Vì sao các khu công nghiệp ở Bình Thuận bị 'chê' thiếu sức hấp dẫn?

Quế Hà
Quế Hà
12/08/2024 15:52 GMT+7

Bình Thuận có đến 9 khu công nghiệp, nhưng tỷ lệ lấp đầy còn thấp; có khu công nghiệp 13 năm nay chưa có nhà đầu tư thứ cấp. Các khu công nghiệp bị 'chê' do thiếu sức hấp dẫn, thiếu đồng bộ về hạ tầng, thiếu nhân lực...

Ngày 12.8, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện trên địa bàn có 9 khu công nghiệp (KCN) được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích gần 3.000 ha (bao gồm 1 KCN chuyên ngành về titan). Trong đó, có 7 KCN đã và đang đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.

Tính đến thời điểm này, chỉ có KCN Phan Thiết giai đoạn 1 (rộng 51 ha) được lấp đầy với 31 dự án đăng ký hoạt động. Tuy nhiên, hiện có 7 dự án ngừng hoạt động do gặp khó khăn.

Vì sao các khu công nghiệp ở Bình Thuận bị 'chê' thiếu sức hấp dẫn?- Ảnh 1.

KCN Phan Thiết giai đoạn 1 được lấp đầy nhưng có 7 doanh nghiệp ngừng hoạt động

Q.H

Trong khi đó KCN Phan Thiết giai đoạn 2 (hơn 60 ha), đến nay chỉ mới cho thuê được 23 ha và giải quyết việc làm cho khoảng 750 lao động.

Đầu tư giai đoạn sau với nhiều chính sách ưu đãi, KCN Hàm Kiệm 1 (132 ha) đến nay thu hút được 17 dự án, với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng và 21,2 triệu USD, tỷ lệ lấp đầy đạt 47%, có 720 lao động đến làm việc.

KCN Hàm Kiệm 2 (402 ha, đã dành hơn 40 ha làm nhà ở cho công nhân và kinh doanh), tính đến giữa năm nay, mới chỉ thu hút được 16 dự án (có 6 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đầu tư 686 tỉ đồng, giải quyết được việc làm cho gần 4.000 công nhân.

Vì sao các khu công nghiệp ở Bình Thuận bị 'chê' thiếu sức hấp dẫn?- Ảnh 2.

KCN Hàm Kiệm 2 thiếu sức hút đối với nhà đầu tư thứ cấp

Q.H

KCN Sông Bình (H.Bắc Bình) rộng 300 ha, cách TP.Phan Thiết 55 km, là KCN chuyên ngành về titan do Công ty CP Rạng Đông làm chủ đầu tư. Đến nay chỉ có 3 nhà đầu tư và mới lấp đầy được 29% diện tích.

Cá biệt, KCN Tuy Phong được chấp thuận đầu tư từ năm 2013, nhưng mới đầu tư được 50% nguồn vốn và chưa có nhà đầu tư thứ cấp nào.

Các KCN còn lại như Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2, Tân Đức hiện chưa hoàn thành việc đền bù giải tỏa, thậm chí còn chưa được giao đất. Do chính sách đặc thù, tại KCN Sơn Mỹ 1 đã có chủ trương chấp thuận đầu tư cho 3 dự án quy mô lớn là nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ 1, nhiệt điện Sơn Mỹ 2 và kho cảng khí LNG Sơn Mỹ.

Theo đánh giá của Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Thuận, các KCN gặp khó khăn do khâu giải phóng mặt bằng, khó xác định giá đất để làm cơ sở đền bù.

Ngoài ra, việc xây dựng hạ tầng kéo dài, một phần do nhà đầu tư không đủ nguồn lực, nhất là về nguồn vốn. Nguồn lực lao động ở địa phương còn yếu và thiếu tay nghề cao, thiếu tính chuyên nghiệp. Đặc biệt, bất lợi lớn nhất là hệ thống hạ tầng giao thông của Bình Thuận chưa hoàn thiện, không có cảng nước sâu, chưa có sân bay (mới có cao tốc 2 năm nay).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.