Vì sao dễ dàng sập bẫy chiêu lừa đặt tiệc, mua rượu?

05/05/2023 11:00 GMT+7

Liên tiếp trong mấy ngày nghỉ lễ, nhiều nhà hàng đã sập bẫy chiêu lừa tinh vi của kẻ gian và bị mất hàng trăm triệu đồng với chiêu lừa đặt tiệc, mua rượu.

Thủ đoạn không mới, nhưng tinh vi

Phòng CSHS Công an Lâm Đồng và Công an TP.Đà Lạt cùng đang thụ lý đơn tố cáo của 2 chủ nhà hàng về việc bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt gần 1 tỉ đồng tiền đặt tiệc và nhờ đặt rượu, sâm. Thủ đoạn, "kịch bản" của các đối tượng diễn ra như nhau, một nhà hàng bị lừa 527 triệu đồng, một nhà hàng bị lừa 240 triệu đồng.

Cụ thể, theo đơn trình báo của anh Nguyễn Đình Quốc Huy (chủ nhà hàng Vừng Ơi trên đường Thánh Mẫu, phường 7, TP.Đà Lạt), bị lừa 526 triệu đồng khi nhận đặt tiệc qua điện thoại.

Ngày 1.5, nhà hàng đông khách. Lúc này, anh Huy nhận được điện thoại của một người đàn ông giới thiệu tên Việt Thanh. Ông ta xưng đang là cán bộ của một cơ quan trên địa bàn, muốn đặt tiệc cho 20 người, 350.000 đồng/suất.

Người khách cũng yêu cầu chuẩn bị loại rượu vang để dùng trong bữa cơm. Nhà hàng không có rượu này, họ liên hệ nhiều nơi ở Đà Lạt vẫn không nơi nào bán.

Nhà hàng báo lại cho khách không chuẩn bị được rượu do không có người cung cấp.

Lúc này, người đàn ông tên Việt Thanh phản hồi là có quen đơn vị cung cấp loại rượu nói trên, đồng thời gửi số điện thoại có Zalo tên "Cửa hàng xuất nhập khẩu" để nhà hàng đặt mua giúp.

Ngoài ra, người đặt bàn còn nhờ mua sâm để tặng cho cấp trên và xin số tài khoản nhà hàng, sau đó gửi hình sao chụp giao dịch chuyển khoản vào tài khoản nhà hàng Vừng Ơi.

Tin lời, chủ nhà hàng Vừng Ơi đã đặt mua 20 chai rượu, 40 hộp sâm thường, 10 hộp sâm VIP.

Anh Huy kiểm tra nhưng chưa thấy tiền vào tài khoản. Tuy nhiên, hôm đó dịp lễ nên anh nghĩ có thể mạng bị nghẽn chưa báo tin nhắn.

Vì sao dễ dàng sập bẫy chiêu lừa đặt tiệc, mua rượu?  - Ảnh 1.

Thủ đoạn liên hệ nhắn tin, gọi điện thoại trực tiếp để đặt bàn và chuyển tiền cho nhà hàng mua rượu, mua quà, nhưng bill chuyển tiền là giả

NVCC

Trong chiều 1.5, nhà hàng Vừng Ơi đã 5 lần chuyển tiền để mua rượu, sâm giúp khách đặt tiệc từ "Cửa hàng xuất khẩu…" với tổng số tiền trên 526 triệu đồng.

Sau khi chuyển tiền thành công, người bán không giao hàng, khách đặt bàn ăn cũng không tới. Anh Huy nghi bị lừa liền trình báo đến cơ quan chức năng.

Trước đó, như Thanh Niên đã thông tin, ngày 2.5, đại diện nhà hàng An Mộc (đường Pasteur, P.4, TP Đà Lạt), cho biết cũng bị dính bẫy lừa như trên, các đối tượng dùng thủ đoạn như với nhà hàng Vừng Ơi, chiếm đoạt của nhà hàng số tiền 240 triệu đồng. Đáng lưu ý, chủ tài khoản nhận số tiền chuyển khoản mua rượu, sâm của các nhà hàng đều mang tên Dương Ngọc Khánh, có nghĩa đối tượng lừa đảo trong các vụ việc này là cùng một người. 

Giữa tháng 4.2023, một số nhà hàng tại Đồng Nai cũng liên tiếp bị lừa với chiêu thức y như vậy, chỉ khác tên loại rượu mà chúng cần đặt. Đầu năm 2023, địa bàn mà những kẻ lừa đảo chuyên nghiệp này hoạt động là ở các địa phương miền Trung như TP.Vinh (Nghệ An), Nha Trang (Khánh Hoà), Đà Nẵng... Khi đó, báo chí đã có nhiều bài viết cảnh báo nhưng đến nay vẫn còn nhiều trường hợp bị lừa với số tiền thiệt hại càng lớn hơn. 

Đánh vào tâm lý 

Những nạn nhân khi khai báo đều cho rằng, thủ đoạn của những kẻ lừa đảo rất tinh vi, trong đó chúng tự xưng là người của cơ quan nhà nước để tạo niềm tin. Sau đó là những cuộc gọi điện thoại liên hệ trao đổi trực tiếp nên các chủ nhà hàng dù đã trải qua rất nhiều kinh nghiệm nhưng cuối cùng vẫn bị lừa. 

Ông Nguyễn Ngọc Luận, chuyên gia tư vấn kinh doanh, phân tích: "Tâm lý của những người kinh doanh thường cố gắng phục vụ khách hàng trong những ngày lễ, thậm chí có được lượng khách đặt tiệc lớn không phải dễ nên hầu hết các chủ quán đều cố gắng chăm sóc tốt nhất, vì vậy kẻ lừa đảo thường lợi dụng. Trước đây, thủ đoạn đặt bàn xong rồi biến mất thường được các đối thủ cạnh tranh áp dụng để phá hoạt động kinh doanh của nhau. Tuy nhiên, từ hình thức này những kẻ lừa đảo chuyên nghiệp đã "biến tấu" thêm một tầng dẫn dụ mới. Mấu chốt trong chiêu trò này là mối quan hệ giữa người đặt tiệc và nơi cung cấp rượu. Tại sao họ có quan hệ trước đó với nhau mà không đặt hàng trực tiếp lại nhờ đơn vị trung gian là nhà hàng để đặt mua. Thông thường, nếu có nhu cầu mua rượu thật sự, người đặt tiệc cứ mua trực tiếp và giao đến nhà hàng để chuẩn bị. Đây là kẽ hở lớn nhất nhưng các chủ nhà hàng lại không nhận ra?". 

Vì sao dễ dàng sập bẫy chiêu lừa đặt tiệc, mua rượu?  - Ảnh 2.

Một trong số hàng chục ứng dụng làm giả bill (hóa đơn) có thể dễ dàng được tìm thấy trên mạng

CHỤP MÀN HÌNH

Một thủ đoạn ma mãnh trong chiêu thức lừa đảo này, đó là làm giả biên nhận chuyển tiền để lừa gạt chủ nhà hàng. Thực tế hiện nay có rất nhiều ứng dụng có thể làm giả bill (biên nhận) trong nháy mắt và có thể làm giả bill của bất cứ ngân hàng nào. 

Ở góc độ chuyên môn kỹ thuật, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena, cảnh báo: "Thủ thuật làm giả bill (hóa đơn) chuyển khoản ngân hàng hiện nay rất đơn giản. Mục đích ban đầu của các ứng dụng này là tạo ra các trò chọc ghẹo lẫn nhau mang tính cá nhân, nhưng những kẻ gian thì lợi dụng để lừa đảo. Hiện nay, việc chuyển tiền thanh toán đã trở thành thói quen của nhiều người, và cũng là cơ hội để kẻ xấu lợi dụng". 

"Trong chuỗi chiêu trò lừa gạt các nhà hàng thì lỗi một phần ở khâu quản trị kế toán, khi chưa có thông báo tiền vào tài khoản mà đã vội ứng trước tiền của mình, nên mới sập bẫy. Vì vậy, khi nhận bill, mọi người cần kiểm tra thông tin kỹ càng và khi tiền đã được chuyển vào tài khoản thì quá trình thanh toán mới được hoàn tất", ông Võ Đỗ Thắng khuyến cáo.   


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.