Bản tin Covid-19 ngày 14.12: Thế trận mới để ứng phó với biến chủng Omicron

14/12/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 14.12 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 14.12 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:

Cả nước 15.220 ca Covid-19, 4.524 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế tối 14.12 cho biết tính từ 16h ngày 13.12 đến 16h ngày 14.12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 15.220 ca nhiễm mới, 4.524 ca khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 252 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 28.333 ca.

Ngày 14.12: Cả nước 15.220 ca Covid-19, 4.524 ca khỏi | TP.HCM 991 ca

Thông tin về 15.220 ca nhiễm mới như sau:

  • 17 ca cách ly sau khi nhập cảnh.
  • 15.203 ca ghi nhận trong nước (giảm 146 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 9.351 ca trong cộng đồng). Gồm: Cà Mau (1.011), TP.HCM (991), Tây Ninh (931), Bình Phước (907), Hà Nội (837), Đồng Tháp (734), Cần Thơ (692), Khánh Hòa (597), Vĩnh Long (596), Bến Tre (573), Bạc Liêu (475), Bình Định (468), Trà Vinh (465), Sóc Trăng (436), Tiền Giang (402), Thừa Thiên-Huế (394), Hải Phòng (382), Bình Dương (352), Đồng Nai (336), An Giang (300), Kiên Giang (296), Hậu Giang (295), Bà Rịa - Vũng Tàu (258), Bắc Ninh (225), Bình Thuận (211), Lâm Đồng (193), Đắk Lắk (178), Đà Nẵng (177), Quảng Ngãi (150), Gia Lai (141), Thanh Hóa (121), Hưng Yên (96), Đắk Nông (83), Long An (80), Quảng Nam (80), Nghệ An (67), Phú Yên (64), Quảng Ninh (62), Hà Giang (55), Ninh Thuận (45), Thái Bình (45), Hải Dương (45), Nam Định (44), Quảng Trị (35), Thái Nguyên (34), Ninh Bình (32), Vĩnh Phúc (29), Phú Thọ (28), Lạng Sơn (25), Sơn La (23), Hà Tĩnh (14), Hà Nam (14), Hòa Bình (13), Cao Bằng (12), Kon Tum (12), Bắc Giang (11), Quảng Bình (9), Lào Cai (8 ), Điện Biên (8), Tuyên Quang (3), Yên Bái (2), Lai Châu (1).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bến Tre (-294), Hà Nội (-163), An Giang (-122).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Cà Mau (+218), Hải Phòng (+199), Bạc Liêu (+141).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 15.142 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.443.648 ca nhiễm, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 148/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 14.641 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.438.207 ca, trong đó có 1.057.619 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TPHCM (489.165), Bình Dương (287.908), Đồng Nai (92.911), Tây Ninh (40.546), Long An (39.392).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 4.524 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.060.436 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.779 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 5.364 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.292 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 169 ca
  • Thở máy xâm lấn: 935 ca
  • ECMO: 19 ca

Từ 17h30 ngày 13.12 đến 17h30 ngày 14.12 ghi nhận 252 ca tử vong:

  • Tại TP.HCM (64) trong đó có 5 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Long An (1), Bình Phước (1), Đồng Nai (1), Tiền Giang (1), Sóc Trăng (1).
  • Tại các tỉnh, thành phố khác: An Giang (28), Đồng Nai (27), Bình Dương (18), Tây Ninh (16), Bạc Liêu (12), Đồng Tháp (10), Tiền Giang (10), Kiên Giang (9), Long An (8 ), Sóc Trăng (7), Bình Thuận (6), Hà Nội (6), Trà Vinh (5), Vĩnh Long (4), Cà Mau (4), Vĩnh Phúc (3), Khánh Hòa (3), Bà Rịa - Vũng Tàu (3), Bến Tre (3), Bình Phước (2), Bình Định (1), Gia Lai (1), Ninh Thuận (1), Hậu Giang (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 233 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 28.333 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 32/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 132/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 9/49 (xếp thứ 4 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).

Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 119.247 mẫu xét nghiệm cho 139.945 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 28.115.361 mẫu cho 71.472.525 lượt người.

Trong ngày 13.12 có 748.830 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 133.631.226 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 75.018.674 liều, tiêm mũi 2 là 58.612.552 liều.

TP.HCM: Gần 17.000 người đã tiêm vắc xin Covid-19 liều 3

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tính đến 7 giờ 30 ngày 14.12, toàn TP.HCM đã tiêm được 14,8 triệu liều vắc xin Covid-19. Trong đó có 7,9 triệu liều mũi 1 và 6,9 triệu liều mũi 2. Đặc biệt, TP.HCM đã tiêm gần 17.000 liều vắc xin mũi thứ 3, cụ thể đã tiêm 5.747 liều bổ sung và 11.243 liều nhắc lại.

TP.HCM có gần 17.000 người đã tiêm mũi 3 vắc xin Covid-19

Theo thống kê của Chi Cục dân số - kế hoạch hóa gia đình, dân số TP.HCM từ từ 18 tuổi trở lên là hơn 7,2 triệu người. Như vậy, đối với người từ 18 tuổi trở lên, TP.HCM đã tiêm 7,2 triệu liều mũi 1 (đạt 100,53 %); tiêm 6,2 triệu liều mũi 2 (đạt 86,6 %).

Đối với người từ 50 tuổi trở lên, TP.HCM đã tiêm 1,79 triệu liều mũi 1 (đạt 90,3%) và 1,7 triệu liều mũi 2 (đạt 86,9 %).

Cũng theo thống kê, trẻ từ 12 - 17 tuổi là 702.563 người, TP.HCM đã tiêm mũi 1 với 697.726 liều (đạt 99,3 %) và mũi 2 tiêm 630.104 liều (đạt 89,69 %).

Số lượng vắc xin Covid-19 tại TP.HCM tính đến ngày 12.12 là 725.444 liều. Trong đó, vắc xin AstraZeneca là 384.440 liều; vắc xin Vero cell là 36.798 liều và vắc Pfizer là 304.206 liều.

Chiều 13.12, tại họp báo về công tác phòng chống dịch, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 4098 ngày 7.12 về triển khai chiến dịch người thuộc nhóm nguy cơ.

Theo đó, chiến dịch sẽ tập trung nguồn lực để bảo vệ sức khỏe cho người trên 65 tuổi và người có bệnh nền với mục tiêu hạn chế thấp nhất tỉ lệ mắc và tử vong do Covid-19, đây cũng chính là nhóm người thuộc nhóm đối tượng nguy cơ rất cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định 5525 ngày 1.12.2021 về phân loại nguy cơ người nhiễm SARS–CoV-2 và định hướng xử lý, cách ly, điều trị. Qua phân tích các trường hợp tử vong do Covid-19 trong thời gian qua trên địa bàn thành phố cho thấy phần lớn tỉ lệ tử vong rơi vào nhóm nguy cơ này.

TP.HCM kêu gọi người dân chưa tiêm vắc xin Covid-19, nhất là người mới trở lại TP.HCM, cần nhanh chóng đăng ký để được tiêm. TP.HCM cũng đang tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại cho nhóm người nguy cơ, tuyến đầu chống dịch.

Thế trận y tế với 8 giải pháp ứng phó biến chủng Omicron của TP.HCM

Ngày 14.12, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã ký ban hành kế hoạch Xây dựng thế trận y tế ứng phó với biến chủng Omicron SARS-CoV-2 tại thành phố với 8 giải pháp trọng tâm.

Thế trận y tế với 8 giải pháp ứng phó biến chủng Omicron của TP.HCM

Việc này nhằm triển khai hiệu quả các biện pháp ngăn chặn biến thể xâm nhập, đồng thời phát hiện sớm nhất sự xuất hiện của biến chủng Omicron trên địa bàn. Mặt khác, kế hoạch cũng sẽ là bước chuẩn bị sẵn sàng các phương án kiểm soát, can thiệp kịp thời, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh đối với sức khỏe người dân và hoạt động kinh tế - xã hội.

Giải pháp thứ nhất là tăng cường giám sát kiểm dịch tại cửa khẩu hàng không, hàng hải thông qua việc thực hiện nghiêm các quy định về kiểm dịch y tế quốc tế đặc biệt yêu cầu hành khách chuyến bay quốc tế phải có xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh, tổ chức cách ly kiểm dịch, xét nghiệm kiểm tra SARS-CoV-2 theo đúng quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đặc biệt lưu ý đối với các chuyến bay, chuyến tàu xuất phát hoặc có hành khách đến từ các quốc gia đang có sự xuất hiện của biến chủng Omicron, bắt buộc cách ly tập trung đối với người nhập cảnh từ các quốc gia này (không cho phép cách ly tại nhà), bất kể tiền sử đã tiêm vắc xin hoặc đã mắc Covid-19 trước đó.

Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp an ninh hàng hải, giám sát ngăn chặn và phát hiện sớm, xử lý nghiêm những trường hợp lên bờ, xuống tàu bất hợp pháp.

Giải pháp thứ hai là tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc biến chủng Omicron tại địa bàn dân cư, cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp thông qua hoạt động theo dõi sức khỏe, tầm soát, sàng lọc .

Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc biến chủng Omicron, phải thông báo sớm cho cơ quan chức năng, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tại địa phương những trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 có liên quan người nhập cảnh, trong đó có thể có những trường hợp không phát hiện nhiễm trong quá trình cách ly kiểm dịch sau nhập cảnh.

Giải pháp thứ ba là tổ chức giám sát bằng xét nghiệm nhằm phát hiện sớm nhất các trường hợp nhiễm biến chủng Omicron. Các phòng xét nghiệm chủ động phát hiện sớm trường hợp nhiễm biến thế Omicron bằng cách xem xét dấu hiệu thiếu gen trong các mẫu xét nghiệm Realtime-PCR dương tính với SARS-CoV-2. Đồng thời, thực hiện xét nghiệm giải trình tự gen tất cả các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 thuộc nhóm: người nhập cảnh trong vòng 28 ngày, người tái nhiễm Covid-19.

Tất cả các trường hợp sau khi phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 được chuyển đến Bệnh viện dã chiến số 12 để cách ly điều trị và thực hiện xét nghiệm giải trình tự gen. Ngoài ra, TP.HCM cũng tổ chức giám sát ngẫu nhiên một số trường hợp nghi ngờ khác tùy thuộc vào tình hình diễn biến dịch bệnh trong nước và trên thế giới.

Giải pháp thứ tư là tăng cường cập nhật thông tin liên tục trên thế giới về biến chủng Omicron để có đánh giá đúng mức về sự nguy hiểm, chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa, can thiệp và tổ chức truyền thông phù hợp, hiệu quả.

Giải pháp thứ năm là triển khai đầy đủ, kịp thời việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều bổ sung, liều nhắc lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tiếp tục rà soát trên địa bàn dân cư để vận động và tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 cho những người chưa tiêm đầy đủ, nhất là những người lớn tuổi, có bệnh nền.

Các giải pháp còn lại có thể kể đến kiện toàn và triển khai đồng bộ hệ thống kiểm dịch từ cấp thành phố đến cấp huyện và cấp xã; ứng phó linh hoạt tùy thuộc theo cấp độ nguy hiểm của dịch do biến chủng Omicron gây ra.

Khi phát hiện các trường hợp nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên, TP.HCM yêu cầu tập trung điều tra truy vết tìm nguồn lây ban đầu và người tiếp xúc gần để khẩn trương xử lý dập dịch, cắt đứt chuỗi lây nhiễm. Tùy theo mức độ nguy hiểm về khả năng lây lan và gây bệnh nặng của biến chủng Omicron được cập nhật, kịp thời triển khai các biện pháp kiểm soát dịch tương ứng như truy vết, cách ly tập trung nghiêm ngặt đối với người tiếp xúc gần (hay còn gọi là F1).

Ngoài ra, TP.HCM tiếp tục triển khai đầy đủ và hiệu quả các trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng; xây dựng kế hoạch triển khai bệnh viện dã chiến hoặc cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 ở cấp huyện, sẵn sàng kích hoạt và đưa vào hoạt động ngay khi có yêu cầu.

Về biến chủng Omicron, UBND TP.HCM viện dẫn đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đối với biến chủng Omicron là đáng lo ngại vì một số báo cáo ở Nam Phi cho thấy tốc độ lây lan nhanh chóng của biến chủng mới này.

Tại Việt Nam, ngày 29.11, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Y tế chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra; thường xuyên trao đổi với WHO để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến thể này để đề xuất các phương án, biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả với tình hình dịch Covid-19.

Cả nước đã tiêm trên 133,7 triệu liều vắc xin Covid-19

Cập nhật trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, đến 13 giờ ngày 14.12.2021, cả nước đã tiêm trên 133,7 triệu liều vắc xin phòng Covid-19. Các địa phương, đơn vị đang nỗ lực triển khai tiêm chủng để nhanh chóng đạt được độ bao phủ mũi 1 cho những đối tượng trong độ tuổi chỉ định tiêm chủng trong năm 2021 và trả mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.

Cả nước đã tiêm trên 133,7 triệu liều vắc xin Covid-19

Tính đến ngày 13.12, tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin là 96,7% và tỉ lệ tiêm đủ 2 liều là 79,1% dân số từ 18 tuổi trở lên. Theo khu vực, tỉ lệ này lần lượt như sau:

  • Miền Bắc là 93,7% và 71,9%.
  • Miền Trung là 93,5% và 77,9%.
  • Tây Nguyên là 90,3% và 63,7%.
  • Miền Nam là 99,5% và 86,9%.

Có 42/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin cho trên 90% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 30 tỉnh thành đạt tỉ lệ trên 95% gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Nghệ An, Tuyên Quang, Lào Cai, Điện Biên, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Nông, TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Hậu Giang.

21/63 tỉnh, thành phố còn lại có tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin dưới 90% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó 5 tỉnh có tỉ lệ bao phủ thấp nhất gồm: Hà Giang (78,4%), Cao Bằng (81,2%), Quảng Nam (81,4%), Bạc Liêu (83,0%) và Thái Bình (83,3%).

Hiện đã có 59/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ đủ 2 liều vắc xin cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50%, trong đó có 45 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ trên 70%.

Các tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ trên 90% gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Nông, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Cần Thơ, Vĩnh Long và Cà Mau. Các tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ dưới 50% gồm: Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Sơn La.

Về triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, báo cáo của Bộ Y tế cho biết các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm được hơn 7,3 triệu liều, trong đó có hơn 5,8 triệu liều mũi 1 và hơn 1,4 triệu liều mũi 2. Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều là 64,4% và tỉ lệ bao phủ đủ 2 liều là 16,2% dân số từ 12 -17 tuổi.

Hà Nội lên kịch bản ứng phó khi F0 tăng 3.000 ca/ngày

Thông tin với báo chí ngày 14.12.2021, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết tính từ 11.10 đến 13.12, toàn thành phố đã ghi nhận gần 15.000 ca mắc Covid-19. Riêng tuần từ ngày 6.12 đến ngày 12.12 đã phát sinh thêm 4.550 ca, đặc biệt ngày 12.12 lên tới gần 900 ca. Hiện thành phố vẫn còn 37 điểm phong tỏa và 9 chùm ca bệnh.

Hà Nội lên kịch bản ứng phó khi F0 mắc Covid-19 tăng 3.000 ca:ngày

Theo ông Đinh Tiến Dũng, tâm lý chủ quan còn phổ biến, nhất là tình trạng tụ tập đông người, không thực hiện 5K trong tổ chức lễ, đám, ăn uống ở hàng, quán... diễn ra nhiều nơi. Một số quận, huyện, phường, xã vẫn chưa triển khai điều trị F0 thể nhẹ hoặc không triệu chứng, cách ly F1 tại nhà.

Hiện tại, thành phố đã triển khai 32 bệnh viện, cơ sở thu dung và 27 cơ sở thu dung theo mô hình trạm y tế lưu động với năng lực điều trị cho 100.000 ca bệnh. Hà Nội cũng đã triển khai thi công xong hệ thống ô xy tại 25 bệnh viện với 3.200 đầu ra khí ô xy phục vụ người bệnh; tập huấn chuyên môn trực tuyến cho tất cả các xã, phường, thị trấn và triển khai ứng dụng phần mềm để quản lý, theo dõi, điều trị cho F0 tại nhà.

Thường trực Thành uỷ cũng đã yêu cầu Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo xây dựng kịch bản, phương án ứng phó khi số ca F0 tăng lên 2.000 và 3.000 ca/ngày.

Đồng thời, tiếp tục huy động sự tham gia của các bệnh viện, cơ sở y tế của các bộ, ngành Trung ương, huy động lực lượng y, bác sĩ đã nghỉ hưu, lực lượng sinh viên ngành y tham gia hỗ trợ y tế tuyến cơ sở. Hà Nội tiếp tục tiêm vắc xin mũi 1 phòng Covid-19 cho những người chưa được tiêm, nhất là người có bệnh nền và học sinh cấp trung học cơ sở; tiêm mũi 2 cho học sinh trung học phổ thông đủ điều kiện và sẵn sàng tiêm mũi 3 cho đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đặc biệt, bí thư, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chủ động trong xác định cấp độ dịch và biện pháp tương ứng.

Quận vùng cam của Hà Nội nhắc nhở hàng quán bán mang về

Sáng 14.12, tại quận Đống Đa - quận vùng cam duy nhất của Hà Nội, UBND phường Trung Tự cùng với lực lượng công an, trật tự đã tiến hành nhắc nhở các chủ nhà hàng, quán ăn, cà phê trên địa bàn phường tuân thủ quy định phòng dịch mới được áp dụng từ chiều 13.12.

Quận vùng cam duy nhất của Hà Nội nhắc nhở hàng quán bán mang về

Theo đó, các hàng ăn, quán ăn không được phục vụ tại chỗ, chỉ được bán mang về và phải đóng cửa trước 21 giờ hằng ngày. Những trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính.

Sau khi nhận được chỉ đạo của UBND quận thì UBND phường có văn bản xuống các tổ dân phố, phối hợp với công an phường cùng các lực lượng chức năng, ban ngành đoàn thể tuyên truyền tới nhân dân thực hiện nghiêm chỉ thị dừng các hoạt động ăn uống tại chỗ, chỉ được bán mang về. Sau tuyên truyền nhắc nhở, gửi thông báo, ký cam kết, UBND phường trong sáng nay đã đi kiểm tra và nhắc nhở và xử lý các trường hợp cố tình vi phạm việc ăn uống tại chỗ.

Các đoàn kiểm tra sẽ hoạt động liên tục từ sáng đến hơn 21 giờ. Sau 21 giờ, chúng tôi sẽ tiếp tục nhắc nhở các hoạt động vi phạm trật tự đô thị. Các hàng ăn chỉ được mở cửa đến 21 giờ, chúng tôi tiếp tục đi nhắc nhở các cửa hàng phải đóng cửa sau 21 giờ”, ông Đặng Minh Chính, Phó Chủ tịch UBND Q. Đống Đa chia sẻ.

Nhiều chủ cửa hàng ăn tại quận Đống Đa cho biết họ liên tục phải bù lỗ trong thời gian giãn cách xã hội. Đến nay, quy định bán mang về khiến họ không gượng dậy nổi vì lượng khách sụt giảm chỉ còn 1/3. Một số chủ cửa hàng ăn đã chuẩn bị tâm lý đóng cửa vì chi phí quá cao.

“Do dịch bệnh, người dân cũng hạn chế ăn ở ngoài mà bây giờ còn thực hiện chỉ thị mới này, chỉ được bán mang về thì doanh thu bị giảm mất 2/3. Chỉ thị chung như vậy thì mình cũng phải chấp nhận thôi. Chủ nhà hỗ trợ được bao nhiêu thì mình được hưởng bấy nhiêu. Mặt đường như quán nhà tôi đang thuê là 20 triệu. Tiền nhà đóng 6 tháng một lần. Như hiện nay mỗi tháng tôi phải bỏ tiền túi hơn 15 triệu để bù lỗ. Khách giảm mất 2/3 mà doanh thu không có thì mình phải bù lỗ”, ông Cồ Khắc Chiền, chủ một quán phở bò ở Q. Đống Đa, cho biết.

Tình hình dịch bệnh đang rất phức tạp mà quận Đống Đa chỉ cho bán mang về như thế này thì người dân sẽ sang quận khác để ăn uống, dịch bệnh vẫn tiến triển chứ không dừng lại được. Mong là dịch bệnh thì các nơi đóng cửa hết để dập dịch, tình hình đỡ hơn. Trước đây cửa hàng tôi rất đông khách nhưng giờ bán mang về thì không có một bóng người nào, lác đác có vài khách. Tôi cũng đang rất lo lắng đây, nếu không duy trì được thì cũng phải nghỉ thôi”, bà Tô Kim Hằng, một chủ quán cơm địa phận Q. Đống Đa, chia sẻ thêm.

Một số chủ nhà hàng khác lo ngại việc hạn chế các hàng quán ăn ở quận Đống Đa không có hiệu quả trong chống dịch vì người dân vẫn đang được tự do đi lại. Họ hoàn toàn có lựa chọn di chuyển từ quận vùng cam sang các quận khác để ăn uống, nguy cơ dịch bệnh vẫn không giảm.

Thế giới có ca tử vong đầu tiên vì biến thể Omicron

Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 13.12 cho biết ít nhất một người đã tử vong sau khi nhiễm biến thể Omicron, trường hợp đầu tiên được xác nhận công khai trên toàn cầu do chủng virus mới nổi này gây ra.

Anh ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì biến thể Omicron

Kể từ khi các trường hợp mắc biến thể Omicron đầu tiên được phát hiện vào ngày 27.11 tại Anh, ông Johnson đã áp dụng các hạn chế cứng rắn hơn và cảnh báo rằng biến thể có thể vượt qua khả năng bảo vệ miễn dịch của những người được tiêm hai liều vắc xin ngừa Covid-19.

Anh không đưa ra thông tin chi tiết về ca tử vong nên không rõ bệnh nhân có tiêm vắc xin hay có bệnh nền không. Nhiều trường hợp tử vong vì Omicron có thể đã xảy ra ở các quốc gia khác nhưng chưa có trường hợp nào được xác nhận công khai bên ngoài nước Anh.

Trước khi ca tử vong được công bố, Anh cho biết 10 người nhiễm chủng Omicron đã phải nhập viện ở nhiều vùng khác nhau của nước này. Độ tuổi của họ dao động từ 18 đến 85 tuổi và hầu hết đã được tiêm 2 liều vắc xin.

Cơ quan An ninh Y tế Anh cho biết Omicron - lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi, Botswana và Hồng Kông vào cuối tháng 11 - có thể vượt qua khả năng miễn dịch do 2 mũi vắc xin AstraZeneca hoặc Pfizer/BioNTech tạo ra.

Bộ Y tế Nam Phi nói rằng họ không thể khẳng định chắc chắn đã có trường hợp tử vong nào do Omicron gây ra hay không vì các trường hợp tử vong trước không được phân loại theo biến thể.

Thủ tướng Boris Johnson cho hay Anh đang đối diện “sóng thủy triều” Omicron và 2 mũi vắc xin sẽ không đủ phòng ngừa, trong khi chính quyền tăng tốc chương trình tiêm mũi tăng cường. Anh đối phó biến thể Omicron bằng cách đưa ra “Kế hoạch B”, yêu cầu nhiều người dân làm việc từ xa, đeo khẩu trang nơi công cộng và áp dụng quy định chứng nhận tiêm vắc xin.

Lo Omicron, Thái Lan rút ngắn thời gian tiêm mũi 3 vắc xin Covid-19

Thái Lan cho biết sẽ giảm thời gian giữa mũi tiêm vắc xin Covid-19 thứ 2 và thứ 3 nhằm tăng cường hệ miễn dịch để sẵn sàng đương đầu làn sóng Covid-19 mới do biến thể Omicron gây ra.

Lo Omicron, Thái Lan rút ngắn thời gian tiêm mũi 3 vắc xin Covid-19

Ngày 13.12, ông Taweesin Wisanuyothin, phát ngôn viên đội ngũ chống Covid-19 của chính phủ Thái Lan, nói những người đã tiêm liều vắc xin Covid-19 thứ 2 vào tháng 8 hoặc tháng 9 có thể ngay lập tức tiêm liều tăng cường.

Hiện nay, mọi trung tâm tiêm vắc xin Covid-19 ở Thái Lan đều có tiêm liều tăng cường.

Ông Wisanuyothin nhấn mạnh: “Vì biến thể Omicron đang lây lan, mũi tiêm thứ 3 có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng nặng và giảm tỉ lệ tử vong”.

Đến nay, Thái Lan mới ghi nhận 8 ca nhiễm biến thể Omicron và chưa phát hiện các ca nhiễm trong cộng đồng.

Khoảng 60% dân số Thái Lan, tương đương với 43 triệu người, đã được tiêm 2 liều vắc xin ngừa Covid-19. Trong đó, 4,1 triệu người đã tiêm mũi thứ 3.

Theo các dữ liệu ban đầu, liều tiêm tăng đáng kể khả năng bảo vệ trước biến thể Omicron.

Omicron là biến thể virus gây Covid-19 có đột biến trên protein gai, giúp nó có khả năng vượt qua một phần miễn dịch do vắc xin tạo ra.

Thêm nghiên cứu cho thấy có thể chặn Omicron bằng 3 mũi vắc xin Covid-19

Ba mũi vắc xin Pfizer/BioNTech có thể cung cấp khả năng bảo vệ đáng kể chống lại biến thể Omicron, theo nghiên cứu của các nhà khoa học Israel.

Thêm nghiên cứu cho thấy có thể ngăn chặn Omicron bằng mũi 3 vắc xin Covid-19

Các phát hiện tương tự cũng được Pfizer và BioNTech công bố vào đầu tuần trước. Theo hai công ty, ba mũi vắc xin Pfizer có thể vô hiệu hóa biến thể mới trong một thử nghiệm trong phòng thí nghiệm.

Nghiên cứu của Israel được thực hiện bởi Trung tâm Y tế Sheba và Phòng thí nghiệm Virus học Trung ương của Bộ Y tế.

Nhóm đã so sánh máu của 20 người đã được tiêm hai liều vắc xin trước đó 5-6 tháng với 20 người đã được tiêm nhắc lại mũi thứ ba một tháng trước đó.

Kết quả thử nghiệm cho thấy những người không tiêm mũi tăng cường không có khả năng chống lại Omicron.

Các chuyên gia cho biết liều nhắc lại có thể làm tăng khả năng này lên khoảng 100 lần.

Nghiên cứu của Israel được công bố sau một nghiên cứu của Nam Phi. Nhóm này chỉ ra rằng Omicron có thể tránh được một phần khả năng bảo vệ khỏi hai liều vắc xin.

Omicron được xác định ở Nam Phi vào tháng trước, gây ra lo ngại rằng biến thể có số lượng đột biến cao bất thường có thể gây ra một làn sóng Covid-19 mới trên toàn cầu.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 14.12 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.