Vì sao bỏ quy định về chương trình đào tạo chất lượng cao?

Quý Hiên
Quý Hiên
20/06/2023 06:05 GMT+7

Điều dễ thấy nhất trong thông tư bãi bỏ quy định chương trình chất lượng cao là có những chương trình đào tạo được thu học phí không phải tuân thủ khung mà nhà nước đã định.

CHƯƠNG TRÌNH CHẤT LƯỢNG CAO: TỰ CÁC TRƯỜNG QUY ĐỊNH

Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 15.6, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 11/2023/TT-BGDĐT về việc bãi bỏ Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT (ban hành năm 2014) quy định về đào tạo chất lượng cao (CLC) trình độ đại học.

Thông tư 11 có hiệu lực từ ngày 1.12 năm nay, các khóa đã tuyển sinh trước thời điểm này được tiếp tục thực hiện cho đến hết khóa học theo các quy định tại Thông tư 23. Theo Bộ GD-ĐT, việc bãi bỏ toàn bộ Thông tư 23 là thực hiện luật Giáo dục đại học (GDĐH) sửa đổi (còn được gọi là luật 34) ban hành năm 2018.

Theo Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT (ban hành ngày 22.6.2021) quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của GDĐH, thì việc phát triển các loại chương trình đào tạo khác nhau thuộc quyền tự chủ của các cơ sở GDĐH (gọi chung là trường ĐH), đảm bảo tuân thủ các quy định về chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của GDĐH theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Vì sao bỏ chương trình đào tạo chất lượng cao? - Ảnh 1.

Sinh viên chương trình chất lượng cao Trường ĐH Bách khoa TP.HCM

ĐÀO NGỌC THẠCH

Tuy nhiên, quy định của Bộ GD-ĐT chỉ là những yêu cầu có mức "sàn". Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường ĐH xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo có các yêu cầu về chuẩn đầu vào, chuẩn đầu ra cao hơn so với chuẩn do Bộ GD-ĐT quy định. Các trường có trách nhiệm công khai, minh bạch thông tin đối với các chương trình đào tạo do trường cung cấp.

Bộ GD-ĐT khẳng định việc bãi bỏ Thông tư 23 không có nghĩa là các trường ĐH không còn hay không được triển khai các "chương trình CLC". Điều này cũng không ảnh hưởng tới việc tuyển sinh và đào tạo các chương trình khác của các trường ĐH. Các trường ĐH thực hiện quyền tự chủ trong việc xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo. Nhưng dù với tên gọi là gì cũng cần đảm bảo tuân thủ các quy định về chuẩn chương trình đào tạo, đảm bảo chất lượng, các điều kiện dạy và học…

Mặt khác, Bộ GD-ĐT cũng cho biết, về học phí, các trường xác định và thực hiện theo các quy định của Chính phủ tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27.8.2021.

KHI KHÁC BIỆT LỚN NHẤT LÀ VỀ HỌC PHÍ

Theo nhiều chuyên gia, lý do quan trọng để năm 2014 Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 23 là thực hiện chủ trương của Chính phủ "cởi trói" cho nhiều trường ĐH trong việc thu học phí (HP). Trước và sau thời điểm ban hành Thông tư 23, các trường ĐH công lập chỉ được phép thu HP trong khung do Chính phủ quy định (từ tháng 7.2010 thực hiện theo Nghị định 49, từ tháng 12.2015 thực hiện theo Nghị định 86).

Thực ra, việc "cởi trói" này được bắt đầu đồng thời bằng Nghị quyết 77/NQ-CP do Chính phủ ban hành ngày 24.10.2014, về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở GDĐH công lập giai đoạn 2014 - 2017. Nghị quyết 77 nhằm khuyến khích các trường ĐH công lập chủ động khai thác, sử dụng hợp lý nguồn kinh phí của ngân sách nhà nước, tăng cường thu hút các nguồn kinh phí ngoài ngân sách (về sau cho thấy giải pháp "tăng cường" này chủ yếu là tăng HP).

Theo Nghị quyết 77, trường ĐH công lập khi cam kết tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện. Tuy nhiên, cả nước chỉ có 23 trường ĐH được thực hiện thí điểm tự chủ ĐH (đồng nghĩa với được thu HP vượt khung Nghị định 86). Còn Thông tư 23 mang lại cơ hội cho phần lớn các trường ĐH trong hệ thống.

Vì sao bỏ chương trình đào tạo chất lượng cao? - Ảnh 2.

Bộ GD-ĐT khẳng định việc bãi bỏ Thông tư 23 không có nghĩa là các trường ĐH không còn hay không được triển khai các "chương trình chất lượng cao"

ĐÀO NGỌC THẠCH

Ngay từ định nghĩa, Thông tư 23 cũng đã đưa yếu tố "học phí" vào như một chỉ dấu để phân biệt chương trình đào tạo ĐH đại trà và chương trình CLC. Theo đó, chương trình đào tạo đại trà là chương trình có mức trần HP theo quy định hiện hành của Chính phủ; còn chương trình CLC không buộc phải tuân thủ quy định này. Thay vào đó, trường ĐH được phép tự xác định mức HP cho chương trình CLC trên nguyên tắc "tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo cho toàn khóa học"; trường ĐH được phép xây dựng lộ trình điều chỉnh mức HP cho những khóa học tiếp theo (nếu cần thiết)…

Nghị định 86 được Chính phủ ban hành tháng 10.2015 (sau khi có Thông tư 23) cũng đã chính thức đưa nội dung quy định về HP đối với chương trình đào tạo CLC vào. Theo đó, các trường ĐH công có chương trình CLC được chủ động xây dựng mức HP phù hợp cùng với hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để bảo đảm đủ trang trải chi phí đào tạo.

Với luật GDĐH, quyền tự chủ của các trường ĐH đã được mở rộng, quyền tự chủ được nới đến đâu thì khung HP được mở đến đó. Nghị định 81 không bắt buộc tất cả các trường ĐH công lập phải thu HP theo một khung do Chính phủ quy định, mà mở ra nhiều trường hợp. Với trường đã tự chủ, trần HP được thu cao từ gấp đôi đến 2,5 lần so với mức trần HP trường chưa tự chủ.

Ngoài ra, Nghị định 81 còn có quy định thu HP với chương trình đào tạo chưa kiểm định hay đã kiểm định. Với các chương trình đã được kiểm định thì ngay với trường chưa tự chủ, trường cũng được quyền tự xác định mức thu HP cho chương trình đó trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật do chính trường ban hành. 

Hết vai trò "lịch sử"

PGS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, là Vụ trưởng Vụ GDĐH, Bộ GD-ĐT thời điểm Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 23, cho biết hồi ấy Chính phủ mong muốn tạo được những đòn bẩy để nâng cao chất lượng nền GDĐH, nên đã hợp tác đầu tư với nhiều nước khác xây dựng một số trường ĐH xuất sắc. Đồng thời, Bộ GD-ĐT đã triển khai đề án chương trình tiên tiến để xây dựng một số ngành mạnh trong các trường ĐH (trong giai đoạn đầu có 23 trường tham gia với 37 chương trình đào tạo), chương trình này do nhà nước đầu tư.

Tuy nhiên, khi triển khai thì thấy khó mở rộng, do nguồn lực có hạn. "Bộ GD-ĐT đã nhận thấy có thể nâng cao chất lượng đào tạo một số ngành trong các trường ĐH mà nhà nước không cần phải đầu tư quá nhiều tiền bằng cách cho phép mở ra các chương trình đào tạo CLC. Cùng với diễn biến của lịch sử phát triển GDĐH, cùng với sự thay đổi của thời cuộc, thì việc Bộ GD-ĐT bỏ quy định tiêu chuẩn của trường CLC cũng là cái hợp lý", PGS Tuấn cho biết.

PGS Nguyễn Phong Điền, Phó giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng Thông tư 23 và nhiều quy định khác ra đời phù hợp với luật GDĐH 2012. Sau khi Quốc hội ban hành luật số 34 thì không chỉ Thông tư 23 mà một số quy định khác trở nên không còn phù hợp.

PGS Điền cũng bình luận thêm: "Trong công cuộc ban hành các chính sách nhằm phù hợp với sự chuyển đổi về cơ chế quản lý hiện nay trong GDĐH, chúng ta có rất nhiều "lỗ thủng", cần Bộ GD-ĐT và nhiều bộ khác phải cố gắng trong thời gian dài mới lấp được. Trong thời gian trước mắt, chúng ta sẽ phải chấp nhận sự tồn tại của nhiều văn bản mà nội dung có sự xung đột với luật, hoặc còn thiếu".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.