Vì sao chưa trình chủ trương xây cầu Cần Giờ ở kỳ họp HĐND này?

06/12/2023 17:23 GMT+7

Chiều 6.12, tại phiên thảo luận tổ HĐND TP.HCM khóa X kỳ họp cuối năm, đại biểu Đoàn Thị Ngọc Cẩm, Phó bí thư H.Cần Giờ, đề nghị Sở GTVT TP.HCM thông tin về việc chưa trình chủ trương liên quan đến dự án cầu Cần Giờ tại kỳ họp này.

Theo đó, chủ trương xây cầu Cần Giờ từng được Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm thông tin tại phiên chất vấn của kỳ họp HĐND TP.HCM hồi tháng 7.2023.

Tại thời điểm đó, ông Lâm cho biết, dự án cầu Cần Giờ sẽ thay thế phà Bình Khánh, dài 3,4 km, kết nối Cần Giờ với trung tâm và khu vực lân cận với tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỉ đồng, dự kiến sẽ trình HĐND thông qua chủ trương đầu tư vào cuối năm nay để khởi công ngày 30.4.2025.

Vì sao chưa trình chủ trương xây cầu Cần Giờ ở kỳ họp HĐND này? - Ảnh 1.

Đại biểu Đoàn Thị Ngọc Cẩm, Phó bí thư H.Cần Giờ nêu ý kiến tại buổi thảo luận tổ

HÀ KHÁNH

Tuy nhiên, hiện, Sở GTVT TP.HCM đã trình hội đồng thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ. Lẽ ra, nếu làm kịp sẽ trình đúng tiến độ.

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm cho hay, nhiều công trình, dự án được thông qua chủ trương, kể cả kỳ họp này UBND TP.HCM cũng trình thông qua nhiều dự án nhóm A.

Trong đó, cầu Cần Giờ là công trình dây văng rất đặc biệt, cầu vượt dài 35 m, có một trụ tháp với ý tưởng kiến trúc phác họa hình tượng cây đước.

Về kỹ thuật, dự án này có khúc sông tĩnh không thông thuyền lớn cho nên phương án một trụ cây đước phải nghiên cứu để đảm bảo tính khả thi về kỹ thuật, cũng như hiệu quả về kinh tế.

Vì sao chưa trình chủ trương xây cầu Cần Giờ ở kỳ họp HĐND này? - Ảnh 2.

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm phản hồi ý kiến của đại biểu HĐND TP.HCM

NGUYỄN ANH

Sở GTVT TP.HCM phải nghiên cứu lấy ý kiến các bộ ngành, đặc biệt là ý kiến của Bộ GTVT về các yêu cầu liên quan đến tĩnh không và luồng đường tàu, hàng hải nghiên cứu hoàn chỉnh so với phương án kiến trúc trước đây.

Hiện, Sở GTVT đã trình Sở KH-ĐT TP.HCM thẩm định và kỳ vọng sẽ kịp trình HĐND TP.HCM trong kỳ họp tới để thông qua.

Cạnh đó, ông Trần Quang Lâm cũng mong nhận được sự hỗ trợ của HĐND về cân đối nguồn vốn. Vốn xây cầu Cần Giờ có 50% được sử dụng từ ngân sách TP.HCM, phần còn lại được thực hiện theo hình thức BOT. Do đó cần cân đối ưu tiên trình Thủ tướng đầu năm 2024 và phấn đấu khởi công năm 2025.

Vì sao chưa trình chủ trương xây cầu Cần Giờ ở kỳ họp HĐND này? - Ảnh 3.

Phối cảnh mới nhất của dự án xây dựng cầu Cần Giờ

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cũng cho biết, đề án Cảng trung chuyển Cần Giờ đã trình lên Ban thường vụ xem xét, chuẩn bị trình Chính phủ. 

Đề án đã tính toán rất đầy đủ việc phát triển nguồn lực, đặc biệt phát triển dịch vụ hàng hải, số người lao động tham gia vào rất lớn với 6.000 - 8.000 người.

Trong đề án này, Sở GTVT TP.HCM đặt vấn đề xây dựng trung tâm đào tạo gắn kết với các trường đại học để đào tạo nhân lực phục vụ cho việc xây dựng, phát triển, vận hành cảng.

Hẻm cụt mà quy hoạch 30 m, hơn chục năm không thực hiện

Tại tổ 2, bà Lê Thị Ngọc Thanh, Phó bí thư Đảng ủy Sở GTVT, cho biết theo dõi các tờ trình báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM thì tổng vốn đầu tư công sẽ tăng thêm 10.000 tỉ đồng, trong khi năm nay, đến giờ này giải ngân vốn đầu tư công mới đạt hơn 45%.

Vậy giải pháp năm 2024 ra sao, nếu giao tăng hoặc giảm vốn thì sẽ tác động rất nhiều, nhưng cũng phản ánh nhu cầu của xã hội, thành phố là có.

Theo bà Thanh, có nhiều dự án chờ hoài không thực hiện, đề nghị phân tích kỹ. Việc không đạt thì nguyên nhân chủ quan, khách quan là gì, trong đó chủ quan có chăng do năng lực của chủ đầu tư, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

"Tôi đề nghị đánh giá thêm điểm nghẽn do đâu vì năm nào cũng nói", bà Thanh đề nghị.

Vì sao chưa trình chủ trương xây cầu Cần Giờ ở kỳ họp HĐND TP.HCM cuối năm? - Ảnh 1.

Bà Lê Thị Ngọc Thanh, Phó bí thư Đảng ủy Sở GTVT TP.HCM, phát biểu tại phiên thảo luận tổ

SỸ ĐÔNG

Theo bà Thanh, trong báo cáo có đánh giá nguyên nhân chủ quan trong đó nổi lên là do phối hợp sở ngành. Vậy lãnh đạo TP.HCM đánh giá thế nào về kết quả hoạt động các sở ngành năm 2023 liên quan đến 3 việc: việc tổ chức thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM, thực hiện công tác chuyên môn và 3 là công tác phối hợp.

"Trong công tác phối hợp, đánh giá vai trò chủ trì, và thành viên của nội dung tham gia. Có đánh giá như vậy mới thấy hết được trách nhiệm. Nếu không đánh giá thì nguyên nhân chủ quan này sẽ mãi theo chúng ta", đại biểu Thanh nói thêm.

Về công tác quy hoạch, bà Thanh cho rằng, có những tuyến đường hẻm rất nhỏ, tuyến hẻm không thông, hẻm cụt cũng quy hoạch rộng 15 - 30 m, rồi 15 - 20 năm không thực hiện ảnh hưởng đến quyền lợi người dân.

Do đó, đại biểu này đề xuất rà soát công tác quy hoạch toàn thành phố để đánh giá xem quy hoạch nào trên 20 năm chưa thực hiện, không khả thi để điều chỉnh.

"Khi tiếp xúc cử tri cứ nghe hoài chuyện này. Cử tri đặt vấn đề là khi nào làm, và làm như thế nào chứ không thể nghe đại biểu cứ hứa, đề xuất mà không biết đề xuất với ai, bao giờ làm", bà Thanh nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.