Vì sao cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương bị bắt?

26/04/2024 18:05 GMT+7

Ngày 26.4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và cựu Giám đốc Sở Xây dựng Bình Thuận Xà Dương Thắng.

Liên quan sai phạm tại Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, ngày 26.4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an thi hành lệnh bắt giam, khám xét nơi ở đối với bị can Lê Tiến Phương, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; Xà Dương Thắng, cựu Giám đốc Sở Xây dựng Bình Thuận và Nguyễn Xuân Phong, cựu Phó cục trưởng Cục Thuế Bình Thuận (ông Phong được cho tại ngoại).

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương (nhiệm kỳ 2011-2016); bị can Xà Dương Thắng, bị can Nguyễn Xuân Phong, bị Bộ Công an khởi tố do liên quan đến vụ án "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại khoản 3 điều 219 bộ luật Hình sự, xảy ra tại Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết (Tập đoàn Rạng Đông làm chủ đầu tư).

Công an khám xét nhà cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương

Công an khám xét nhà cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương

A VƯƠNG

Ngày 26.4.2022, Ban Bí thư họp và ra thông báo thi hành kỷ luật ông Lê Tiến Phương, cựu Phó bí thư Tỉnh ủy (2 nhiệm kỳ 2005 - 2010 và 2010 - 2015), cựu Bí thư Ban Cán sự Đảng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận (nhiệm kỳ 2011 - 2016) bị thi hành kỷ luật cách hết tất cả các chức vụ trong Đảng.

Sau đó, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định kỷ luật xóa tư cách cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đối với ông Lê Tiến Phương.

Xem nhanh 12h ngày 27.4: Vì sao cựu chủ tịch Bình Thuận bị bắt

Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho rằng ông Lê Tiến Phương cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2010 - 2015; chịu trách nhiệm chính của người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016; chịu trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cá nhân trong việc ký các văn bản vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư, nhà ở (liên quan dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết).

Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận định, những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận các nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Thuận các nhiệm kỳ 2011 - 2016, 2016 - 2021 và các lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Thuận, trong đó có ông Lê Tiến Phương đã gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại lớn tiền và tài sản của nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, phát sinh nhiều đơn, thư tố cáo kéo dài, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy và chính quyền địa phương.

Xe của Bộ Công an xuất hiện trên đường phố Phan Thiết từ trưa 26.4

Xe của Bộ Công an xuất hiện trên đường phố Phan Thiết từ trưa 26.4

A VƯƠNG

Ông Lê Tiến Phương là người ký quyết định số 909/QĐ-UBND ngày 6.4.2015 phê duyệt đồ án chi tiết quy hoạch xây dựng Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, ở P.Phú Thủy (tỷ lệ 1/500) do Tập đoàn Rạng Đông làm chủ đầu tư và các quyết định quan trọng khác về dự án này.

Quyết định cho phép chủ đầu tư (khi đó tên gọi là Công ty TNHH MTV Golf và CLB Golf Phan Thiết, thuộc Tập đoàn Rạng Đông) thực hiện khu đô thị, đất ở kết hợp thương mại, dịch vụ, tổng diện tích khu đô thị này được duyệt có diện tích là hơn 62 ha.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa ký thông báo (số 2384) gửi Công ty TNHH Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết (thuộc Tập đoàn Rạng Đông, Bình Thuận) thông báo kết quả định giá tài sản.

Theo đó, căn cứ kết luận định giá tài sản số 12-KL-HĐĐGTS, ngày 8.9.2022 của Hội đồng Định giá tài sản trong tố tụng hình sự cấp bộ, theo yêu cầu định giá tài sản số 620/YC-VPCQCSĐT của Cơ quan CSĐT Bộ Công an đối với Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.

Khám xét nhà riêng cựu Giám đốc Sở Xây dựng Bình Thuận Xà Dương Thắng trưa 26.4

Khám xét nhà riêng cựu Giám đốc Sở Xây dựng Bình Thuận Xà Dương Thắng trưa 26.4

A VƯƠNG

Cơ quan CSĐT- Bộ Công an thông báo đến Công ty TNHH Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết kết quả định giá như sau: Giá trị quyền sử dụng đất của dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, đối với phần diện tích 363.523,6 mét vuông đất (trong tổng số hơn 62 ha đất sân golf được chuyển đổi làm khu đô thị này); mục đích sử dụng diện tích đất này là "đất ở đô thị".

Hình thức sử dụng đất là "Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất". Giá trị diện tích đất này thời điểm ngày 10.4.2015 và ngày 25.11.2015 là hơn 2.863 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau này kết quả giám định giá đất tại dự án này giảm dần qua các lần giám định gần đây.

Những sai phạm tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết

Trong đơn phản ánh đến lãnh đạo Đảng, Chính phủ (ngày 2.1.2019), ông Đ.T, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, đã tố UBND tỉnh Bình Thuận và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã cố tình cho chuyển nhượng vốn từ chủ cũ sang chủ đầu tư mới là Tập đoàn Rạng Đông. Ngày 15.11.2013, UBND tỉnh Bình Thuận cho thay đổi chủ đầu tư và cấp chứng nhận đầu tư mới cho Công ty CP Rạng Đông (Tập đoàn Rạng Đông).

Đến ngày 2.12.2013, chủ đầu tư có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận cho chuyển đổi sân golf (62 ha) sang đất ở đô thị. Ngày 5.3.2014, Chủ tịch UBND tỉnh có thông báo (số 75) đồng ý với đề nghị của Công ty CP Rạng Đông.

Một góc Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết do Tập đoàn Rạng Đông làm chủ đầu tư

Một góc Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết do Tập đoàn Rạng Đông làm chủ đầu tư

A VƯƠNG

Từ ngày 1.4, chủ đầu tư thông báo chấm dứt hoạt động sân golf Phan Thiết. Tiếp theo đó, ngày 7.5.2014, Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận có thông báo (số 394/TB-TU) đồng ý chủ trương và giao cho UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ đưa sân golf Phan Thiết ra khỏi hệ thống sân golf VN.

Sau khi sân golf Phan Thiết được đưa ra khỏi danh sách hệ thống các sân golf VN bằng Quyết định của Thủ tướng chính phủ, HĐND tỉnh Bình Thuận cũng có nghị quyết đồng ý chủ trương chuyển sang đất ở đối với sân golf này.

Ngày 10.4.2015, Chủ tịch UBND tỉnh có quyết định (số 997/QĐ-UBND) cho chuyển đổi diện tích đất sân golf Phan Thiết sang đất ở đô thị. Và ngày 18.4.2015 chủ đầu tư khởi công dự án khu đô thị này.

Ngày 25.11.2015, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã có quyết định (337/QĐ-UBND) phê duyệt giá đất để tính tiền sử dụng đất cho diện tích đất hơn 363.520 mét vuông trong tổng số diện tích 62 ha của sân golf với giá tiền 936,8 tỉ đồng, tức hơn 2,5 triệu đồng/mét vuông mà không đấu giá đất, không có quyết định thu hồi đất.

Đơn của ông Đ.T cho rằng thời điểm đó, đất tại sân golf Phan Thiết có giá trị thị trường khoảng 20-25 triệu đồng/mét vuông. Với quyết định này, UBND tỉnh Bình Thuận đã gây thất thu cho ngân sách tỉnh nhiều tỉ đồng.

Đó là chưa kể, khi triển khai dự án, theo luật về nhà ở khu đô thị du lịch biển phải có 20% diện tích đất dành cho nhà ở xã hội. Nhưng sau đó, Thanh tra Chính phủ phát hiện chủ đầu tư đã hoán đổi một khu đất khác có diện tích tương đương để lấy diện tích đất nhà ở xã hội chia lô bán nền.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.