Tháng 11.2021, giá Bitcoin (BTC) đạt mức cao kỷ lục là 68.000 USD nhưng đến tháng 11.2022, nó đã mất hơn 75% giá trị sau sự sụp đổ của FTX - sàn giao dịch điện tử lớn nhất thế giới thời điểm đó. Trong năm 2023, Bitcoin đã tăng bật trở lại, kéo theo sự tăng giá trị của các đồng tiền kỹ thuật số phổ biến khác, đánh dấu sự phục hồi đầy ấn tượng của tiền kỹ thuật số trong thời gian qua, làm thúc đẩy kỳ vọng đà tăng giá hơn nữa trong năm 2024.
Vậy đâu là yếu tố thúc đẩy sự tăng giá trở lại đầy ngoạn mục của Bitcoin.
Mỹ sắp phê duyệt quỹ ETF?
Các chuyên gia tài chính đánh giá, sự phục hồi đầy ấn tượng và gia tăng giá trị của Bitcoin thời gian qua chủ yếu được thúc đẩy bởi suy đoán rằng Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) có khả năng sắp phê duyệt quỹ hoán đổi danh mục (ETF) Bitcoin giao ngay.
Theo đó, thời hạn cuối cùng để SEC phê duyệt hoặc từ chối đơn đăng ký quỹ ETF Bitcoin giao ngay từ công ty quản lý quỹ Ark (Mỹ) và chi nhánh tại Mỹ của nhà phát hành tiền điện tử 21 Shares (Thụy Sĩ) là vào ngày 10.1. Dự kiến, quyết định cuối cùng có thể tạo tiền lệ cho các đơn xin phê duyệt ETF từ một số nhà quản lý quỹ khác cho một số sản phẩm tương tự.
Theo Bloomberg, các đề xuất niêm yết và giao dịch 11 quỹ ETF Bitcoin giao ngay đã được gửi đến SEC để chờ phê duyệt. Trang CoinDesk cho rằng nếu được chấp thuận, các quỹ ETF Bitcoin dự kiến sẽ được giao dịch trên các sàn giao dịch truyền thống do SEC quản lý như Sở giao dịch chứng khoán New York hoặc Nasdaq.
Đây sẽ là thời điểm mang tính lịch sử của tiền kỹ thuật số với nỗ lực để được chấp nhận như một kênh lưu trữ giá trị đáng tin cậy. Trong hai năm qua, SEC đã nhiều lần từ chối các đơn đăng ký quỹ ETF Bitcoin giao ngay do lo ngại tính chất phi tập trung và dễ biến động của token sẽ cản trở các nhà quản lý quỹ bảo vệ các nhà đầu tư khỏi sự thao túng thị trường. Hiện tại, tất cả các quỹ ETF Bitcoin được giao dịch tại Mỹ đều theo dõi hợp đồng tương lai của token được giao dịch trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Chicago (CME).
Hiện BlackRock Inc - công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới - cũng đã đăng ký quỹ ETF Bitcoin giao ngay.
Theo các chuyên gia tài chính, việc SEC phê duyệt quỹ ETF Bitcoin giao ngay sẽ tạo động lực thúc đẩy dòng vốn đầu tư vào tiền kỹ thuật số vì sản phẩm này cho phép các nhà giao dịch đầu tư vào mã thông báo mà không cần trực tiếp nắm giữ tiền kỹ thuật số.
Quỹ hoán đổi danh mục (ETF) là một quỹ đầu tư thụ động mô phỏng theo chỉ số tham chiếu của một loại tài sản nhất định, có thể là cổ phiếu, trái phiếu, hoặc một ngành hàng bất kỳ như vàng, bất động sản, dầu khí… ETF vừa mang đặc trưng của một quỹ đầu tư, vừa mang đặc trưng của một cổ phiếu bởi chúng được niêm yết và giao dịch trên sàn chứng khoán. Có hai cách mua bán chứng chỉ quỹ ETF phổ biến hiện nay là mua trực tiếp với công ty quản lý quỹ hoặc mua bán trực tiếp trên sàn chứng khoán. Quỹ ETF được đánh giá là sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm chứng khoán, đồng thời cung cấp thêm công cụ cho các nhà đầu tư, song nó vẫn có các hạn chế và rủi ro nhất định cần lưu ý.
Tín hiệu của Fed và Bitcoin Halving
Một yếu tố quan trọng không kém đã thúc đẩy đà tăng giá của Bitcoin đó là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát đi tín hiệu gợi ý chu kỳ tăng lãi suất đã kết thúc. Đây là tín hiệu lạc quan đầy khích lệ với nền kinh tế khi lạm phát tiếp tục giảm. Điều này đã khiến các tài sản rủi ro hơn nhưng lợi nhuận cao như tiền điện tử trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư.
Mỹ lần đầu phê duyệt quỹ ETF bitcoin
Một yếu tố khác có tác động đến chu kỳ tăng giá trị của Bitcoin là sự kiện "Bitcoin Halving", sự kiện mà phần thưởng của các thợ đào Bitcoin sẽ bị giảm một nửa để ngăn lạm phát giá đồng tiền. Kể từ khi bắt đầu hoạt động vào ngày 3.1.2009, sự kiện "Bitcoin Halving" đã diễn ra 3 lần vào các năm 2012, 2016 và 2020 và lần kế tiếp dự kiến vào tháng 4 năm nay.
"Bitcoin Halving" là một sự kiện được lên lịch trước, trong đó phần thưởng cho hoạt động đào và xác minh block mới giảm 50%. Do đó, thợ đào chỉ kiếm được một nửa số BTC cho mỗi block đã đào. Theo lịch, sự kiện diễn ra khoảng 4 năm một lần hoặc sau khi khoảng 210.000 block được khai thác. Sự kiện "Bitcoin Halving" tiếp tục diễn ra cho đến khi mạng lưới tạo ra nguồn cung token tối đa là 21 triệu BTC.
Sự kiện "Bitcoin Halving" có vai trò rất quan trọng đối với hầu hết các nhà đầu tư trong thị trường tiền mã hóa bởi nó nhằm giảm số lượng Bitcoin mới được phát hành ra thị trường, qua đó làm cho Bitcoin trở nên khan hiếm, đắt đỏ hơn, giúp hạn chế lạm phát và tạo sự cạnh tranh cho mạng lưới thợ đào. Các dữ liệu trước đây cho thấy, Bitcoin và toàn bộ thị trường tiền mã hóa sẽ trải qua một đợt tăng trưởng mạnh sau khi sự kiện này diễn ra.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Bitcoin vẫn còn là một khoản đầu tư nhiều rủi ro vì nó được coi là một tài sản đầu cơ không lấy được giá trị từ một thực thể cơ bản. Giá Bitcoin cũng cực kỳ biến động, đôi khi có thể tăng, giảm từ 5% đến 10% trong một ngày. Hơn nữa, cũng không có gì đảm bảo Bitcoin sẽ giữ lại giá trị hiện tại.
Ông Douglas Boneparth - Chủ tịch Bone Fide Wealth, đồng thời là thành viên Hội đồng Cố vấn tài chính của CNBC, đánh giá rằng Bitcoin là loại tài sản hoạt động tốt nhất trong 10 năm qua nhưng rủi ro đi kèm với nó là vô cùng lớn.
Mặc dù tiền điện tử vẫn luôn là mảnh đất màu mỡ, là thị trường đầy tiềm năng, hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao cho các nhà đầu tư, thu hút sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, song các nhà hoạch định tài chính vẫn luôn khuyến giới đầu tư cần xem xét cẩn trọng khi đầu tư vào loại tiền này bởi rủi ro tiềm ẩn là rất lớn.
Bình luận (0)