Vì sao đường phố TP.HCM thoáng lạ?

Chí Nhân
Chí Nhân
04/02/2023 07:42 GMT+7

Tuần đầu tiên đi làm trở lại sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán kéo dài, nhiều người ngạc nhiên khi nhiều tuyến đường ở TP.HCM vẫn khá thông thoáng.

"TP dường như bé lại !"

Kết thúc tuần đầu tiên làm việc sau tết Nguyên đán, anh Nguyễn Ngọc Tâm (ngụ Q.7, TP.HCM) chia sẻ: Cả tuần nay chỉ mất thời gian di chuyển chừng 15 - 20 phút cho quãng đường từ nhà tới cơ quan, ngay cả giờ cao điểm. Trong khi trước đây, đi từ khu Phú Mỹ Hưng (Q.7) vào khu trung tâm Q.1 hay Q.3 thường phải mất ít nhất 30 phút, đi đường nào cũng bị kẹt xe. "Đường sá thông thoáng thật sướng", anh Tâm tán dương. Theo anh Tâm, trước đây TP ngày nào cũng kẹt xe ngày 2 lần vào giờ cao điểm. Đến gần tết thì coi như kẹt xe cả ngày; chỉ thông thoáng được vài ngày nghỉ tết. "Vậy mà năm nay, đường phố cứ thông thoáng kéo dài", anh Tâm nói.

Cũng trong tuần đầu đi làm, chị Quỳnh Hương (Q.12, TP.HCM) có hẹn cà phê bàn công việc với bạn ở Q.1. Đây là một trong số ít lần chị đến đúng giờ hẹn bởi theo chị: "TP dường như bé lại. Hôm nay, từ nhà đến trung tâm Q.1 chỉ mất hơn 20 phút, nhanh bất ngờ luôn". Là một người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, chị Hương nghi ngại: Thấy tình hình kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) không có đơn hàng hoạt động cầm chừng nên có lẽ nhiều người về quê ăn tết không vội quay trở lại TP. Kẹt xe cũng mệt mỏi nhưng thông thoáng thế này đâm lo.

Trong lần về quê đón tết vừa rồi, anh Nguyễn Văn Trực có hứa với đứa em họ mới tốt nghiệp ngành xây dựng sẽ giúp tìm việc ở TP.HCM. Tuy nhiên, cả tuần qua anh Trực liên lạc với 3 ông chủ các DN xây dựng từ nhỏ tới vừa nhưng đều bị từ chối. "Có người bảo, trong tháng giêng mọi người kiêng đục đẽo nên chưa nhận được công trình nào. Ráng đợi qua tháng 2, tháng 3, khi nào có việc sẽ báo lại. Có người nói thẳng giờ kinh tế khó khăn, công trình lớn không có công trình nhỏ đếm trên đầu ngón tay", anh Trực kể.

Xem nhanh 12h ngày 4.2: Quốc Cơ-Quốc Nghiệp lập kỷ lục | Hai vụ án hy hữu ở Thanh Hóa, Đà Nẵng

"Ráng cầm cự chờ hết quý 1"

Sự thoáng lạ của TP.HCM trong tuần đầu của năm mới có một phần tác động từ những khó khăn của nhiều DN. Khảo sát của chúng tôi cho thấy, hầu hết các công ty trong lĩnh vực thực phẩm như thịt, trứng… đã hoạt động trở lại ngay từ mùng 3, mùng 4 tết. Nhưng theo chủ một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này thì: "Sức mua trong tháng giêng rất yếu vì phần lớn người tiêu dùng đã chuẩn bị hàng cho tết vẫn chưa sử dụng hết. Mặt khác, tháng giêng nhiều người ăn chay nên các sản phẩm thịt, cá, trứng… bán rất chậm. Thông thường tháng giêng doanh số chỉ bằng 50 - 60% mức doanh thu bình quân. Năm nay nguy cơ giảm thêm khoảng 15 - 20% so với cùng kỳ các năm trước. Nếu chịu khó để ý quan sát chúng ta có thể thấy, các hàng quán thường khá đông khách, nhưng đến khoảng 10 giờ thì gần như họ về hết".

Vì sao đường phố TP.HCM  thoáng lạ ? - Ảnh 1.

Đường phố TP.HCM thông thoáng suốt trong tuần đầu người dân đi làm trở lại sau kỳ nghỉ tết

Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA) Nguyễn Ngọc Hòa thông tin: Trong tuần đầu tiên làm việc sau tết Nguyên đán, có khoảng 90% DN mở cửa khai trương và hoạt động trở lại. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế chung hiện nay chỉ có một số DN thuộc lĩnh vực sản xuất hàng hóa thiết yếu, thương mại hoạt động gần như bình thường. Còn nhiều ngành nghề vẫn gặp khó khăn về đơn hàng và đầu ra sản phẩm như dệt may, da giày, gỗ… do bị ảnh hưởng nặng nề từ suy thoái kinh tế ở nhiều thị trường trọng điểm làm giảm đơn hàng. Thế nên, nhiều DN trong các ngành vừa nêu chỉ hoạt động cầm chừng trong giai đoạn từ cuối năm ngoái kéo dài qua đến đầu năm nay. Tương tự, nhóm ngành xây dựng cũng gặp nhiều khó khăn kéo theo sự trì trệ của công ty vật liệu xây dựng, nội thất…

"Để giải quyết bài toán kinh tế hiện nay, ngoài vấn đề nỗ lực tự thân của các DN cũng cần sự hỗ trợ của nhà nước bằng cách thúc đẩy các dự án đầu tư công nhanh chóng được triển khai góp phần giải quyết khó khăn của nền kinh tế", ông Hòa nêu quan điểm.

VN có lợi thế về sản xuất và chế biến thủy sản xuất khẩu. Chúng ta đã chọn hướng đi đúng so với các đối thủ cạnh tranh. Bên cạnh đó, sản phẩm của VN cũng quen thuộc với các thị trường Mỹ, Nhật, EU. Đây lại là mặt hàng thiết yếu nên sớm muộn gì thị trường cũng sẽ ấm lại, thông thường là đầu tháng 4. Trong tháng 3 tới, Hội chợ thủy sản quốc tế Boston (Mỹ) sẽ khai mạc. Đây là lúc chúng ta có thể biết rõ hơn về “nhiệt kế” thị trường trong năm 2023 sẽ diễn biến ra sao? Còn từ đây đến đó thì cơ bản chúng ta vẫn phải cầm cự và chờ đợi.

Ông Trương Đình Hòe

Trong năm 2022, thủy sản là ngôi sao sáng của nền kinh tế cũng như hoạt động xuất khẩu, nhiều tháng liền giá trị xuất khẩu vượt 1 tỉ USD/tháng. Tuy nhiên, tháng 1 vừa qua, kim ngạch chỉ đạt 600 triệu USD, giảm đến 31% so với cùng kỳ năm trước. Năm nay, nhiều DN ngành này đợi đến mùng 8, mùng 9 mới khai trương, trễ đến 3 - 4 ngày so với thông lệ. Trả lời Thanh Niên, nhiều DN thừa nhận "chỉ khai trương lấy ngày và hoạt động cầm chừng để chờ đơn hàng. Tình trạng này có thể phải kéo dài đến hết tháng 3".

Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) Trương Đình Hòe đánh giá: Tháng 1.2023 không được lạc quan là hệ lụy kéo dài từ quý 4/2022. Đây cũng là điều đã được dự báo từ trước. Tuy nhiên, tháng 1 cũng có đặc thù là trùng với lịch nghỉ tết âm lịch (thường là tháng 2). Đó cũng là lý do góp phần làm kim ngạch của ngành giảm khá nhiều. Việc Trung Quốc mở cửa lại thị trường về cơ bản là một tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh nhiều thị trường quan trọng đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, họ lại mở cửa đúng dịp tết, nên chúng ta vẫn cần thêm thời gian để đánh giá lại và nắm bắt các tín hiệu từ thị trường này một cách chính xác hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.