Vì sao các bệnh viện ở TP.HCM vẫn thiếu thuốc, vật tư y tế?

Duy Tính
Duy Tính
09/08/2024 04:01 GMT+7

Dù đã có thể chế chính sách đấu thầu, mua sắm, nhưng các bệnh viện vẫn thiếu thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế. Nguyên nhân do đâu?

Ngày 8.8, tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên làm việc với các bệnh viện thuộc Bộ này và một số bệnh viện của TP.HCM, bệnh viện thuộc lực lượng vũ trang về 3 vấn đề: tình hình khám chữa bệnh, thiếu thuốc và vật tư y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế đặt ra một loạt vấn đề liên quan đến thiếu thuốc, thiếu vật tư, thiếu trang thiết bị y tế. Ông hỏi: Về thể chế còn phải làm gì nữa? Còn về tổ chức thực hiện, các bệnh viện có kinh phí mua sắm không? Bệnh viện có xây dựng danh mục mua sắm, xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, đấu thầu, chấm thầu…?

Thiếu do đứt gãy cung ứng, bệnh gia tăng

Trả lời Thứ trưởng Bộ Y tế, giám đốc nhiều bệnh viện khẳng định việc thiếu thuốc, thiếu vật tư, thiếu trang thiết bị y tế cũng tùy thời điểm, tùy mặt hàng, thiếu cục bộ. Thiếu là do nhu cầu của người dân chứ không phải theo phác đồ của điều trị. Cho nên, việc mua sắm, cung ứng cho khám chữa bệnh là chưa bao giờ đủ, các bệnh viện không bao giờ hết khó khăn.

Vì sao các bệnh viện ở TP.HCM vẫn thiếu thuốc, vật tư y tế?- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên làm việc tại TP.HCM ngày 8.8

DUY TÍNH

Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, PGS-TS Lê Đình Thanh cho rằng: Bệnh viện vẫn thường xuyên đấu thầu, nhưng vì hiện nay bệnh nhân đổ về hết bệnh viện tuyến cuối, gây ra tình trạng thiếu thuốc cục bộ. Theo ông, bệnh nhân đổ dồn về tuyến cuối là bất cập, bởi bệnh viện tuyến cuối là phải điều trị chuyên sâu, nghiên cứu và chỉ đạo tuyến chứ không phải khám chữa bệnh các mặt bệnh cơ bản. Ông đặt vấn đề là tại sao các thuốc thông thường, trị bệnh mãn tính không đưa về tuyến cơ sở để người dân đến khám chữa bệnh.

"Do đó, xây dựng hệ thống y tế có thang bậc rất quan trọng trong vấn đề cung ứng và giải pháp khám chữa bệnh, để người dân không phải lên trên chờ đợi, chen lấn và gây ra thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế cục bộ như vậy", Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất nói.

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Quốc Bình, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy còn cho rằng, kể cả khi có hợp đồng thì vẫn có thể thiếu vì đơn vị trúng thầu không giao hàng kịp. Có lúc phát sinh những trường hợp cấp cứu thì vẫn có thể thiếu.

"Bệnh viện Chợ Rẫy tuyến cuối, nhu cầu của người bệnh biến đổi không ngừng. Gần đây, xu hướng người bệnh có tăng lên khoảng 11 - 12% so với 2 tháng trước. Điều này làm cho bệnh viện rất bị động trong việc đảm bảo cung ứng. Ví dụ bệnh viện dự trù cung ứng thuốc cho 1.000 bệnh nhân trong vòng 3 tháng, nhưng bây giờ lại hết sớm hơn, đó là một trong những bất lợi', TS Bình nói.

E ngại đấu thầu

Theo thống kê tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM thì khoảng 10 - 25% các danh mục thuốc, hóa chất xét nghiệm, vật tư y tế không đáp ứng được do đứt gãy chuỗi cung ứng trên cả nước là chính; trang thiết bị y tế thì đơn vị trúng thầu không cung cấp được.

"Vì thể chế đã mở và đầy đủ nên trong quá trình vận hành, bệnh viện đang sợ với những thiết bị lớn, kỹ thuật cao thì thường rơi vào tình huống 1 báo giá, 1 nhà sản xuất, tiêu chí kỹ thuật chỉ 1 nhà thầu đáp ứng. Không có cơ sở nào để so sánh giá, ở thời điểm này là giá này, ở thời điểm khác là giá khác. Bệnh viện đứng lên bảo vệ để phục vụ cho chuyên môn, nhưng không phải tiêu chí kỹ thuật nào cũng thể hiện được nó phục vụ chuyên môn. Nếu sau này vô hình trung thanh kiểm tra vào thì không biết nói như thế nào? Bệnh viện đang vướng như vậy ở các thiết bị lớn, dự án lớn sắp sửa triển khai trong thời gian tới nên đang rất lo ngại và rất chần chừ", đại diện Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM trình bày.

Vì sao các bệnh viện ở TP.HCM vẫn thiếu thuốc, vật tư y tế?- Ảnh 2.

Cung ứng thuốc cho bệnh nhân

DUY TÍNH

Bác sĩ Lê Trung Chánh, Giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương tại TP.HCM cũng chia sẻ: "Anh em cũng rất trăn trở, sợ, đó là tâm lý chung. Anh em bảo làm gì làm, đừng giao cho đấu thầu là được. Khó khăn nhất là thay vì làm chuyên môn thì phải đi đấu thầu quanh năm suốt tháng. Nhưng không làm thì không được".

Bác sĩ Châu Văn Đính, Giám đốc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM cũng cho rằng khi thiếu thuốc, vật tư thì bệnh viện mượn, được điều chuyển thì không thiếu.

Riêng dụng cụ kết hợp xương, bệnh nhân ở tỉnh lên rất nhiều và gây áp lực cho bệnh viện, có những thời điểm bệnh viện thiếu. Do vậy, bệnh viện "dũng cảm" mua sắm trực tiếp với số lượng không quá 30% so với gói thầu cũ theo quy định, nhưng cũng không đủ. Do đó, bệnh viện chuyển bệnh nhân qua các bệnh viện có khoa chấn thương chỉnh hình. Nhưng căn cơ là phải đấu thầu rộng rãi, đến giữa tháng 8 bệnh viện sẽ có những dụng cụ này.

Còn về khớp giả là đặc thù, giá trị cao, bệnh viện không dám mua sắm trực tiếp, chỉ còn cơ số dành cho bệnh nhân thay lại. Do dó, một số bệnh nhân cần thay mới phải chuyển qua cơ sở khác.

"Chúng tôi là những người làm chuyên môn, đội ngũ tham gia đấu thầu mặc dù có học hành nhưng ngắn. Đôi khi gặp một số câu chuyện thì anh em dao động rất nhiều, một số xin nghỉ việc", bác sĩ Đính nói.

Mua phải kim cùn, chỉ dở

Giám đốc Bệnh viện TP.Thủ Đức, TS Vũ Trí Thanh cho biết thêm, bệnh viện có quy mô lớn, "con đông mà nhà thì nghèo". Việc thiếu thuốc ngoài các nguyên nhân như các bệnh viện đã nói thì tại Bệnh viện TP.Thủ Đức gặp phải là do thiếu nợ nhiều nên các thuốc, đặc biệt là thuốc độc quyền không tham gia thầu, hoặc tham gia thầu nhưng cung ứng thuốc nhỏ giọt do thiếu nợ. Ví dụ như thuốc gây tê tủy thiếu, sản phụ sinh phải gây mê, ảnh hưởng chất lượng điều trị. Bệnh viện gặp nhà cung ứng nhiều lần, rồi họ cũng giải quyết, sau đó lại rơi vào tình trạng cũ.

Về vật tư y tế, một số vật tư liên quan răng hàm mặt, thẩm mỹ tạo hình đấu thầu không trúng thầu, không tham gia thầu. Có thể do số lượng sử dụng không đủ lớn.

Vì sao các bệnh viện ở TP.HCM vẫn thiếu thuốc, vật tư y tế?- Ảnh 3.

Bác sĩ Bệnh viện TP.Thủ Đức đang phẫu thuật cho bệnh nhân, bệnh viện này đang từng bước khắc phục các khó khăn

BỆNH VIỆN TP.THỦ ĐỨC

"Hơn nữa, đặc điểm của Bệnh viện TP.Thủ Đức là cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc nhiều, cán bộ chấm thầu thiếu và không có kinh nghiệm, trong khi vật tư y tế chưa phân loại nhóm. Cộng với việc thời gian qua có sai sót trong đấu thầu nên tâm lý nhân viên lo sợ, e dè trong chấm thầu. Do không phân nhóm, nên trong mô tả kỹ thuật vật tư, chỉ khác 1 chút thì cán bộ không dám chọn nhà thầu nào. Điều này làm cho việc chấm thầu kéo dài do chấm đi, chấm lại. Khi công bố kết quả thì có nhiều ý kiến phản hồi, kết quả là phải dừng để xem xét lại", TS Thanh thông tin.

Đặc biệt, cũng do không phân nhóm nên chất lượng vật tư trúng thầu vào bệnh viện không đáp ứng yêu cầu. Ví dụ như kim chỉ khâu tầng sinh môn, kim thì cùn, chỉ khâu chưa đủ ngày thì đứt làm cho vết thương chưa kịp lành. Các dụng cụ dành cho lọc thận thì chưa đáp ứng được tiêu chí chuyên môn. 

"Vừa rồi đấu thầu hóa chất sát trùng tay, khi sát trùng xong thì bệnh viện tiến hành cấy lại để đánh giá kết quả. Dù cấy ngay trên dung dịch sát khuẩn mà vi khuẩn vẫn mọc", TS Thanh nêu.

Có hiện tượng đẩy bệnh nhân

Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, số lượt khám chữa bệnh tăng đều mỗi năm từ 6 - 8%, có năm tăng 10%, do đó thì quá tải bệnh viện là đương nhiên.

Mặt khác, có hiện tượng đẩy bệnh nhân từ tuyến dưới lên trên, từ bệnh viện này qua bệnh viện kia. Có sự hạn chế mua sắm thuốc ở các tỉnh nên bệnh nhân lên TP.HCM rất nhiều, cụ thể là bệnh nhân chuyên khoa tim mạch, chấn thương chỉnh hình. Vì vậy, thuốc, vật tư cung ứng cho bệnh nhân của các bệnh viện là áp lực lớn.

Tuy nhiên, Sở Y tế TP.HCM và các bệnh viện cũng đã có những giải pháp nắm bắt tình hình và điều chuyển thuốc, tổ chức mua sắm thuốc cung ứng kịp thời cho người bệnh.

Ngoài ra, còn có nhiều bệnh viện mặc dù luật Đấu thầu, nghị định và thông tư hướng dẫn nhưng vẫn hiểu chưa tới. Do đó, Sở Y tế có tổ chuyên gia xuống hỗ trợ ngay để giúp các bệnh viện đáp ứng nhu cầu mua sắm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.