Vì sao cảnh báo, buộc thôi học hơn 1.000 sinh viên?

04/11/2015 04:34 GMT+7

(TNO) Trường ĐH Tây Nguyên vừa thông báo danh sách dự kiến bị buộc thôi học và cảnh báo 1.041 sinh viên của 8 khoa, trong đó 414 sinh viên trong diện bị buộc thôi học và 627 sinh viên bị cảnh báo kết quả học tập học kỳ 2 năm học 2014-2015.

(TNO) Trường ĐH Tây Nguyên vừa thông báo danh sách dự kiến bị buộc thôi học và cảnh báo 1.041 sinh viên của 8 khoa, trong đó 414 sinh viên trong diện bị buộc thôi học và 627 sinh viên bị cảnh báo kết quả học tập học kỳ 2 năm học 2014-2015.

Sinh viên ĐH Tây Nguyên trong buổi gặp gỡ, giao lưu với Đại sứ Hoa Kỳ tại VN Ted Osius hồi tháng 9.2015 - Ảnh: Ngọc Quyền Sinh viên ĐH Tây Nguyên trong buổi gặp gỡ, giao lưu với Đại sứ Hoa Kỳ tại VN Ted Osius hồi tháng 9.2015 - Ảnh: Ngọc Quyền
Dư luận khá bất ngờ trước số lượng khá lớn sinh viên bị buộc thôi học nhưng theo những cán bộ có trách nhiệm của trường ĐH Tây Nguyên, đây là điều bình thường trong quá trình đào tạo, sàng lọc, nâng cao chất lượng học tập của sinh viên của nhà trường.
Làm theo quy chế
Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Trương Hải, Phó trưởng phòng Đào tạo ĐH Tây Nguyên, nhận định việc dự kiến buộc thôi học và cảnh báo đối với số sinh viên trên hoàn toàn phù hợp với quy định của Bộ GD-ĐT, cụ thể là Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15.8.2007 của Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ (thường được gọi là Quy chế 43).
Ông Hải dẫn một số điểm quan trọng của điều 16 (Bị buộc thôi học) của Quy chế 43, theo đó “Sau mỗi học kỳ, sinh viên bị buộc thôi học nếu rơi vào một trong các trường hợp: a, Có điểm trung bình chung học kỳ đạt dưới 0,80 đối với học kỳ đầu của khóa học; đạt dưới 1,00 đối với các học kỳ tiếp theo hoặc đạt dưới 1,10 đối với 2 học kỳ liên tiếp. b, Có điểm trung bình chung tích lũy đạt dưới 1,20 đối với sinh viên năm thứ nhất; dưới 1,40 đối với sinh viên năm thứ hai; dưới 1,60 đối với sinh viên năm thứ ba hoặc dưới 1,80 đối với sinh viên các năm tiếp theo và cuối khóa”.
Theo ông Hải, mặc dù số sinh viên bị cảnh báo trên đều vi phạm hai điểm a và b nói trên (diện bị buộc thôi học) nhưng nhà trường mới chỉ “ra tay” ở mức cảnh báo, thậm chí cảnh báo lần 2 hoặc 3, vì mong muốn có thêm cơ hội cho sinh viên khắc phục, tiếp tục học tập.
Về 414 sinh viên trong diện dự kiến bị buộc thôi học lần này, ông Hải cho biết nhà trường đã yêu cầu các khoa làm việc với sinh viên (thông qua cố vấn học tập) để lấy ý kiến, nguyện vọng, kế hoạch, giải pháp khắc phục của sinh viên bằng đơn cá nhân. Sau thời gian thông báo 10 ngày (ngày thông báo là 26.10), sinh viên không có ý kiến phản hồi thì nhà trường sẽ ra ,quyết định chính thức buộc thôi học. “Đây cũng là cách làm mang tính nhân văn vì mặc dù những sinh viên vi phạm quy chế nhưng có đơn trình bày hoàn cảnh vi phạm, có nguyện vọng, động cơ học tập rõ ràng và biện pháp khắc phục thì nhà trường sẽ xem xét cho tiếp tục theo học”, ông Hải nhận định.
Động cơ học tập là quan trọng
Động cơ học tập của sinh viên chi phối phần lớn đến kết quả học tập; nếu không có động cơ học tập thì sinh viên học yếu, không đạt điểm quy định, hoặc tự ý bỏ học, dẫn đến bị buộc thôi học hoặc bị cảnh báo. Đó là đánh giá của ông Phạm Trọng Lượng, Trưởng phòng Công tác chính trị và học sinh sinh viên Trường ĐH Tây Nguyên.
“Tôi phụ trách công tác sinh viên nhưng cũng là giảng viên bộ môn xã hội học. Qua một số lần thực hiện đề tài khảo sát tâm lý sinh viên thì thấy rằng không ít sinh viên có động cơ học tập rất mơ hồ. Nhiều sinh viên vào đại học chỉ để thỏa mãn mong ước của cha mẹ mình, hoặc để “lấy tiếng” với bạn bè, hàng xóm… Việc học thành tài, trang bị kiến thức cho nghề nghiệp sau này gần như không được quan tâm, do đó kết quả học tập rất kém”, ông Lượng lý giải.
Theo ông Lượng, nhiều yếu tố tác động đến đời sống, sinh hoạt cũng ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập của một bộ phận sinh viên. Không ít sinh viên phân tán thời gian vào việc giao lưu trên mạng xã hội, trò chơi điện tử, hoặc rượu chè, quan hệ tình cảm yêu đương…
Ông Lượng cho biết trong thời gian tới Phòng Công tác chính trị và học sinh sinh viên có kế hoạch tăng cường hơn nữa công tác giáo dục, có các hoạt động thúc đẩy tinh thần học tập đối với sinh viên; đặc biệt sẽ có trao đổi thường xuyên giữa nhà trường và gia đình sinh viên.
“Chúng tôi sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào việc liên hệ giữa nhà trường và gia đình sinh viên, thông báo kết quả học tập, cả thời gian nghỉ học của sinh viên, giúp phụ huynh truy cập website của trường để nắm tình hình học tập của con em họ để kịp thời chấn chỉnh nếu sinh viên vi phạm”, ông Lượng chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.