Theo TechCrunch, vấn đề nằm ở tính năng mới dựa trên chip Project Soli - một cảm biến chuyển động dựa trên radar được đưa vào dòng Pixel mới và hoạt động trên dải tần 60 GHz mmWave. Đáng tiếc là hiện Ấn Độ chưa cấp phép cho Google sử dụng dải tần này trong lĩnh vực thương mại, dù tại Mỹ thì Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) đã cấp phép cho chip Soli hồi đầu năm nay.
Phản hồi về hạn chế này, Google cho biết hãng cung cấp một loạt sản phẩm và giải pháp ở các khu vực khác nhau trên toàn thế giới, trong đó tính khả dụng của sản phẩm dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm xu hướng tiêu dùng của người dân bản địa và tính năng của sản phẩm. Hãng đã quyết định không bán Pixel 4 tại Ấn Độ nhưng vẫn cam kết tiếp tục bán và hỗ trợ các dòng Pixel hiện tại ở thị trường này, đồng thời vẫn muốn mang các thiết bị Pixel mới tới Ấn Độ trong khả năng cho phép.
Cảm biến radar trên Pixel mới cho phép hỗ trợ một số thao tác không chạm, cũng nhờ nó mà Pixel 4 có khả năng nhận diện chủ nhân đang tới gần để bật sẵn Face ID và mở khóa khuôn mặt ngay khi cầm thiết bị lên, biến Pixel 4 trở thành thiết bị nhận diện và mở khóa khuôn mặt bằng Face ID nhanh nhất thế giới.
Quay lại việc từ bỏ thị trường Ấn Độ và có khả năng sẽ có thêm một số quốc gia khác gia nhập vào danh sách hạn chế này, Việt Nam là một ví dụ - dù trước đó có thông tin cho rằng Google sẽ chuyển nhà máy sản xuất Pixel về Việt Nam. Có lẽ đây là lần đầu tiên Google phải bỏ qua Ấn Độ - thị trường smartphone lớn thứ hai trên thế giới và đây cũng là nơi mà họ thường mở bán các dòng Nexus và Pixel vài ngày sau khi ra mắt trên toàn cầu.
Tuy nhiên, xét cho cùng điều này không ảnh hưởng quá nhiều tới doanh thu của hãng, khi mà thực tế Pixel vẫn lép vế ở Ấn Độ trong bối cảnh giá cả leo thang và thị trường này lại ưa chuộng tiêu thụ các smartphone có mức giá từ 200 USD trở xuống.
Bình luận (0)