Làm cả năm cũng chỉ đủ tiêu
Khi được hỏi đi làm cả năm qua đã tiết kiệm được bao nhiêu? Thì câu trả lời của Nguyễn Hữu Hiệp (23 tuổi), ngụ tại đường Huỳnh Tấn Phát, P.Tân Thuận Tây, Q.7 (TP.HCM) lại là làm chỉ đủ tiêu. Kể từ lúc ra trường đi làm, Hiệp gặp nhiều trắc trở trong công việc, chỉ trong năm nay, anh chàng này đã đổi chỗ làm tận 4 lần. Vừa bắt đầu công việc mới được khoảng hơn một tháng nay, Hiệp chia sẻ mức lương cũng chỉ đủ sống.
“Cứ đi làm được một thời gian thì công việc lại gặp trục trặc phải nghỉ. Trong thời gian đợi xin việc làm mới mình lại tiêu hết số tiền mà bản thân đã tiết kiệm được, thậm chí có lúc phải đi vay mượn bạn bè để xoay xở. Những mục tiêu đặt ra từ đầu năm mình cũng không thể thực hiện được vì làm được bao nhiêu là tiêu hết bấy nhiêu”, Hiệp chia sẻ.
Cũng giống như Hiệp, Nguyễn Thanh An (25 tuổi), ngụ tại đường số 2, P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân (TP.HCM), tâm sự làm quần quật cả năm cũng không dư được bao nhiêu. An cho biết bản thân may mắn hơn khi đang sống cùng với ba mẹ nên đỡ một khoản tiền thuê trọ. Vậy mà, mỗi tháng cũng chỉ tiết kiệm được 2 - 3 triệu đồng, có tháng tiêu lố thì không còn đồng nào.
“Thu nhập của mình không ổn định, dao động từ 8 - 12 triệu đồng/tháng. Mặc dù ở chung với ba mẹ nhưng mình thường xuyên ăn uống bên ngoài, rồi đi chơi, gặp gỡ bạn bè, xăng xe, chi phí mua sắm, phụ ba mẹ những khoản như điện nước, wifi. Tháng nào mà có đám cưới, tiệc tùng nữa là coi như sạch ví. Muốn tích góp để phòng thân và xa hơn là cưới vợ mà đi làm gần 4 năm qua nhưng số tiền dành dụm cũng không đáng là bao”, chàng trai 9X tâm sự.
Với những bạn trẻ chưa có gia đình nhưng việc tiết kiệm đã khó, thì những người đã có chồng, con như chị Võ Thị Ly (31 tuổi), ngụ tại đường Hà Huy Tập, Q.Thanh Khê (TP.Đà Nẵng) chuyện dư giả lại càng xa vời hơn. Sinh sống và làm việc ở TP.Đà Nẵng được 7 năm nay, chị Ly cho biết mức thu nhập của bản thân cũng chỉ dao động từ 6 - 8 triệu đồng mỗi tháng. Hai vợ chồng đều làm quần quật cả năm nhưng cũng chỉ đủ tiêu.
“Mỗi tháng, mình có rất nhiều khoản cần phải chi tiêu, tiền nhà và điện nước là 3 triệu đồng; tiền học cho 2 đứa con hết 4,5 triệu đồng. Chưa kể tiền học thêm; bỉm sữa 2 triệu đồng; tiền ăn khoảng 3 - 4 triệu đồng, đó là nhờ gạo và rau của ông bà mang từ quê ra nên đỡ một phần. Ngoài ra, còn các chi phí phát sinh như con đau ốm, hiếu hỉ, vui chơi...”, chị Ly chia sẻ.
Vì chi phí quá nhiều nên cách đây vài tháng vợ chồng chị Ly gửi con trai nhỏ về quê cho ông bà nội trông nom hộ. “Nhờ vậy, mới đỡ bớt một phần chi phí. Mình cũng suy nghĩ đến việc có nhà ở thành phố nhưng không phải bây giờ. Chắc phải nhiều năm nữa khi con lớn hơn thì mới mong đến chuyện mua nhà”, chị Ly nói.
Tiết kiệm chi tiêu bằng cách nào?
Bài toán chi tiêu luôn là vấn đề khiến không ít người đau đầu. Sau một năm làm việc chăm chỉ ai cũng mong có một khoản để tích góp nhưng thực tế lại không hề dễ dàng.
Chia sẻ về vấn đề này, tiến sĩ kinh tế Huỳnh Thanh Điền, giảng viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết muốn tiết kiệm được thì phải có kỷ luật trong vấn đề chi tiêu. “Dù đi làm lương ít hay nhiều cũng phải đặt mục tiêu một tháng cần tiết kiệm được bao nhiêu đó và cố gắng thực hiện, không để thâm hụt. Tháng nào chi tiêu lố, thì tháng sau phải bù lại. Tôi hiểu các bạn còn trẻ thì có rất nhiều khoản phải chi tiêu, như chi phí sinh hoạt, gặp gỡ bạn bè, mua sắm quần áo, mỹ phẩm. Nhưng còn trẻ thì phải có ý thức tiết kiệm và muốn làm được chỉ còn cách là hạn chế những khoản này, vượt qua những cạm bẫy chi tiêu”, ông Điền cho biết.
Tương tự, PGS-TS Nguyễn Thành Đạt, giảng viên Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), cũng cho rằng thực trạng làm quần quật cả năm nhưng vẫn không tiết kiệm được có thể xuất phát từ chính thói quen không áp dụng kỷ luật trong chi tiêu. "Nhiều người có thu nhập ở mức khá nhưng lại không tiết kiệm được bao nhiêu là do chi tiêu cho những khoản không quan trọng quá nhiều. Chẳng hạn, những khoản cho ăn vặt, cà phê, tụ tập bạn bè… Nếu không được kiểm soát thì sẽ chiếm rất nhiều trong ngân sách chi tiêu. Bên cạnh đó, mức sống hiện nay ở nhiều nơi tương đối cao so với thu nhập các cá nhân, đặc biệt là các bạn trẻ mới bắt đầu sự nghiệp và có mức lương thấp. Các chi phí nhà ở, sinh hoạt, đi lại cũng đã chiếm khá nhiều nên phần chênh lệch tiết kiệm được thực sự không còn bao nhiêu", ông Đạt cho hay.
Để quản lý chi tiêu hiệu quả, ông Đạt đưa ra lời khuyên: "Cần phải có kế hoạch chi tiêu một cách cụ thể nếu muốn tiết kiệm. Phải xác định được ngân sách tổng mà mình có và tính toán số tiền có thể chi để không ảnh hưởng đến các khoản tiết kiệm hay kế hoạch dài hạn. Trong đó, cần ưu tiên các khoản cần thiết và bỏ qua những thứ không thực sự cần. Nên tập cho mình những thói quen như tự nấu ăn, lên kế hoạch mua sắm thực phẩm hàng tuần để kiểm soát chi phí ăn uống".
Còn tiến sĩ Điền thì cho rằng việc biết cách đầu tư và cố gắng làm việc chăm chỉ để tăng thu nhập cũng là một giải pháp. “Khi làm việc chăm chỉ hơn bạn không chỉ có thêm thu nhập mà còn có ít thời gian đi chơi để tiêu tiền. Với người trẻ mới ra trường và đi làm thì chủ yếu dùng kiến thức, kỹ năng, sức lao động để kiếm tiền. Vì vậy, phải học cách nâng cấp bản thân để có thể thăng tiến, tăng thu nhập. Ngoài ra, nếu biết đánh giá, phân tích thị trường thì nên đầu tư hoặc mua sắm những tài sản có khả năng sinh lời rồi sau đó mới nghĩ đến chuyện hưởng thụ. Còn nếu không thì tốt nhất nên gửi tiết kiệm sinh lời là an toàn nhất”, ông Điền cho hay.
Bình luận (0)