Vì sao Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết 'chỉ huy tuyệt đối' cảnh sát vũ trang?

29/12/2017 15:37 GMT+7

"Các bè phái chính trị địa phương có thể sử dụng cảnh sát vũ trang chống lại giới lãnh đạo trung ương", một nhà phân tích chính trị ở Trung Quốc nhận định.

Theo giới quan sát, việc cảnh sát vũ trang Trung Quốc sẽ chỉ chịu sự kiểm soát của Quân ủy trung ương từ năm tới là nhằm ngăn giới chức địa phương dùng lực lượng bán quân sự này chống lại chính quyền trung ương.
Lực lượng Cảnh sát vũ trang nhân dân Trung Quốc (PAP), với quân số khoảng 1,5 triệu người, lâu nay do Quân ủy trung ương (CMC) và Quốc vụ viện (chính phủ) chỉ đạo. Cấu trúc chỉ huy này đã trao cho giới chức cấp thấp hơn quyền điều động PAP để đối phó thiên tai, biểu tình và khủng hoảng con tin, theo tờ South China Morning Post (SCMP).
Tuy nhiên, kể từ ngày 1.1.2018, PAP sẽ chỉ còn nằm dưới sự kiểm soát của CMC, hiện do Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đứng đầu.
Tờ Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho biết quyết định này nhằm “sẽ tăng cường quyền chỉ huy tuyệt đối của đảng đối với quân đội cũng như các lực lượng vũ trang khác, đảm bảo sự ổn định, thịnh vượng của đảng và quốc gia”. 
Trong khi đó, SCMP dẫn lời giới phân tích nhận định sự thay đổi này xuất phát từ việc giới lãnh đạo chóp bu của Trung Quốc e ngại PAP có thể bị địa phương lợi dụng để thách thức quyền lực trung ương.
Một trường hợp có thể đã làm dấy lên nỗi e ngại này đã xảy ra vào tháng 2.2012, khi cảnh sát vũ trang được điều động tới Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, sau khi Giám đốc Cảnh sát thành phố Trùng Khánh khi đó Vương Lập Quân bất ngờ đến xin tị nạn tại lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô.
Một số nguồn tin cho rằng đơn vị PAP đã được huy động theo lệnh của Bí thư Trùng Khánh khi đó là Bạc Hy Lai, sau khi ông có mâu thuẫn với Giám đốc Vương về vai trò của vợ mình, bà Cốc Khai Lai, trong vụ sát hại doanh nhân người Anh Neil Heywood.
Bà Cốc đã bị tòa tuyên án tử hình hồi tháng 8.2012 về tội sát hại ông Heywood, nhưng được hoãn thi hành. Gần một tháng sau, ông Vương bị xử 15 năm tù giam về tội lạm dụng quyền lực, nhận hối lộ, đào tẩu và lợi dụng pháp luật vì mục đích cá nhân. Đến tháng 9.2013, ông Bạc cũng bị xử tù chung thân về tội tham nhũng và một số tội danh khác.
Giới quan sát nhận định việc sử dụng cảnh sát vũ trang trong vụ bê bối chính trị liên quan đến ông Bạc có thể đã khiến Bắc Kinh lo ngại, theo SCMP. “Lực lượng bán quân sự này trong thực tế đã trở thành cảnh sát vũ trang địa phương. Các bè phái chính trị địa phương có thể sử dụng cảnh sát vũ trang chống lại giới lãnh đạo trung ương”, một nhà phân tích chính trị ở Trung Quốc nhận định.
Ngoài ra, tờ nhật báo Thanh Niên Bắc Kinh dẫn một số nguồn tin từ PAP cho hay theo hệ thống hiện nay, thậm chí quan chức cấp huyện cũng có thể điều động cảnh sát vũ trang. Tuy nhiên, trong tương lai, giới chức địa phương cần phải có sự đồng ý của Bắc Kinh về việc huy động PAP, buộc họ phải dựa vào công an nhiều hơn để duy trì trật tự xã hội.
Hôm 28.12, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường nhấn mạnh sự thay đổi nói trên nhằm đảo bảm rằng CMC có sự kiểm soát đối với PAP và nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và xã hội của lực lượng bán quân sự này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.