Vì sao cư dân Hapulico phản đối Ban quản trị nhà chung cư?

23/10/2018 18:14 GMT+7

Ban quản trị cụm nhà chung cư Hapulico đã được UBND quận Thanh Xuân, TP Hà Nội ra văn bản công nhận chính thức vào tháng 7.2017, nhưng quá trình thành lập và hoạt động liên tục bị cư dân phản đối.

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, việc Cục quản lý nhà và thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng, ra văn bản chấp thuận theo đề nghị Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Hapulico cho phép thành lập Ban quản trị cụm nhà chung cư Hapulico, không qua họp Hội nghị nhà chung cư theo quy định của luật Nhà ở, đã không nhận được sự đồng thuận của nhiều cư dân trong khu chung cư này.
Ngoài ra, căn cứ vào văn bản của Cục quản lý nhà và thị trường Bất động sản, Ban quản trị cụm nhà chung cư Hapulico và Quy chế quản lý hoạt động tại chung cư này tiếp tục cho phép thông qua những quyết định quan trọng khác tại khu chung cư bằng cách lấy ý kiến, không cần qua họp Hội nghị nhà chung cư theo luật định.
“Bầu” Ban quản trị không giống ai
Ông Nguyễn Thanh Tùng, cư dân tòa nhà 21T2 Hapulico, cho biết ông và nhiều cư dân tại đây luôn phản đối Ban quản trị bởi 100% thành viên Ban này là nhân viên và người quen của chủ đầu tư, nên không thể công tâm đại diện cho cư dân.
Theo ông Tùng, ở Hapulico đã xảy ra các vấn đề tồn tại từ rất lâu. Khu chung cư đi vào hoạt động từ cuối năm 2012, nhưng đến tận đầu năm 2017, chủ đầu tư mới tổ chức hội nghị chung cư lần đầu. Sau khi mới tổ chức 1 lần họp duy nhất mà không đủ số dân tham dự theo quy định, không gửi văn bản đến UBND phường theo quy định của luật, chủ đầu tư đã gửi văn bản đề nghị Bộ Xây dựng cho phép lấy ý kiến, trong khi cách thức này không đúng theo quy định của pháp luật hiện hành, vì quá trình lấy phiếu không được giám sát công khai, trực tiếp của cư dân.
"Ở Hapulico, nguồn cơn của những tranh chấp, bất ổn vừa qua là do hình thức "bầu" Ban quản trị không giống ai, mà hậu quả của nó là không đại diện được tiếng nói cho cư dân”, ông Nguyễn Thanh Tùng cho hay.
Trong khi đó, ông Tô Nhật Tân, cư dân tòa nhà 17T4 Hapulico, cho biết các thông tin về các ứng viên vào Ban quản trị sơ sài, thậm chí còn không có cả ảnh chân dung. Do cư dân không được tiếp xúc trực tiếp với các ứng viên Ban quản trị nên không biết năng lực cá nhân của ứng viên có phù hợp với công việc là đại diện cho cư dân hay không. Việc phát/lấy phiếu lấy ý kiến cũng được tổ chức khá sơ sài và theo hình thức có một không hai.
“Từng nhân viên của Công ty Hapulico mang một hòm phiếu không rõ quy cách, đi gõ cửa từng nhà. Tờ phiếu được phát vội vàng, yêu cầu điền và trả lại ngay lập tức cho người đi phát phiếu. Với hình thức này, thể hiện rõ một cách tổ chức tạm bợ, làm cho qua chuyện, khi việc đảm bảo tính an toàn, bảo mật của lá phiếu phụ thuộc hoàn toàn vào nhân viên đi phát phiếu. Theo thông lệ của nhà nước, các cử tri đi bỏ phiếu trong một ngày được quy định rõ, hòm phiếu được giám sát kỹ càng và chỉ được chạm vào khi có sự chứng kiến của các bên. Trong khi đó, tại Hapulico, việc kéo lê hòm phiếu đi từng nhà qua nhiều ngày thì chỉ có Công ty Hapulico mới biết được sự minh bạch của từng lá phiếu phát ra/thu về”, ông Tô Nhật Tân nói.
Mặt khác, theo ông Tân, cư dân tòa nào thì bầu đại diện của tòa đó, nhưng khi công bố kết quả, lại chung cho cả Cụm nhà chung cư. "Rõ ràng là cư dân của tòa này thậm chí còn không biết đến tên ứng cử viên Ban quản trị của tòa khác, và cũng không chọn những người đó, nhưng lại hình thành nên một đội ngũ Ban quản trị chung cho cả khu dân cư. Đây là việc làm hoàn toàn sai với nguyên tắc bầu cử", cư dân này bày tỏ.
Minh bạch đến đâu?
Ông Hoàng Tấn Tú, cư dân tòa 21T2, cũng cho biết: “Ngay từ tháng 3.2017, khi có văn bản của Cục quản lý nhà và thị trường Bất động sản, tôi đã phản đối việc lấy ý kiến bằng văn bản để thay cho việc họp trực tiếp. Bởi hình thức này là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu”.
Cụ thể, theo ông Hoàng Tuấn Tú, Ban quản trị là người đại diện cho cư dân nhưng do không bầu trực tiếp nên cư dân hoàn toàn không biết những người này là ai. Ngay trong cùng tòa nhà đi lại gặp nhau thì chúng tôi cũng không thể biết ngoài cái tên.
“Việc lấy phiếu ý kiến bằng văn bản đã cướp đi của chúng tôi quyền được chất vấn những người đại diện bảo vệ quyền lợi cho chúng tôi. Bản thân tôi và rất nhiều cư dân rất bức xúc vì sự thiếu minh bạch trong việc sở hữu chung riêng, thiếu minh bạch trong quản lý tài chính, các số liệu trong báo cáo của Ban quản trị và đơn vị vận hành rất sơ sài, không phản ảnh đầy đủ thông tin nhưng cũng không biết cách nào để hỏi và làm rõ. Theo dự thảo Quy chế ( bản chính không được công khai) thì Ban quản trị phải công khai số tiền thu chi, lãi tiền gửi 6 tháng/lần, nhưng kể từ khi được công nhận Ban quản trị đến nay chưa bao giờ thực hiện. Chúng tôi đã gửi kiến nghị để yêu cầu được họp và làm rõ nhưng không nhận được bất cứ sự phản hồi nào", ông Hoàng Tuấn Tú cho biết.
Theo cư dân này, nhiều việc làm của Ban quản trị không rõ ràng minh bạch, rồi trách nhiệm quyền hạn của đơn vị quản lý vận hành đến đâu cũng không rõ. "Chúng tôi đã gửi các kiến nghị, các yêu cầu cung cấp hợp đồng ký kết với đơn vị vận hành để thực hiện quyền giám sát, nhưng họ không trả lời. Chúng tôi cũng không biết phải làm thế nào để có thể được thực hiện quyền của mình. Khi thực hiện lấy ý kiến thì đồng nghĩa là chúng tôi càng không thể biết được các thông tin trên”, ông Hoàng Tấn Tú nói thêm.

Để làm rõ thêm việc công nhận Ban quản trị cụm chung cư Hapulico khi chưa tuân thủ các quy định pháp luật cùng biện pháp giải quyết những bất ổn, khúc mắc tại khu này, phóng viên Thanh Niên đã nhiều lần liên lạc với lãnh đạo quận Thanh Xuân nhưng chưa được giải đáp. Chiều 23.10, theo yêu cầu của ông Đặng Hồng Thái, Phó chủ tịch UBND quận này, phóng viên đã mang theo giấy giới thiệu đến bộ phận văn thư đặt lịch làm việc, mong được minh bạch thông tin.

Bộ phận văn thư của UBND quận Thanh Xuân cho biết đã trình lên Chánh văn phòng UBND quận để báo cáo Chủ tịch UBND quận, sau đó sẽ phân công người trao đổi thông tin. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi lịch làm việc với lãnh đạo quận Thanh Xuân được xác định.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.