Vì sao cước vận tải từ Trung Quốc sang Đông Nam Á tăng vọt?

Văn Khoa
Văn Khoa
13/12/2021 19:05 GMT+7

Một số nhà phân tích và giới trong ngành mới đây lý giải nguyên nhân cước vận tải biển từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á tăng lên mức cao kỷ lục trong giai đoạn này.

Tờ South China Morning Post (SCMP) mới đây đưa tin cước vận tải biển từ Trung Quốc đến các nước láng giềng châu Á tăng giữa lúc đến mùa cao điểm trước dịp Tết nguyên đán. Cụ thể, Chỉ số vận chuyển hàng hóa Ninh Ba, phản ánh giá giao ngay của các tàu container khởi hành từ cảng Ninh Ba-Chu Sơn ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), cho thấy cước vận tải đến các nước Đông Nam Á tăng vọt trong tháng 11 và chạm tới mức cao kỷ lục. Trong đó, phí vận chuyển đến Việt Nam và Thái Lan tăng 137% từ cuối tháng 10 đến tuần đầu tiên của tháng này, theo SCMP.

Xe tải tại cảng Ninh Ba-Chu Sơn ở tỉnh Chiết Giang ngày 15.8.2021

Reuters

Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, một container dài 6 m được chuyển từ thành phố Thâm Quyến đến Đông Nam Á tốn khoảng 100-200 USD (2,3-2,6 triệu đồng), nhưng mức phí đó gần đây đã tăng lên gấp 10 lần, từ 1.000-2.000 USD, theo ông Nghiễm Chí Dương, quản lý của một công ty hậu cần ở tỉnh Quảng Đông. “Đôi khi nhu cầu xuất khẩu cho một nơi cụ thể bất ngờ tăng nên đẩy cước vận chuyển lên tức thì và khi nhu cầu giảm, cước vận chuyển cũng hạ. Tuy nhiên, nói chung là phí vận chuyển gần đây tăng gấp nhiều lần”, ông Nghiêm nhấn mạnh.

Giới phân tích cho rằng quý tư là mùa cao điểm truyền thống đối với các tuyến vận chuyển hàng hóa xuyên châu Á, do nhu cầu tăng trước dịp Tết nguyên đán. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19, vốn đã gây khó khăn cho chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến thị trường vận tải biển nóng hơn. Nhiều quốc gia Đông Nam Á đã dần dần mở cửa trở lại sau đợt dịch bùng phát gần nhất và việc khôi phục lại hoạt động của nhà máy đã đẩy nhu cầu về nguyên liệu tăng cao, theo tổ chức nghiên cứu và tư vấn SWS Research ở Trung Quốc.

Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất tránh được suy giảm trong đại dịch

Wan Hai Lines, một công ty vận tải ở Đài Loan tập trung vào các tuyến vận tải xuyên châu Á, đã thông báo tăng cước vận tải trong tháng này. Công ty dự đoán sẽ có nhu cầu lớn cho những công ty cung cấp dịch vụ vận tải xuyên châu Á trước dịp Tết nguyên đán, khi nhiều nhà máy ở Đông Nam Á khôi phục hoạt động.

Ngoài ra, SCMP dẫn lời một số người trong ngành cho hay nhiều công ty vận tải tăng số tàu phục vụ các tuyến xuyên Thái Bình Dương kể từ quý 3, khi nhu cầu tăng cao trước Black Friday và mùa xuất khẩu dịp Giáng sinh, dẫn tới không có nhiều tàu cho các tuyến ngắn trong những tháng gần đây.

Do nhu cầu tăng cao, trong đó có nhu cầu nguyên liệu thô từ Trung Quốc, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng lớn ở Đông Nam Á trở nên nghiêm trọng hơn

Reuters

Do nhu cầu tăng vọt, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng lớn ở Đông Nam Á ngày càng nghiêm trọng, theo SCMP. Tại cảng Tanjung Pelepas ở Malaysia, tình trạng các container tắc nghẽn nghiêm trọng kéo dài suốt tháng 11, gây tác động tới việc nhận hàng cho một số điểm đến Đông Nam Á, theo thông tin cập nhật thị trường mới nhất của công ty Maersk (Đan Mạch).

“Giá cước cao và tình trạng tắc nghẽn là kết quả của việc thay đổi chi tiêu tiêu dùng từ các dịch vụ sang hàng hóa. Sự thay đổi này bắt đầu trong giai đoạn đầu của đại dịch”, ông Judah Levine, đứng đầu về nghiên cứu tại công ty Freightos (Hồng Kông), nhận định. Ông Levine còn cho rằng sự lây lan của biến thể Omicron có nguy cơ khiến nhu cầu chi tiêu cho các dịch vụ giảm mạnh hơn, theoSCMP.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.