quyết đặc thù cho một số địa phương đang thực hiện lại bị dự thảo luật Đất đai (sửa đổi) bãi bỏ

BÁ DUY

Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ lần thứ 2 tổ chức ngày 11.10 vừa qua ở Đà Nẵng, Bí thư tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh nói thẳng: Nghị quyết thí điểm một số cơ chế cho các địa phương này xuất phát từ yêu cầu của Bộ Chính trị tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị.

"Tôi suy nghĩ rằng các cơ chế thí điểm chính là tạo ra các không gian phát triển mới, để khắc phục những điểm nghẽn thì bây giờ mình lại bỏ đi. Đã là thí điểm thì phải có sơ kết tổng kết để xem có hợp lý hay không? Nhưng mà hiện nay báo cáo Phó thủ tướng là không đưa vào", ông Ninh dẫn chứng.

Theo lãnh đạo một số địa phương, quy định bãi bỏ ở điều 261 của dự thảo luật Đất đai (sửa đổi) là không phù hợp.

Cụ thể, điều 123 của dự thảo quy định: "Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên sang mục đích khác sau khi có nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua và phù hợp với quy định tại điều 117 của luật này, trừ trường hợp sử dụng đất thực hiện dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng, Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, pháp luật về dầu khí. Việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất phải tuân thủ theo tiêu chí, điều kiện do Chính phủ quy định".

Như vậy, dự thảo không áp dụng đối với dự án do Thủ tướng hoặc Quốc hội quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư.

Trong khi đó, những cơ chế thí điểm trong các nghị quyết đặc thù đối với Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng, Cần Thơ, Khánh Hòa… được áp dụng không phụ thuộc vào loại dự án thuộc thẩm quyền quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng hoặc Quốc hội. Có thể hiểu những dự án thuộc thẩm quyền quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng thì HĐND cấp tỉnh cũng được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng và chuyển mục đích sử dụng rừng.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất phải tuân thủ theo tiêu chí, điều kiện do Chính phủ quy định. Những tiêu chí và điều kiện này có thể quy định khác với tiêu chí và điều kiện trong các nghị quyết thí điểm cho các tỉnh thành.

Ngoài nội dung chuyển mục đích sử dụng rừng và chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất lúa thì Nghị quyết số 55/2022/QH15 đối với Khánh Hòa còn quy định nội dung quản lý đất đai khác mà dự thảo luật Đất đai hiện chưa có quy định.

Đó là cho phép thực hiện điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất trước khi thu hồi; thủ tục đặc biệt để tách dự án bồi thường giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công… Vì vậy, nếu quy định trên được ban hành, những dự án đang trong quá trình thực hiện lại thiếu quy định để thực thi.

Bãi bỏ ngang xương, nhà đầu tư, địa phương phải làm sao ?

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu, đã là Nghị quyết đặc thù, thí điểm thì phải được thực hiện theo thời gian đã ban hành. Sau thời gian thí điểm sẽ phải sơ kết, tổng kết và đánh giá lại những mặt được, chưa được. Từ đó mới có thể đưa ra quyết định tiếp tục thực hiện hay sửa đổi hoặc bãi bỏ toàn bộ các quy định trong các nghị quyết đặc thù để phát triển các địa phương. Đó là chưa kể đã gọi quy định đặc thù nghĩa là chưa có trong các quy định hiện hành.

Cho nên, nếu đang áp dụng mà bị bãi bỏ thì địa phương, nhà đầu tư sẽ phải làm sao? Do vậy, dự thảo luật Đất đai (sửa đổi) không thể quy định bãi bỏ các nội dung về quản lý, sử dụng đất đai tại các nghị quyết đặc thù phát triển một số địa phương như Khánh Hòa, Cần Thơ, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An… mà Quốc hội đã ban hành.

Đồng tình, luật sư Bùi Quang Nghiêm, thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM, nhận định các nghị quyết thí điểm của Quốc hội thời gian qua dành cho một số địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung là dựa trên đặc điểm, đặc thù của từng vùng miền. Các nghị quyết này đã "mở" ra nhiều chính sách thông thoáng để địa phương mạnh dạn thu hút đầu tư thông qua việc quản lý, sử dụng đất đai linh hoạt, phù hợp hơn. Đáng chú ý, những nghị quyết này chỉ mới được ban hành trong thời gian ngắn 1 - 2 năm. Nếu bãi bỏ thì sẽ gây ách tắc cho nhiều dự án, nhà đầu tư, từ đó cũng gây khó khăn cho cả địa phương trong phát triển kinh tế xã hội.

"Dự thảo luật Đất đai bãi bỏ các nội dung về quản lý, sử dụng đất đai tại các nghị quyết đặc thù phát triển một số địa phương như Khánh Hòa, Cần Thơ, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An… sẽ khiến cho các chính sách của Quốc hội không có tính đảm bảo liên tục, ổn định và nhất quán. Do đó, không nên quy định như vậy mà cần để các nghị quyết thực hiện hết thời gian hiệu lực và sau đó có tổng kết, đánh giá để rút kinh nghiệm", luật sư Bùi Quang Nghiêm nói.

Đồng quan điểm, PGS-TS Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhấn mạnh: Thông thường, những nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù sẽ có tổng kết, báo cáo đánh giá kỹ trước khi ban hành luật.

"Đã có thí điểm phải có tổng kết, đánh giá. Chúng ta đã làm được gì sau thời gian có chính sách xé rào cho địa phương đó. Người dân và địa phương đó hưởng lợi được gì, ngân sách nhà nước thu về từ cơ chế đặc thù đó tăng hay không, tăng như thế nào. Khi xây dựng luật, nhà làm luật phải lấy ý kiến nhân dân rộng rãi, đặc biệt, ý kiến của HĐND các địa phương đã và đang được áp dụng cơ chế đặc thù này. Ở đây, cơ quan quản lý tài nguyên môi trường và chính quyền địa phương đã có báo cáo đánh giá từ cơ chế đặc thù trong quản lý đất đai chưa? Ủy ban Pháp luật Quốc hội và Ủy ban Kinh tế Quốc hội sẽ dựa vào các báo cáo đánh giá này để thông qua luật hay không? Việc bỏ luôn các cơ chế đặc thù mà chưa có sự đánh giá chuyên môn phối hợp với địa phương là chưa ổn. Cần có sự đánh giá kỹ càng hơn, nếu thấy hiệu quả và nhằm thúc đẩy phát triển cho vùng, địa phương, nên có cơ chế mở khi xây dựng luật", PGS-TS Đinh Xuân Thảo nói.

Nghị quyết Quốc hội liên quan một số cơ chế chính sách đặc thù trong quản lý, sử dụng đất đai tại một số tỉnh vùng duyên hải miền Trung nhằm kích thích, đẩy mạnh phát triển các địa phương này, từ đó lan tỏa ra toàn vùng. Ví dụ, tại Cần Thơ, cần có một số chính sách đẩy mạnh phát triển, tạo đà phát triển cho vùng Tây Nam bộ. Hay Khánh Hòa phát triển sẽ thúc đẩy dọc dài vùng Bắc Trung bộ... Việc mở ra nhiều cơ chế đặc thù đã thu hút đầu tư vào một số địa phương khá tốt, có thể nói làm thay đổi bộ mặt một số nơi trong thời gian ngắn.

PGS-TS Đinh Xuân Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.