Vì sao ĐH Quốc gia TP.HCM chưa giải ngân đầu tư công từ nguồn vốn nước ngoài?

Hà Ánh
Hà Ánh
(thực hiện)
06/06/2024 05:35 GMT+7

Dù gần nửa năm trôi qua nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của các ĐH còn thấp, đặc biệt mức giải ngân đầu tư công từ nguồn vốn nước ngoài năm 2024 vẫn chỉ bằng 0.

Điều này ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các cơ sở đào tạo, đặc biệt là quyền lợi trực tiếp của người học.

Theo thông tin từ Hội nghị với các bộ, ngành Trung ương về tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài các tháng đầu năm 2024 do Bộ Tài chính tổ chức tháng 5 vừa qua, đại diện 2 ĐH quốc gia cho biết việc giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn. Riêng với ĐH Quốc gia TP.HCM tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài năm 2024 vẫn chỉ là con số 0.

Xung quanh vấn đề này, PV Thanh Niên trao đổi với thạc sĩ Nguyễn Quang Bảo Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Vì sao ĐH Quốc gia TP.HCM chưa giải ngân đầu tư công từ nguồn vốn nước ngoài? - Ảnh 1.

Nếu việc giải ngân triển khai nhanh chóng, cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư đồng bộ sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên

ĐÀO NGỌC THẠCH

Thưa ông, ĐH Quốc gia TP.HCM được giao ngân sách đầu tư công năm 2024 như thế nào, đến thời điểm này số giải ngân được ra sao?

Tổng số vốn đầu tư công ĐH Quốc gia TP.HCM được giao năm 2024 tính đến hết ngày 15.5 khoảng 1.118 tỉ đồng, đến nay mới giải ngân được khoảng 6 tỉ đồng (chiếm tỷ lệ 0,54% kế hoạch vốn được giao). So với cùng kỳ năm 2024 (tính đến hết tháng 5), thì tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của ĐH Quốc gia TP.HCM lần lượt qua các năm 2021, 2022, 2023 là 0,25%; 3,79% và 10,34% so với kế hoạch được giao. Trong đó, 572 tỉ đồng vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài năm 2024 vẫn chưa được giải ngân.

4 NGUYÊN NHÂN

Theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng trên?

Nguyên nhân của việc chậm và khó giải ngân của ĐH Quốc gia TP.HCM trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay do nhiều nhóm vướng mắc.

Đầu tiên là từ vấn đề cơ chế, chính sách. Một dự án đầu tư công khi được triển khai thực hiện thì phải chấp hành không chỉ quy định của luật Đầu tư công mà tùy thuộc tính chất dự án, còn phải chịu sự điều chỉnh của các luật liên quan khác, như: luật Quy hoạch, luật Ngân sách nhà nước, luật Xây dựng, luật Đất đai, luật Bảo vệ môi trường, khiến cho các dự án triển khai chậm.

Thứ 2 là việc phân cấp, phân quyền cho ĐH Quốc gia TP.HCM trong các khâu, các giai đoạn chuẩn bị và thực hiện dự án đầu tư công chưa được thực thi mạnh mẽ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Một ví dụ như thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 các dự án của ĐH Quốc gia TP.HCM, Bộ Xây dựng đã có văn bản đồng ý kiến nghị ủy quyền cho ĐH Quốc gia TP.HCM phê duyệt nhưng đến giờ này vẫn chưa thực thi được.

Thứ 3 là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chậm vì những thay đổi trong chính sách đền bù cũng như sự đồng thuận của người dân.

Nguyên nhân cuối cùng là đối với dự án sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới, việc giải ngân còn phải tuân thủ các quy định của Ngân hàng Thế giới.

Vì sao ĐH Quốc gia TP.HCM chưa giải ngân đầu tư công từ nguồn vốn nước ngoài? - Ảnh 2.

Thạc sĩ Nguyễn Quang Bảo Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM)

B.P

NGUY CƠ BỊ HỦY KHOẢN VAY

Việc không giải ngân được ngân sách đầu tư công gây ra những hậu quả gì, thưa ông?

Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm dẫn tới các công trình, dự án không hoàn thành theo đúng tiến độ, gây lãng phí. Nhưng quan trọng hơn cả là gây khó khăn cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên; chất lượng đào tạo và nghiên cứu không được đảm bảo. Các trường ĐH thành viên phải đi thuê cơ sở vật chất bên ngoài để phục vụ cho hoạt động của đơn vị. Sinh viên không được sử dụng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại.

Nếu công tác này triển khai nhanh chóng, thuận lợi, cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư đồng bộ, đúng tiến độ sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên, người học. Đồng thời, nếu khai thác, sử dụng tốt sẽ giúp tiết kiệm chi phí, gia tăng nguồn lực tài chính.

Ngoài ra, đối với gói vay của Ngân hàng Thế giới, tiến độ được phê duyệt của dự án là giai đoạn 2021 - 2025. Điều này có nghĩa thời gian còn lại để hoàn thành dự án là rất ngắn. Nếu không kịp thời giải ngân thì dự án có nguy cơ bị hủy khoản vay.

Theo ông, những giải pháp quan trọng để tháo gỡ nút thắt của vấn đề này là gì?

Về phía ĐH Quốc gia TP.HCM, chúng tôi cần tiếp tục hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư, lựa chọn dự án đầu tư, lựa chọn nhà thầu; tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp với các bên liên quan trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư.

Đối với Chính phủ, chúng tôi kiến nghị tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho tổ chức thực hiện các dự án đầu tư công, tăng cường phân cấp, phân quyền cho ĐH Quốc gia TP.HCM. Cụ thể là trao thẩm quyền cho Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 đối với các dự án đầu tư thuộc ĐH này. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.