Vì sao Đại học Oxford tự tin tung ra vắc-xin Covid-19 vào tháng 9?

26/04/2020 07:55 GMT+7

Những thành công trong quá khứ của công nghệ mà các nhà nghiên cứu Đại học Oxford (Anh) sử dụng cho vắc-xin Covid-19 đang là lý do chính để họ nghĩ rằng vắc-xin này có thể tung ra thị trường vào tháng 9 tới.

Các nhà khoa học tại Oxford tự tin khi cho rằng vắc-xin chống lại chủng virus Corona mới của họ sẽ hiệu quả. Tính đến ngày 25.4, họ đã tuyên bố chính thức tiêm thử nghiệm trực tiếp 2 mũi vắc-xin lên 2 người tình nguyện trong tổng cộng 500 người được chọn.
Giới quản lý lại có cách nhìn bi quan hơn, trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, Giám đốc y tế của chính phủ Anh khẳng định vẫn sẽ còn 12-18 tháng nữa vắc-xin mới sẵn sàng và từ giờ đến đó một số biện pháp cách ly xã hội là cần thiết. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu tại Viện Jenner, trực thuộc Đại học Oxford tin rằng vắc-xin của họ sẽ được chứng minh lâm sàng vào tháng 9 (khoảng 5 tháng nữa) và họ có thể sớm cung cấp khoảng một triệu liều ra thị trường.
Sự tự tin của họ được xây dựng trên những thành công trong quá khứ, trước đó các công nghệ vắc-xin tương tự cũng đã được sử dụng cho các đại dịch khác, bao gồm cả MERS (liên quan đến một chủng virus Corona khác) và cả Ebola.
ChAdOx1, được phát âm là "Chaddox-one", là phiên bản của một loại virus cảm lạnh thông thường đã được sửa đổi để nó mang theo một số “vật liệu” di truyền của virus Corona mới (Covid-19) nhưng không gây ra các triệu chứng tương tự (đã được làm suy yếu). Sau khi được đưa vào cơ thể người, nó sẽ lây nhiễm vào tế bào người, biến chúng thành các nhà máy sản xuất một trong những protein virus, từ đó kích hoạt phản ứng tự nhiên của hệ thống miễn dịch và bảo vệ con người chống lại các mẫu virus tương tự trong tương lai, cụ thể là Covid-19.

Vắc-xin Covid-19 đã được tiêm thử nghiệm lâm sàng cho 2 người tình nguyện ở Anh

Ảnh: Sky News

Sử dụng công nghệ tương tự trước đó và từng thành công sẽ cho phép các nhà khoa học tăng tốc các thử nghiệm lâm sàng. Các nhà quản lý y tế cho rằng ChAdOx1 đủ mạnh mẽ nhưng cũng an toàn để có thể thử nghiệm rộng rãi, vì vậy các nhà nghiên cứu có thể bắt đầu thử nghiệm trên các tình nguyện viên khỏe mạnh sớm hơn dự kiến.
Khoảng 500 tình nguyện viên đã được cấp phép để tiêm vắc-xin Corona và vắc-xin viêm màng não, qua đó họ có thể biết liệu vắc-xin thử nghiệm có khả năng gây ra các tác dụng phụ như đau cánh tay, sốt hoặc đau đầu hay không. Họ cũng có thể nhìn thấy ở giai đoạn đầu liệu những người được tiêm vắc-xin mới có ít khả năng mắc Covid-19 hơn so với nhóm đối chứng đã được tiêm thuốc chống viêm màng não? Các hiệu quả của vắc-xin sau đó còn phải được xác nhận trong các giai đoạn thử nghiệm tiếp theo với nhóm 5.000 người tình nguyện khác.
Thách thức lớn nhất trong các thử nghiệm lại chính là bối cảnh cách ly xã hội diện rộng hiện nay, một yếu tố vốn sẽ ít nhiều cản trở sự lây lan virus giữa người với người. Do vậy, để kiểm chứng hiệu quả của vắc-xin chính xác hơn, các nhà khoa học dự kiến sẽ đưa nó vào các nhân viên y tế ở tuyến đầu, những người có nguy cơ lây nhiễm cao. Thậm chí, họ có thể phải tới một số quốc gia có bệnh dịch đang hoành hành như Mỹ hay một số quốc gia châu Á khác để đảm bảo tính thực tiễn của vắc-xin.
Bên cạnh đó, khâu sản xuất cũng sẽ là một thách thức. Hiện tại Vương quốc Anh không có nhà máy vắc-xin đủ công suất để có thể sản xuất hàng tỉ liều mà thế giới đang cần. Thậm chí, để đạt được một triệu liều vào tháng 9 tới, nhóm nghiên cứu của Oxford cũng phải hợp tác với 3 nhà sản xuất dược ở Anh và 4 nhà sản xuất ở nước ngoài.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.