Thay vì thể hiện bằng 4 mức độ đối với các câu hỏi/bài tập trong bài kiểm tra định kỳ, dự thảo thông tư mới chỉ sử dụng 3 mức độ là “hoàn thành tốt”, “hoàn thành” và “chưa hoàn thành”.
Tiến sĩ Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), lý giải: “Điều này nhằm đảm bảo thống nhất với cấp học trên, phù hợp với cách tiếp cận của các nước tiên tiến trên thế giới, đồng thời tạo thuận lợi cho giáo viên trong quá trình biên soạn các câu hỏi/bài tập để xây dựng đề kiểm tra định kỳ”.
Ngoài ra, trong quy định về khen thưởng học sinh, dự thảo có đề cập đến hình thức “thư khen”.
Ông Thái Văn Tài cũng cho rằng dự thảo quy định: “Không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh”.
Vì sao những năm gần đây, việc đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học hay thay đổi? Theo lý giải của ông Thái Văn Tài, chương trình này với sự thay đổi về mục tiêu giáo dục (chuyển từ nền giáo dục chú trọng truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục định hướng phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh), có thêm một số môn học/hoạt động giáo dục mới, nên tác động trực tiếp đến nội dung, hình thức tổ chức - phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá người học. Do đó, việc ban hành thông tư quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bình luận (0)