Vì sao dịch Covid-19 ở Hà Nội 'lập đỉnh'?

15/12/2021 06:52 GMT+7

Lần đầu tiên theo thống kê của Bộ Y tế , số ca Covid-19 hôm 13.12 của Hà Nội nhiều nhất nước, trên 1.000 ca, đánh dấu đỉnh dịch của TP trong đợt dịch thứ 4. Hà Nội thậm chí đã xây dựng kịch bản ứng phó khi F0 lên đến 2.000 - 3.000 ca/ngày.

Vì sao số ca F0 tại Hà Nội lại tăng vọt nhanh chóng, từ mốc vài trăm ca lên đến nghìn ca/ngày, trong khi một số vùng dịch phía nam đang giảm khá nhanh?

Chủ quan

Trong 2 tháng tính từ 11.10 - 13.12, Hà Nội đã ghi nhận gần 15.000 ca mắc Covid-19. Riêng từ ngày 6 - 12.12 đã phát hiện thêm 4.550 ca (ngày 12.12 lên tới gần 900 ca). Hà Nội hiện còn 37 điểm phong tỏa và 9 chùm ca bệnh. Số ca mắc mới tại TP từ mốc chỉ 100 - 200 ca/ngày vào đầu tháng 11 đã tăng lên 500 ca/ngày vào đầu tháng 12, và tăng lên 900 - 1.000 ca/ngày trong hơn 10 ngày sau đó.

Cách ly F1 tại nhà thuộc P.Quang Trung (Q.Hà Đông, Hà Nội)

Trường Phong

Thông tin với báo chí hôm 14.12, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá tâm lý chủ quan của người dân còn phổ biến, nhất là tình trạng tụ tập đông người, không thực hiện 5K trong tổ chức lễ, đám, ăn uống ở hàng, quán... diễn ra nhiều nơi. Một số quận, huyện, phường, xã vẫn chưa triển khai điều trị F0 thể nhẹ hoặc không triệu chứng và cách ly F1 tại nhà.

Hà Nội sẽ "không phong tỏa diện rộng"

Trước đó, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cũng nhận định nguyên nhân số F0 tăng cao, nhất là các ca cộng đồng, là do mầm bệnh đã ở trong cộng đồng; giao thương, sản xuất kinh doanh trở lại sau giai đoạn giãn cách; người nhập cảnh; khí hậu mùa đông - xuân thuận lợi để vi rút phát triển; tâm lý chủ quan của người dân khi đã tiêm vắc xin...

Hà Nội vẫn duy trì dịch ở cấp độ 2 (màu vàng), song ở Q.Đống Đa, 13 xã, phường đã chuyển lên cấp độ 3 (màu cam). Trước diễn biến dịch phức tạp, UBND Q.Đống Đa đã phải siết lại các biện pháp phòng chống dịch, hạn chế tụ tập đông người, hàng quán chỉ được bán mang về, người dân không ra đường khi không cần thiết...

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho biết TP đã triển khai 32 bệnh viện (BV), cơ sở thu dung và 27 cơ sở thu dung theo mô hình trạm y tế (TYT) lưu động với năng lực điều trị cho 100.000 ca bệnh. Hà Nội cũng đã thi công xong hệ thống ô xy tại 25 BV với 3.200 đầu ra khí ô xy phục vụ người bệnh. Đặc biệt, TP yêu cầu xây dựng kịch bản, phương án ứng phó khi số ca F0 tăng lên 2.000 ca và 3.000 ca/ngày.

Các cơ sở điều trị quá tải

Theo thống kê, Hà Nội có 9.463 F0 đang điều trị, trong đó có 2.800 người điều trị tại TYT lưu động và 540 người điều trị tại nhà. Riêng số F1 cách ly tại nhà tính đến 9.12 là hơn 21.000 người và đang tăng lên nhanh chóng. Dù TP khẳng định dịch bệnh vẫn đang trong tầm kiểm soát, song số F0, F1 tăng nhanh cùng việc cách ly F1 và điều trị F0 tại nhà lại đang dồn gánh nặng lên y tế cơ sở vốn rất thiếu nhân lực.

Đã xuất hiện tình trạng F0 được xác định dương tính nhưng chậm được đưa đi điều trị. Cụ thể, cư dân tại tòa HH3A, chung cư Linh Đàm (P.Hoàng Liệt, Q.Hoàng Mai) phản ánh F0 được xác định từ 11.12 nhưng đến chiều 14.12 vẫn chưa được đi điều trị. Lãnh đạo P.Hoàng Liệt cho biết chiều tối 14.12, cơ quan chức năng đã đưa 1 F0 tại chung cư HH3A đi điều trị. Cũng theo lãnh đạo P.Hoàng Liệt, do số lượng F0 trên địa bàn tăng nhanh nên các cơ sở thu dung, điều trị của quận và TP quá tải, phải chờ bố trí chỗ.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Trương Kỳ Phong, Giám đốc Trung tâm y tế Q.Hà Đông, cho biết quận này có 183 F0 đang điều trị tại nhà cũng như khu thu dung tại Trường ĐH Đại Nam, ngoài ra có hơn 300 F1 đang cách ly tại nhà. “Toàn quận có 17 TYT, mỗi trạm trung bình có 7 - 8 nhân lực và phải làm rất nhiều việc từ tiêm chủng, truy vết đến theo dõi F1 cách ly tại nhà...”, ông Phong nói.

Dù đã huy động thêm các lực lượng hỗ trợ vòng ngoài như Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, song chỉ hỗ trợ được một phần. TP.Hà Nội đã có chính sách huy động lực lượng y tế đã nghỉ hưu hay sinh viên mới ra trường, song chưa có cơ chế hợp đồng làm việc (đơn vị có thu được ký hợp đồng làm việc, trong khi TYT không phải đơn vị có thu). Mong muốn lớn nhất của lãnh đạo y tế Q.Hà Đông là được bố trí đủ nhân lực khi số F1, F0 tiếp tục tăng. Mặt khác, việc cách ly F1 hay điều trị F0 tại nhà cần sự phối hợp rất lớn của người dân, đặc biệt trong việc giữ an toàn không lây lan ra cộng đồng.

Bà Trần Thị Nhị Hà cũng cho biết các TYT tuyến cơ sở đang quá tải khi số ca Covid-19 gia tăng. Những phường đông dân tại các quận Hoàng Mai, Đống Đa với trên 30.000 dân nhưng chỉ có 5 - 10 cán bộ y tế. Thiếu thốn về cơ sở vật chất và trang thiết bị xuống cấp làm ngành y tế gặp nhiều khó khăn.

Bản tin Covid-19 ngày 15.12: Cả nước 15.527 ca mới | Biến thể Omicron đã ở “sát nách” Việt Nam

Cần rút kinh nghiệm từ đợt dịch trước

PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nhìn nhận có nhiều người mang mầm bệnh là các F0 nhưng không triệu chứng; khi mật độ tiếp xúc cao sẽ dễ dàng lây lan, hình thành các ổ dịch trong cộng đồng. Vừa qua, Hà Nội đã có ổ dịch là những người dự đám cưới, tham gia tập trung đông người.

Theo ông Phu, ca bệnh tại Hà Nội có thể tăng hơn nữa với diễn biến như gần đây. “Dịch Covid-19 tại Hà Nội đã được kiểm soát nhưng nếu không có biện pháp khống chế thì có thể sẽ tăng mạnh. Khi F0 tăng cao thì cũng kéo theo các ca nặng tăng lên, dễ dẫn đến quá tải các cơ sở điều trị. Ngay cả khi F0 nhẹ tăng cao, nhân viên y tế cơ sở cũng quá tải, rất khó khăn để theo dõi sát, khi có ca nặng có thể không đánh giá hoặc chuyển viện kịp thời, tăng nguy cơ tử vong”, ông Phu nói.

Theo ông Phu, chủng Delta hiện vẫn là tác nhân lây truyền mạnh, rất dễ lây khi tiếp xúc gần, tại những nơi tập trung đông người, trong không gian kín… Biến chủng Omicron có nguy cơ xâm nhập, mà Hà Nội là nơi có các cửa khẩu đón người nhập cảnh, do đó dịch tại Hà Nội còn phức tạp, khó lường.

Đặc biệt, Hà Nội cần rút kinh nghiệm từ đợt bùng phát dịch sau lễ 30.4 - 1.5 vừa qua, các dịp lễ, hội, kỳ nghỉ cuối năm không tập trung đông; không đi lại khi không thật cần thiết. Các yếu tố nguy cơ càng hạn chế càng tốt, giảm thấp nhất lây lan, hình thành các ổ dịch trong cộng đồng và bùng phát. “Chúng ta xác định sống chung với Covid-19 không có nghĩa là cho phép chủ quan, mà luôn thực hiện tốt khuyến cáo 5K”, ông Phu nói.

3 người bay từ Việt Nam sang Hồng Kông (Trung Quốc) mắc Covid-19 do chủng Delta

Ngày 10.12, Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ y tế quốc tế (IHR - 2005) VN (Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) nhận được thông báo từ Cơ quan đầu mối quốc gia IHR (Bộ Y tế) Hồng Kông (Trung Quốc) về 3 trường hợp phát hiện mắc Covid-19, nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, khi nhập cảnh Hồng Kông ngày 8.12.

Cả 3 trường hợp (2 công dân Việt Nam và 1 công dân nước ngoài) đáp chuyến bay số hiệu CX764 từ TP.HCM đi Hồng Kông. Ngay khi có thông tin, Cơ quan đầu mối quốc gia IHR 2005 VN đã liên hệ, chỉ đạo Viện Pasteur TP.HCM phối hợp với HCDC TP.HCM thực hiện giám sát, điều tra xử lý ổ dịch và truy vết người tiếp xúc gần với 3 trường hợp trên trong 14 ngày trước khi xuất cảnh.

Ngày 11.12, phía Hồng Kông cung cấp thông tin khẳng định kết quả giải trình tự gien đều thuộc biến thể Delta, không liên quan đến Omicron. Cả 3 người này có sức khỏe ổn định, không xuất hiện triệu chứng và đang được cách ly, điều trị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.