Trả lời PV Thanh Niên, trung tá Hoàng Tuấn Nam, Đội trưởng Đội 5 Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP.HCM, cho biết việc cấm kinh doanh loại hình hoạt động đòi nợ thuê đã được đề xuất từ nhiều năm nay.
[VIDEO] Trả nợ hơn 30 tỉ cho con, cụ ông 95 tuổi vẫn bị khủng bố - Video tư liệu
|
Cụ thể, từ tháng 8.2016, PC06 đã tham mưu Giám đốc Công an TP và Công an TP đã có nhiều văn bản gửi Sở Tài chính, gửi UBND TP, đồng thời gửi kiến nghị lên Bộ Công an để kiến nghị Chính phủ đưa ngành nghề này vào diện cấm kinh doanh.
Tháng 9.2018, UBND TP.HCM có đề xuất Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ đưa loại hình hoạt động đòi nợ thuê vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh.
Biến tướng kiểu “xã hội đen”
Loại hình dịch vụ đòi nợ thuê hiện nay hoạt động theo luật Doanh nghiệp; bên cạnh đó còn bị điều chỉnh bởi Nghị định 104/2007 về dịch vụ đòi nợ và Nghị định 96/2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Việc cấp phép cho doanh nghiệp kinh doanh đòi nợ thuê là thẩm quyền của Sở KH-ĐT; sau đó PC06 sẽ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự. Cho đến giờ, việc cấp phép này vẫn được tiến hành bình thường.
tin liên quan
Cấm dịch vụ đòi nợ thuê, được không?: Kiểm soát tốt sẽ không thể biến tướng
[VIDEO] Cả khu phố ở trung tâm Sài Gòn náo loạn vì vụ đòi nợ - Video tư liệu
|
Pháp luật còn nhiều kẽ hở
Nói về những bất cập trong ngành nghề đòi nợ thuê, trung tá Hoàng Tuấn Nam cho biết quan hệ nợ là hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng kinh tế; khi có tranh chấp hợp đồng, các bên liên quan tự thỏa thuận hoặc kiện ra tòa để giải quyết. Đối với các vụ việc đã có quyết định, bản án có hiệu lực thì cơ quan thi hành án, thừa phát lại có thẩm quyền thi hành.
Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều công ty đòi nợ lợi dụng quy định pháp luật chưa chặt chẽ để vi phạm. Chẳng hạn, do chưa quy định đồng phục dẫn đến nhân viên đòi nợ và các đối tượng trà trộn lẫn nhau. Các đối tượng gây rối thực chất là nhân viên công ty đòi nợ, nhưng khi cơ quan công an làm việc thì công ty và đối tượng đều phủ nhận là người công ty...
Bên cạnh đó, luật pháp chưa quy định rõ số lượng nhân viên đi đòi nợ tối đa là bao nhiêu trong một trường hợp, dẫn đến việc công ty cho kéo đến mấy chục người đòi nợ gây áp lực không chỉ với con nợ mà cho cả gia đình con nợ.
Ngoài ra, PC06 cho rằng luật chưa quy định rõ đối tượng đòi nợ là ai? Do đó, công ty đòi nợ lợi dụng gây áp lực cho cả gia đình người thân, chứ không chỉ với người nợ, dẫn đến việc gia đình của người nợ bị đe dọa, khủng bố về mặt tinh thần.
“Thường những kẻ đòi nợ sử dụng các chiêu trò khác nhau gây áp lực tâm lý chứ chưa đến mức để xử lý theo quy định pháp luật. Thời gian gần đây, công ty đòi nợ còn tạt sơn, tạt mắm tôm vào nhà, xe cộ của người thân khách nợ. Hành vi này thì đã rõ ràng nên Công an TP đã quyết liệt xử lý những đối tượng vi phạm”, ông Nam nhấn mạnh.
Công ty đòi nợ thuê biến chủ nợ thành con nợ
Theo lãnh đạo PC06, còn một bất cập nữa dẫn đến việc cơ quan này đề xuất cấm dịch vụ đòi nợ thuê, đó là thực trạng hiện nay đã có nhiều vụ việc xảy ra cho thấy “chủ nợ biến thành khách nợ của công ty đòi nợ”. Cụ thể, chủ nợ ký hợp đồng ủy quyền công ty dịch vụ đòi nợ thuê đòi khoản nợ và thỏa thuận công ty dịch vụ hưởng phần trăm khoản tiền đòi được. Thế nhưng, không ít trường hợp dù không đòi được nợ, nhưng công ty dịch vụ vẫn buộc chủ nợ phải thanh toán tiền phần trăm, đe dọa tinh thần chủ nợ, thậm chí 2 bên xảy ra tranh chấp, xung đột.
Từ thực tế nêu trên, theo PC06, nếu chưa cấm dịch vụ đòi nợ thuê được ngay hoặc không cấm thì phải quy định cụ thể, chặt chẽ hơn nhằm quản lý công ty dịch vụ đòi nợ thuê tốt hơn. Cần quy định rõ về đồng phục nhân viên làm công việc đòi nợ phải thống nhất; số lượng tối đa nhân viên mỗi lần tham gia thực hiện đòi nợ đối với khách nợ cụ thể bao nhiêu người (để tránh tình trạng tụ tập thành băng nhóm hàng chục người gây mất an ninh trật tự); khi đi đòi nợ buộc phải thông báo, cung cấp danh sách nhân viên được cử đi đòi nợ cho công an phường nơi tiến hành đòi nợ, tránh tình trạng không đòi trực tiếp con nợ mà đòi qua người thân và gia đình con nợ gây xáo trộn cuộc sống của họ.
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết hoạt động tín dụng đen tại TP.HCM trong năm 2018 gia tăng và gây ra nhiều hệ lụy xấu. Từ tín dụng đen sẽ phát sinh các hành vi trái pháp luật như: siết nợ, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, bắt giữ người trái pháp luật, thậm chí là giết người. Cho đến nay đã xảy ra 4 vụ giết người liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Năm 2018, theo thống kê chưa đầy đủ, đã có 560 vụ việc người dân trình báo bị người lạ đến khủng bố tinh thần, đe dọa để đòi nợ khi người thân vay tín dụng đen.
Công an TP.HCM khuyến cáo người dân nếu phát hiện công ty dịch vụ đòi nợ thuê vi phạm pháp luật cần báo công an địa phương để xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.
Công Nguyên - Ngọc Lê
|
Bình luận (0)