Vì sao chưa thể dùng VNeID thay cho giấy phép lái xe?

28/09/2023 14:01 GMT+7

Trong tương lai, khi dữ liệu đã được tích hợp vào ứng dụng định danh điện tử VNeID, người dân không cần mang theo giấy phép lái xe nữa.

Bộ Công an đang chủ trì soạn thảo dự án luật Trật tự, an toàn giao thông. Luật này được tách một phần từ luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Vì sao chưa thể dùng VNeID thay cho giấy phép lái xe? - Ảnh 1.

Ở thời điểm hiện tại, người dân vẫn cần mang theo giấy tờ xe khi tham gia giao thông

TUYẾN PHAN

Theo dự thảo, khi tham gia giao thông, người lái xe phải mang theo 4 loại giấy tờ: đăng ký xe, giấy phép lái xe, chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự.

Trong các loại giấy tờ trên, trường hợp thông tin của giấy tờ nào đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử, thẻ căn cước theo quy định thì người lái xe không phải mang theo nữa.

Đối với CSGT, dự thảo quy định trường hợp giấy tờ xe đã được tích hợp thì việc kiểm tra, kiểm soát phải thực hiện thông qua xác thực các thông tin, giấy tờ đó trên tài khoản định danh điện tử.

Cũng liên quan đến tích hợp dữ liệu giấy tờ xe, Thông tư 32/2023 của Bộ Công an (có hiệu lực từ 15.9) quy định khi người lái xe cung cấp thông tin của các giấy tờ trong tài khoản định danh điện tử thì lực lượng CSGT kiểm tra, đối chiếu thông tin của các giấy tờ đó trong tài khoản định danh điện tử.

Quá trình kiểm soát, nếu phát hiện tài khoản định danh điện tử có dấu hiệu làm giả hoặc cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm thuộc trường hợp phải tạm giữ, tước quyền sử dụng, thu hồi, tịch thu giấy tờ hoặc các trường hợp vi phạm cần phải xác minh về giấy tờ thì CSGT đề nghị xuất trình các giấy tờ đó để thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật.

Sau nhiều nỗ lực của ngành công an và người dân, hàng triệu giấy phép lái xe đã được tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử VNeID. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, lực lượng CSGT vẫn chưa áp dụng việc xác thực thông tin trên ứng dụng thay cho việc kiểm tra giấy tờ xe trực tiếp.

Giải đáp vấn đề này, tại tọa đàm trao đổi về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an), cho biết bất kỳ sự chuyển đổi nào cũng cần có thời gian chuẩn bị.

Sự chuẩn bị mà vị cục trưởng nhắc tới gồm cơ sở hạ tầng, cơ sở dữ liệu, trang bị kiến thức cho cơ quan quản lý và quan trọng nhất là thay đổi thói quen của người dân.

Căn cước điện tử (ứng dụng VNeID) cũng vậy. Khi nào người dân tích hợp đầy đủ giấy tờ và thay đổi thói quen dùng giấy tờ bản giấy, cơ quan quản lý nhà nước trang bị đầy đủ cơ sở hạ tầng (thiết bị đọc, đầu cuối…) và được đào tạo, tập huấn toàn diện, thì lúc đó căn cước điện tử mới có thể thay thế cho các loại giấy tờ truyền thống.

Trong lúc đang chuyển đổi, Bộ Công an quy định theo hướng mở về các phương thức mà người dân có thể thực hiện các dịch vụ công, để họ thấy được những tiện ích, thuận lợi mang lại, từ đó tự giác chuyển đổi.

Luật sư Hà Công Tâm, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, cho biết khi dự án luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ chưa được thông qua, và các giấy tờ tích hợp trên ứng dụng VNeID chưa được chấp nhận thay thế cho giấy tờ bản cứng, người tham gia giao thông vẫn phải mang theo các giấy tờ như đăng ký xe, giấy phép lái xe...

Theo quy định tại Nghị định 100/2019 (được bổ sung bởi Nghị định 123/2021), người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không mang theo đăng ký xe hoặc giấy phép lái xe thì sẽ bị xử phạt từ 100.000 - 200.000 đồng. Mức phạt sẽ tăng gấp đôi với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 28.9

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.