Vì sao bóng đá Bồ Đào Nha bén duyên Premier League ?

01/07/2022 08:40 GMT+7

Trong lần tập trung đội tuyển quốc gia gần đây nhất (ở loạt trận thuộc Nations League hồi đầu tháng 6), có đến 8 tuyển thủ Bồ Đào Nha đang chơi ở Premier League của Anh - nhiều hơn bất cứ giải VĐQG nào, gồm cả giải Primeira Liga của Bồ Đào Nha.

Trước đó cũng vậy. Trong 15 cầu thủ từng được gọi vào đội tuyển quốc gia trong vòng 12 tháng gần đây, nhưng không góp mặt ở loạt trận vừa qua, có đến 6 cầu thủ thuộc Premier League, còn Primeira Liga chỉ đóng góp 4 tuyển thủ!

Đấy là một trào lưu đã được khẳng định: giải Primeira Liga của Bồ Đào Nha (BĐN) đã bén duyên với giải đấu đắt giá nhất thế giới Premier League, trở thành nguồn cung cấp cầu thủ quan trọng cho Premier League. Kể cả khi không phải là tuyển thủ BĐN, nhưng một ngôi sao tỏa sáng ở BĐN thì cũng nghiễm nhiên trở thành “hàng hot” để các đại gia Premier League phải lưu ý. Darwin Nunez chẳng hạn. Đây là ngôi sao Uruguay khoác áo Benfica tại Primeira Liga. Anh vừa chuyển sang Liverpool với giá 85 triệu bảng - kỷ lục về giá chuyển nhượng trong lịch sử Liverpool.

Darwin Nunez (trái) chuyển đến Liverpool với giá kỷ lục

AFP

Ở tuổi 22, tiền vệ Fabio Vieira cũng gây chú ý khi anh vừa chuyển từ Porto sang Arsenal với giá 35 triệu bảng. Trong những ngày này, Wolverhampton và Fulham đang cạnh tranh nhau để có Joao Palhinha của Sporting Lisbon. Wolverhampton còn muốn có Matheus Nunes - đồng đội của Palhinha ở Sporting. Otavio (Porto) đang được Leeds và Aston Villa theo đuổi. Chelsea muốn có Evanilson (Porto)…

Vào thời “thế hệ vàng” của Luis Figo, Rui Costa, đội tuyển BĐN gần như xa lạ hoàn toàn với Premier League. Abel Xavier (Everton) là đại diện duy nhất của Premier League trong danh sách đội BĐN tại EURO 2000, và tất nhiên Xavier không phải là gương mặt tiêu biểu của “thế hệ vàng”. Luis Figo, Rui Costa, Fernando Couto, Paulo Sousa, Joao Pinto cả đời chỉ chơi bóng trong thế giới Latin (BĐN, Tây Ban Nha, Ý), cùng lắm thì có Sousa sang Đức, thậm chí Hy Lạp. Nhưng tuyệt nhiên họ không sang Anh.

Phải có lý do cho một sự trùng hợp xuyên suốt như vậy. Theo giới chuyên môn, trước tiên là do khác biệt về lối chơi. Thế hệ của Figo, Rui Costa gồm toàn các hảo thủ đậm đặc phẩm chất kỹ thuật và chơi rất sáng tạo. Nhưng họ đá chậm, bay bướm, theo hơi hướng trình diễn. Sân cỏ Anh thì luôn khốc liệt, với tốc độ chóng mặt.

Một là Premier League giờ đã thay đổi, theo chiều hướng bớt “chạy và sút”. Hai là bản thân bóng đá BĐN giờ cũng thay đổi. Họ vẫn còn nguyên giá trị kỹ thuật, nhưng đã hướng đến hiệu quả nhiều hơn. So với thời của Figo thì, quá rõ ràng, bóng đá BĐN bây giờ đã cải thiện được chỗ đứng trong bản đồ bóng đá đỉnh cao, nhờ hơn về hiệu quả. Và, như một lẽ tất yếu, các ngôi sao của Primeira Liga trở thành thương hiệu có sức hút lớn đối với các đội bóng Anh.

Cristiano Ronaldo đã đến M.U vào năm 2003. Nhưng chỉ đến khi Chelsea trải thảm đón “người đặc biệt” Jose Mourinho 1 năm sau đó, trào lưu “tiến sang Premier League” mới thật sự phát triển. Mourinho kéo theo các “đệ tử ruột” Ricardo Carvalho và Paulo Ferreira từ Porto. Chẳng những thế, ông còn tuyển mộ Nuno Morais và Tiago từ các CLB khác ở BĐN. Từ đó, Primeira Liga không ngừng cung cấp cho Premier League các ngôi sao không phải kiểm chứng về chất lượng. Bruno Fernandes vừa đến M.U đã lập tức phát huy giá trị trụ cột. Vai trò của Bernardo Silva, Joao Cancelo, Ruben Dias trong đội hình Man.City thì chẳng còn gì để bàn. Liverpool mới đây sẵn sàng bỏ cả hảo thủ Sadio Mane (bán sang Bayern Munich) vì họ đã có Diogo Jota…

Cuối cùng, sở dĩ Primeira Liga bén duyên, trở thành nguồn cung đắc lực cho Premier League là bởi chính các CLB hàng đầu của BĐN không bao giờ có ý định “trói” ngôi sao của họ. Hễ được giá là bán ngay. Porto, Benfica, Sporting đều là các CLB chuyên tự đào tạo cầu thủ và kinh doanh một cách hiệu quả. Đừng nói họ “bị chảy máu cầu thủ”, mà phải nói họ thường xuyên bán được cầu thủ. Phải bán để có tiền, và còn có chỗ cho tài năng khác vươn lên nữa chứ!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.