Răng khôn là chiếc răng số 8 nằm ở vị trí trong cùng của hàm, hay còn gọi là răng hàm lớn thứ ba. Chúng trông giống như răng hàm lớn thứ nhất và thứ hai, nhưng đôi khi có thể nhỏ hơn một chút, theo trang tin The Conversation (Úc).
Sở dĩ chúng được gọi là răng khôn vì đây là chiếc răng vĩnh viễn được mọc lên cuối cùng trong số 32 chiếc răng vĩnh viễn, vốn mọc để thay răng sữa. Răng khôn mọc trong độ tuổi từ 17 đến 35. Lúc này, chúng ta đã trưởng thành và khôn ngoan hơn nên chúng được gọi là răng khôn.
Không phải ai cũng mọc đủ 4 chiếc răng khôn ở 4 vị trí trong cùng của hàm, thậm chí có người còn không mọc. Các nghiên cứu về răng đã tìm ra câu trả lời vì sao con người lại có răng khôn.
Cũng giống như nhiều loài động vật khác, con người chúng ta có những đặc điểm chung với đại gia đình linh trưởng. Khỉ, khỉ đột (gorilla) và tinh tinh đều có răng khôn. Vài triệu năm trước, tổ tiên loài người có hàm và răng lớn hơn con người hiện đại. Chẳng hạn, hóa thạch của loài Australopithecus afarensis cách đây 3-4 triệu năm cho thấy hàm và răng đều lớn, dày hơn so với chúng ta hiện tại.
Ngoài ra, loài này cũng có 3 chiếc răng hàm lớn với lớp men dày. Cấu tạo hộp sọ cũng cho thấy cơ hàm nhai rất khỏe mạnh. Các nhà khoa học cho rằng sở dĩ hàm và răng các loài tổ tiên chúng ta khỏe hơn là vì thức ăn của họ, chẳng hạn như thịt và thực vật, cứng và dai hơn so với thức ăn người hiện đại.
Người hiện đại nhờ biết trồng trọt, nấu chín và bảo quản thực phẩm nên thức ăn mềm hơn. Vì chỉ phải ăn các món mềm, dễ nhai nên hàm và răng ít làm việc hơn. Kết quả là chúng ta tiến hóa theo hướng hàm răng nhỏ đi và chiếc răng hàm thứ ba, tức răng khôn, không còn cần thiết nữa.
Nhiều nghiên cứu cho thấy khoảng 25% người hiện đại đã biến mất hoàn toàn ít nhất 1 trong 4 chiếc răng khôn. Hay nói cách khác, những chiếc răng này không phải là không mọc mà là chúng chưa bao giờ hình thành trong hàm.
Răng khôn mọc lệch thường xuất hiện ở hàm dưới hơn là hàm trên. Chúng có thể gây đau nhức, viêm nướu nên cần được nhổ bỏ. Tuy nhiên, nếu răng khôn mọc khỏe mạnh, đúng vị trí thì có thể không cần nhổ, theo The Conversation.
Bình luận (0)