Vì sao đã công chứng nhưng vẫn bán đất được cho nhiều người?

Ngân Nga
Ngân Nga
02/06/2024 06:21 GMT+7

Bốn thửa đất của Nguyễn Thị Kim Loan (tỉnh Bình Phước) đã bán và qua công chứng nhưng Loan vẫn tiếp tục bán cho nhiều người khác tại các văn phòng công chứng và sang tên thành công.

Đã công chứng nhưng vẫn sang tên cho người thứ ba

Cuối tháng 3 vừa qua, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM kháng nghị bản án của TAND tỉnh Bình Phước đối với vụ án 4 thửa đất bị bán cho nhiều người dù đã được công chứng. Viện này đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại, xác định trách nhiệm của công chứng viên.

Theo hồ sơ, Nguyễn Thị Kim Loan (58 tuổi) có 4 thửa đất, với tổng diện tích đất 12,4 ha, tại H.Bù Đăng, Bình Phước. Tháng 5.2020, Loan ký hợp đồng chuyển nhượng 4 thửa đất trên cho ông Lê Minh Đạt với giá hơn 1,6 tỉ đồng, tại Văn phòng công chứng Nguyễn Thị Cẩm Tú (nay là Văn phòng công chứng Hà Văn Đức). Sau khi công chứng xong hợp đồng, ông Đạt đưa tất cả hồ sơ chuyển nhượng, cùng giấy tờ có liên quan cho Loan để làm thủ tục đăng ký biến động sang tên cho ông.

Vì sao đã công chứng nhưng vẫn bán đất được cho nhiều người?- Ảnh 1.

Minh họa: DAD

Gần 1 năm sau, tức tháng 2.2021, do không có tiền trả nợ cho bà Nguyễn Thị Sen hơn 900 triệu đồng, Loan đã ký hợp đồng chuyển nhượng 3/4 thửa đất trên cho bà Sen, để cấn trừ nợ, tại Văn phòng công chứng Hoàng Mai Khanh. Sau đó, bà Sen đã đăng ký biến động đứng tên mình, và tiếp tục chuyển nhượng cho người khác. Một thửa đất còn lại, cuối năm 2020, Loan ký hợp đồng chuyển nhượng cho vợ chồng bà Nguyễn Thị Thu Hiền tại Văn phòng công chứng Nguyễn Hiếu. Tháng 3.2021 bà Hiền đã làm thủ tục đăng ký biến động đứng tên bà.

Tháng 4.2021, ông Đạt thỏa thuận chuyển nhượng 4 thửa đất trên cho một người với giá 3 tỉ đồng. Lúc này, ông Đạt mới phát hiện Loan đã chuyển nhượng đất của mình cho người khác, nên làm đơn tố cáo ra công an. Theo kết luận định giá tài sản, tổng giá trị 4 thửa đất tại thời điểm tháng 5.2020 là hơn 2,3 tỉ đồng, tại thời điểm tháng 4.2023 hơn 3,4 tỉ đồng.

Hồi tháng 3, TAND tỉnh Bình Phước xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt Nguyễn Thị Kim Loan 14 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tòa buộc Loan bồi thường cho ông Lê Minh Đạt hơn 2,8 tỉ đồng.

Lạm dụng tín nhiệm hay lừa đảo?

Theo kháng nghị của Viện KSND cấp cao tại TP.HCM: "Bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Phước đã xác định sai tội phạm của bị cáo, sai người bị hại và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Những vi phạm trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai sót nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật".

Cụ thể, bản án sơ thẩm xác định ông Đạt là "nạn nhân của tội phạm", là xác định sai tư cách người bị hại trong vụ án, "không phù hợp với bản chất cũng như động cơ, mục đích của Loan". Bị hại trong vụ án này là bà Nguyễn Thị Sen và vợ chồng bà Nguyễn Thị Thu Hiền.

Bị cáo Loan chuyển nhượng 4 thửa đất hợp pháp cho ông Lê Minh Đạt với giá hơn 1,6 tỉ đồng, đã được công chứng… Nhưng sau đó, bị cáo Loan không làm thủ tục đăng ký biến động, sang tên cho ông Đạt như thỏa thuận, mà lại tiếp tục chuyển nhượng nhằm mục đích vay tiền của những người bị hại.

"Về ý thức chủ quan bị cáo đã có hành vi gian dối trong việc vay, thế chấp cầm cố rồi chuyển nhượng 4 thửa đất trên để chiếm đoạt hơn 1,8 tỉ đồng. Cấp sơ thẩm khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử bị cáo về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là không chính xác", Viện KSND cấp cao tại TP.HCM nêu.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm cũng không giải quyết hậu quả pháp lý đối với các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của 4 thửa đất nêu trên giữa bị cáo Loan với bà Sen và vợ chồng bà Hiền, là giải quyết vụ án không triệt để, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nêu trên là vô hiệu, theo điều 122 bộ luật Dân sự.

Chưa làm rõ trách nhiệm của công chứng

Cũng theo kháng nghị, cơ quan tố tụng chưa tiến hành điều tra, làm rõ, xử lý trách nhiệm của văn phòng công chứng đã công chứng các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Từ năm 2020 - 2021, 4 thửa đất trải qua nhiều lần công chứng chuyển nhượng, cập nhật thông tin tại nhiều cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trên địa bàn Bình Phước nhưng không phát hiện được vi phạm của bị cáo Loan. Do đó, cần phải điều tra làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan việc cập nhật thông tin dữ liệu công chứng.

"Sau khi công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, các văn phòng công chứng đã không thực hiện việc cập nhật chia sẻ thông tin lên phần mềm cơ sở dữ liệu công chứng về nguồn gốc tài sản, tình trạng giao dịch và các thông tin khác về biện pháp ngăn chặn", kháng nghị nêu. Việc làm này đã vi phạm điều 62 luật Công chứng, điều 23 Thông tư số 01 năm 2021 của Bộ Tư pháp và điểm i khoản 2 điều 16, Nghị định số 82 năm 2020 của Chính phủ.

Việc 4 thửa đất được công chứng chuyển nhượng cho nhiều người bằng nhiều hợp đồng công chứng khác nhau, thì trách nhiệm của công chứng viên và phòng công chứng chưa được bản án sơ thẩm đề cập giải quyết. 

Không xử lý được công chứng viên?

Năm 2023, TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm, tuyên y án sơ thẩm của TAND TP.HCM đối với bị cáo Trịnh Trường Giang (54 tuổi) 18 năm tù, Trần Thanh Hải (41 tuổi) 7 năm tù cùng về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Trước đó, bị cáo Giang đã giả chữ ký của chủ đất là bà Đặng Thị Tuyết trong hợp đồng ủy quyền, để bà này ủy quyền cho Giang bán thửa đất của mình tại Q.Gò Vấp. Hợp đồng ủy quyền được công chứng viên Ngụy Cao Khánh soạn thảo, có chữ ký chứng thực của công chứng viên Nguyễn Duy Thức. Cả hai thuộc Văn phòng công chứng Đầm Sen (nay đổi tên thành Văn phòng công chứng Nguyễn Thị Sáu, Q.11, TP.HCM). Sau đó, Giang và Hải đã bán thửa đất của bà Tuyết cho người khác, gây thiệt hại 18,5 tỉ đồng. Theo kết luận giám định, chữ ký, dấu vân tay của bên ủy quyền ghi bà Đặng Thị Tuyết, không phải của bà này.

Kháng nghị của Viện KSND cấp cao tại TP.HCM cho rằng 2 công chứng viên đã vi phạm luật Công chứng, có dấu hiệu phạm tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", và cần xác định trách nhiệm liên đới bồi thường của văn phòng công chứng. Tuy nhiên, theo tòa phúc thẩm, cấp sơ thẩm đã trả hồ sơ điều tra bổ sung yêu cầu làm rõ hành vi của 2 công chứng viên, nhưng theo kết luận điều tra bổ sung không có căn cứ chứng minh trách nhiệm hình sự của 2 người này.

Vì tòa án chỉ xét xử những bị cáo về hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố, nên tòa sơ thẩm đã kiến nghị Sở Tư pháp TP.HCM xử lý trách nhiệm Văn phòng công chứng Đầm Sen là phù hợp. Ngoài ra, cấp phúc thẩm đã kiến nghị cơ quan CSĐT điều tra làm rõ, nếu có dấu hiệu tội phạm thì xử lý theo quy định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.