Khi lên cơn hen suyễn, niêm mạc của ống phế quản sẽ sưng lên và bị viêm nhiễm do phản ứng với các tác nhân gây kích thích. Vì ống phế quản bị sưng nên sẽ hẹp lại, khiến không khí lưu thông qua bị hạn chế và gây khó thở, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Thời tiết lạnh có thể khiến các triệu chứng của hen suyễn nặng hơn |
SHUTTERSTOCK |
Khi gặp thời tiết lạnh, triệu chứng khó thở của hen suyễn có thể nặng hơn. Một nghiên cứu công bố vào năm 2014 ở Trung Quốc cho thấy số người nhập viện vì hen suyễn sẽ tăng vào những tháng mùa đông.
Một nghiên cứu khác ở Phần Lan phát hiện có tới 82% những người bị hen suyễn sẽ thở gấp khi tập thể dục trong thời tiết lạnh. Vì khi tập thể dục, cơ thể sẽ cần nhiều ô xy hơn. Do đó, nhịp thở cũng sẽ tăng lên. Thông thường, mọi người sẽ thở bằng miệng để hấp thụ không khí nhiều hơn.
Nếu thở bằng mũi thì không khí sẽ được làm ấm trước khi vào phổi do trong mũi có rất nhiều mạch máu nhỏ. Nếu thở bằng miệng thì không khí sẽ không được làm ấm.
Tập thể dục ngoài trời lạnh cộng với thở bằng miệng sẽ khiến không khí lạnh khô đi trực tiếp qua phế quản vào phổi. Điều này sẽ làm tăng khả năng lên cơn hen suyễn. Thời tiết lạnh tác động tiêu cực đến hen suyễn vì những nguyên nhân sau:
Không khí lạnh khô
Phế quản được phủ bởi một lớp mỏng chất lỏng. Khi hít thở quá nhiều không khí lạnh khô, lớp chất lỏng này sẽ bốc hơi nhanh và không kịp tái tạo. Phế quản khi quá khô sẽ dễ bị kích ứng và sưng lên, làm trầm trọng hơn các triệu chứng hen suyễn.
Không khí lạnh cũng khiến phế quản sản sinh ra một chất gọi là histamine. Đây là hóa chất cơ thể tiết ra khi bị dị ứng. Histamine sẽ gây thở khò khè và nhiều triệu chứng khác của hen suyễn.
Thời tiết lạnh khiến mọi người dễ bị cảm lạnh và cúm, từ đó khiến triệu chứng hen suyễn thêm khó chịu |
SHUTTERSTOCK |
Lạnh làm tăng tiết chất nhầy
Phế quản cũng được bảo vệ bằng một lớp chất nhầy. Lớp chất nhầy này sẽ giữ lại bụi bẩn và các phân tử có hại cho cơ thể. Khi thời tiết lạnh, cơ thể sẽ sản sinh nhiều chất nhầy hơn. Tuy nhiên, chất nhầy cũng đặc và dính.
Chất nhầy trong mũi và họng quá nhiều sẽ dễ gây ra các triệu chứng giống cảm lạnh. Với phế quản, chất nhầy đặc và nhiều sẽ gây thở khò khè.
Dễ bị cảm cúm
Thời tiết lạnh sẽ khiến mọi người dễ bị cảm lạnh, cúm và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác. Những bệnh này sẽ là nguyên nhân khiến các triệu chứng hen suyễn thêm nặng.
Những cơn gió vào mùa đông khi bay vào nhà có thể thổi tung bụi bẩn, nấm mốc và lông chó mèo. Đây đều là những thứ gây dị ứng và kích hoạt cơn hen suyễn ở một số người, theo Healthline.
Bình luận (0)