Vì sao EU muốn thành lập liên minh năng lượng?

21/03/2015 15:09 GMT+7

(TNO) Việc Liên minh châu Âu (EU) thúc đẩy kế hoạch xây dựng một liên minh năng lượng không những xuất phát từ nhu cầu hợp tác nội khối, mà còn nhằm giải quyết vấn đề về tính cạnh tranh của doanh nghiêp và sự phụ thuộc năng lượng bên ngoài.

(TNO) Việc Liên minh châu Âu (EU) thúc đẩy kế hoạch xây dựng một liên minh năng lượng không những xuất phát từ nhu cầu hợp tác nội khối, mà còn nhằm giải quyết vấn đề về tính cạnh tranh của doanh nghiêp và sự phụ thuộc năng lượng bên ngoài.

EU thúc đẩy việc thành lập liên minh năng lượng của khối (ảnh minh họa) - Ảnh: Reuters
Tại Hội nghị thượng đỉnh châu Âu diễn ra tại Brussels, Bỉ ngày 19.3 vừa qua, các lãnh đạo châu Âu đã thảo luận về những bước đầu tiên nhằm thành lập một liên minh năng lượng của châu Âu. Đây được xem là kế hoạch lớn và quan trọng đối với hầu hết các quốc gia thuộc EU về lĩnh vực năng lượng.
Kế hoạch này không chỉ xuất phát từ nhu cầu hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực năng lượng của các thành viên EU mà còn từ những yếu tố thực tế về nguồn cung, tính cạnh tranh và sự phụ thuộc năng lượng bên ngoài khối.
Các thống kê trên trang web của Ủy ban châu Âu (EC) về tình hình năng lượng của các nước thành viên EU cho thấy EU là nhà nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới, cụ thể 53% năng lượng của EU là nhập khẩu từ các nước ngoài khối.
Theo tờ Energy Post, 88% lượng dầu thô của EU là nhập khẩu và 1/3 trong số đó là từ Nga. Ngoài ra, có 6 nước thành viên EU phụ thuộc 100% vào khí đốt của Nga, gồm: Phần Lan, Estonia, Latvia, Lithuania, Bulgaria và Slovakia. Những con số này cho thấy các nước châu Âu phụ thuộc rất lớn vào bên ngoài trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là Nga.
Ông Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, cũng thừa nhận mỗi năm khối phải chi ra 400 tỉ euro để nhập khẩu năng lượng, tức là mỗi ngày phải bỏ ra hơn 1 tỉ euro. Ông khẳng định: “Liên minh năng lượng là rất cần thiết”.
Ông Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Ủy ban châu Âu - Ảnh: Reuters
Sự phụ thuộc năng lượng bên ngoài còn kéo theo vấn đề ổn định và bền vững của nền kinh tế. Như đã phân tích ở trên, nhiều quốc gia EU đang nhập khẩu năng lượng từ Nga, vì vậy mối giao thương này có biến chuyển gì thì không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế Nga mà còn tác động đến các nước châu Âu. Năm 2014, một số nước như Bulgaria hay Slovakia đều lên tiếng khẳng định quốc gia mình đã phải chịu ảnh hưởng khi mối quan hệ Nga - EU xấu đi.
Bên cạnh mục tiêu sớm giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng bên ngoài, một yếu tố khác cũng được bàn đến là tính cạnh tranh của các doanh nghiệp châu Âu, rộng hơn là nền kinh tế khu vực này.
Tại hội nghị thượng đỉnh hôm 19.3, ông Jean-Claude Juncker khẳng định ông muốn cải cách và tổ chức lại chính sách năng lượng của châu Âu trong liên minh năng lượng mới của khối. Ông đưa ra các số liệu về giá bán điện dùng cho hộ gia đình và dùng cho sản xuất, trong đó giá bán trung bình ở EU cao hơn so với nhiều quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ, theo bản trình chiếu được đăng tải trên trang web chính thức của EC (ec.europa.eu).
Những điều đó ảnh hưởng tới tính cạnh tranh của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất ở châu Âu. Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay khi mà một doanh nghiệp phải bỏ ra khoản chi phí năng lượng phục vụ sản xuất càng lớn thì sức cạnh tranh của doanh nghiệp đó sẽ tỷ lệ nghịch. Điều này cũng đã được nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra phân tích, theo Voxeu.org.
Để thúc đẩy và hiện thực hóa kế hoạch quan trọng này, EU phải tính toán rất kỹ từ xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường khung pháp lý đến việc giải quyết các vấn đề đối tác năng lượng bên ngoài… Đây được coi là dự án về năng lượng lớn và tham vọng nhất kể từ sau kế hoạch thành lập Cộng đồng than thép châu Âu năm 1950.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.