Ông N.V.C (52 tuổi, ngụ H.Châu Thành, Tây Ninh) cho biết, trước đây, người thân gia đình ông bị trộm mất xe trên đường ĐT 781. Gia đình ông đề nghị cơ quan chức năng trích xuất hình ảnh lưu trên các camera gắn trên tuyến đường này. Tuy nhiên, các camera giám sát đều không hoạt động hoặc không lưu hình ảnh. “Khi cần hình ảnh thì camera lại không sử dụng được, vậy đầu tư lắp hệ thống camera làm gì cho tốn kém?”, ông C. nói.
Hệ thống camera giám sát giao thông được lắp đặt trên đường ở Tây Ninh |
GIANG PHƯƠNG |
Chỉ còn 24 camera hoạt động
Ông Nguyễn Tấn Đức, Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Tây Ninh, xác nhận có tình trạng như người dân phản ánh nêu trên. Theo ông Đức, hiện đa số camera, nhất là ở các địa phương thực hiện xã hội hóa đều đã cũ, hư hỏng, không có kinh phí sửa chữa hoặc đầu ghi hình bị hư nên không lưu hình ảnh.
Ông Đức cho biết, hiện tỉnh chỉ còn 24 camera (do Công an TP.Tây Ninh lắp đặt trong năm 2021 tại các tuyến đường trọng điểm) đang hoạt động, có khả năng xem hình ảnh. Trong đó, chỉ có 16 camera có tích hợp về Trung tâm Giám sát điều hành để phân tích AI, nhận diện biển số xe, đối tượng… để phục vụ xử phạt nguội vi phạm an toàn giao thông.
"Hiện hệ thống camera này vẫn còn thời gian bảo hành và đang hoạt động tốt. Việc người dân yêu cầu cung cấp thông tin ở những nơi khác là không thực hiện được”, ông Đức nói.
Hệ thống camera giám sát giao thông được lắp đặt trên đường 30 Tháng 4, TP.Tây Ninh, nơi từng xảy ra vụ xe ô tô tông hàng loạt xe máy dừng đèn đỏ vào tháng 7.2022 |
GIANG PHƯƠNG |
Ông Đức cho biết thêm, từ những năm 2014 - 2015, Công an tỉnh Tây Ninh triển khai lắp đặt thí điểm 35 camera giám sát an ninh trật tự và trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, hệ thống này sử dụng trong thời gian dài, hình ảnh truyền về trung tâm giám sát bị mờ, xuống màu, không rõ nét, khó nhận dạng… và nhiều camera bị hư hỏng.
Đa số camera do một số huyện, thị tự trang bị tại một số điểm trọng yếu sử dụng công nghệ cũ không có khả năng tích hợp về trung tâm giám sát điều hành tập trung. Các camera do các địa phương vận động người dân, doanh nghiệp lắp đặt thì đa số sử dụng công nghệ analog không kết nối mạng internet.
Một số camera hiện đã hư hỏng không được sửa chữa, một số hoạt động nhưng đầu ghi hình đã hư nên không lưu được hình ảnh…
Trụ camera trên đường 30 Tháng 4 hiện đã gãy |
GIANG PHƯƠNG |
Trụ camera vẫn nằm dài trên vỉa hè |
GIANG PHƯƠNG |
Thí điểm mở dữ liệu camera cho người dân
Theo Sở TT-TT tỉnh Tây Ninh, đơn vị này đang có ý kiến thẩm định kỹ thuật và triển khai thực hiện 3 dự án camera trên toàn tỉnh với tổng kinh phí trên 124 tỉ đồng.
Riêng Sở TT-TT làm chủ đầu tư dự án trang bị hệ thống camera giám sát an ninh trật tự, tập trung lắp đặt 375 camera ở 122 vị trí trên toàn tỉnh, với tổng mức đầu tư trên 34,4 tỉ đồng. Theo ông Đức, dự án đang tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng triển khai.
Sở TT-TT đã có hướng dẫn và đề nghị các địa phương khi triển khai đầu tư mới camera giám sát, kể cả khi sử dụng nguồn vốn xã hội hóa, phải đề nghị Sở thẩm định về mặt kỹ thuật. Việc này nhằm đảm bảo có khả năng tích hợp về trung tâm giám sát điều hành tập trung, kịp thời cung cấp thông tin cho các ngành, địa phương khi cần truy vết tội phạm hoặc giải quyết vấn đề tai nạn giao thông, an ninh trật tự…
Tuyến đường trung tâm TP.Tây Ninh |
GIANG PHƯƠNG |
Đồng thời, đơn vị này cũng đang nghiên cứu thí điểm tích hợp camera giám sát của người dân về trung tâm giám sát điều hành tập trung nhằm tăng số lượng camera giám sát phục vụ quản lý an ninh trật tự.
Ngoài ra, Sở TT-TT Tây Ninh cũng đang thí điểm mở dữ liệu camera giám sát cho người dân như tích hợp tính năng tra cứu vi phạm giao thông trên ứng dụng Tây Ninh Smart cho người dân xem hình ảnh các camera xung quanh khu vực mình ở khi đủ điều kiện về kỹ thuật và số lượng camera lớn…
Bình luận (0)